Nhận thức đúng về biến đổi khí hậu để có giải pháp và hành động phù hợp phát triển ĐBSCL

07:09 14/03/2021
Ngày 13/3, tại Cần Thơ, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị lần thứ 3 về “Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)”. Hội nghị nhằm thảo luận, đánh giá những việc đã làm được, những kết quả nổi bật, hạn chế, khó khăn, bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp thúc đẩy thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ.

Đồng chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; đại diện các viện nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, đối tác trong nước và nước ngoài…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu mở đầu hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh việc ban hành Nghị quyết số 120 đã đánh dấu bước đột phá lớn trong tư duy, định hình chiến lược phát triển vì tương lai thịnh vượng, bền vững của ĐBSCL theo hướng tổng thể, tích hợp phát triển KT-XH toàn vùng với tầm nhìn dài hạn. Đồng thời tăng cường kết nối phát triển giữa các địa phương, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm thông qua cơ chế điều phối thống nhất.

“Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120, đã đạt được những kết quả rất tích cực. Chính phủ mong rằng, hội nghị sẽ tiếp tục thúc đẩy hành động của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân vùng ĐBSCL cùng với sự hỗ trợ, hợp tác của cộng đồng quốc tế để các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết và Chương trình hành động tổng thể được triển khai hiệu quả, nhằm phát triển bền vững và thịnh vượng cho vùng ĐBSCL trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Theo báo cáo, kinh tế toàn vùng liên tục đạt mức tăng trưởng cao (năm 2018 đạt 7,8%, năm 2019 đạt 7,22%). Năm 2020 trong bối cảnh xảy ra đại dịch COVID-19, các địa phương vùng ĐBSCL đã nỗ lực (GRDP đạt 2,38%) góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng GDP dương trong năm 2020. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng mức đầu tư từ ngân sách dành gần 200.000 tỷ đồng (tương đương gần 9 tỷ USD) chiếm khoảng 16% tổng đầu tư toàn quốc, cao hơn nhiều so với mức 12% của giai đoạn 2011-2015. Nguồn ODA là 22.000 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD).

Thực hiện xoay trục chiến lược từ sản xuất lúa - trái cây - thủy sản sang thủy sản - trái cây – lúa, chủ động chuyển diện tích lúa kém chất lượng, thường xuyên bị hạn mặn sang thủy sản, cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Lần đầu tiên các đặc sản của vùng như thanh long, xoài, vú sữa, chôm chôm… đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia... Đời sống người dân từng bước cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người đạt 57 triệu đồng, tăng gấp rưỡi…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các ý kiến đại biểu dành cho vùng đất “chín rồng”. Theo Thủ tướng, ĐBSCL có 13 tỉnh, thành phố, chiếm 12% diện tích và 19% dân số cả nước; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65 % sản lượng nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là vựa lúa chính chiếm khoảng 20% trong lượng gạo thương mại toàn cầu, góp phần đảm bảo lương thực ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh. Những chính sách, giải pháp và hành động của Đảng, Chính phủ không đơn thuần được nhìn dưới góc độ phát triển kinh tế mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự sẻ chia của đồng bào, của nhân dân cả nước đối với người dân miền Tây.

Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm dần diện tích trồng lúa từ 3 vụ xuống còn 2 vụ.

“ĐBSCL - vùng đất nhân kiệt, nơi đã sinh ra và có đủ yếu tố hội tụ nhiều nhân tài nơi khác đến, đây một nguồn lực quan trọng, thậm chí là quyết định. Trong chiến lược ứng phó với thách thức của BĐKH, tài lực, vật lực là quan trọng nhưng quyết định nhất là nhân lực, là con người, là chất xám, trí tuệ và cả cảm xúc và lòng dũng cảm”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng khởi xướng tới đây ĐBSCL sẽ tổ chức một diễn đàn trong khuôn khổ sáng kiến “Đối thoại 2045” nhằm gặp gỡ đội ngũ trí thức, nhà khoa học, các doanh nghiệp, doanh nhân, những người có quá trình gắn bó và đã, đang đầu tư vào vùng đất “chín rồng” để tìm giải pháp cho người dân ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững hơn nữa. Theo Thủ tướng, những kết quả đã đạt được là đáng mừng nhưng đó chỉ là bước đầu quan trọng, còn nhiều việc phải làm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ quan điểm chiến lược tiếp cận mới đối với ĐBSCL qua 8 chữ “8G” để dễ vận dụng trong thực tiễn.

Thứ nhất là chữ “Giao”. Thủ tướng nói phải dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông thủy lợi và cơ sở hạ tầng gắn với tầm nhìn chung của toàn vùng ĐBSCL, nhất là hệ thống đường cao tốc, tạo sự kết nối thuận tiện, chi phí thấp, thúc đẩy giao thương, mở mang kinh tế cho người dân, làm cơ sở ứng phó hiệu quả với thách thức của BĐKH.

Thứ hai là chữ “Giáo”, tức giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Theo Thủ tướng, đây là chìa khóa vàng của phát triển bền vững.

Thứ ba là chữ “Giang” (sông). “Kinh tế và sinh kế của người dân nơi đây gắn liền với các con sông. Chiến lược phát triển cần tận dụng lợi thế, phát huy vai trò của các con sông để phát triển kinh tế nông nghiệp, lúa gạo, trái cây, thủy sản, giao thông và đặc biệt là hệ thống logistic đường sông thì mới thành công. Không có dòng sông, con rạch không phải là văn hóa của miền Tây, vai trò của các con sông là yếu tố không thể không nói tới khi nhắc về ĐBSCL”, Thủ tướng nói.

Thứ tư là chữ “Gắn”, tức gắn kết giữa Trung ương với địa phương, Nhà nước với thị trường, người dân và doanh nghiệp, giữa trong nước và tổ chức, nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là gắn liên kết vùng ĐBSCL để cùng phát triển.

Thứ năm là chữ “Giàu”, tích cực thu hút được những người giàu, người khá giả, doanh nghiệp có tiềm lực đến đầu tư phát triển kinh tế địa phương, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ sáu là chữ “Giỏi”, tích cực thu hút những tài năng đóng góp chất xám, trí tuệ cho sự phát triển ĐBSCL.

Thứ bảy là chữ “Già”. Thủ tướng lưu ý ĐBSCL cần có chính sách chủđộng cho vấn đề dân số già hóa và hình thành mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn để nâng đỡ phúc lợi cho người già và những người yếu thế. Thứ tám là chữ “Giới”. Thủ tướng nói cần thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp cận cơ hội việc làm và phát huy vai trò, vị trí của người phụ nữ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành và nêu rõ, đối với thị trường lao động, các địa phương cần chú trọng đào tạo và đào tạo nguồn nhân lực một cách hiệu quả, đón đầu xu hướng dịch chuyển sản xuất để chuẩn bị sớm các kỹ năng cần thiết cho người lao động, thích ứng với nhu cầu thị trường.

Đối với thị trường đất đai, cần thúc đẩy chuyển đổi đất đai để thích nghi với nhu cầu và mục đích sử dụng đất trước sự biến đổi nhanh chóng và khó lường của thiên nhiên. Nghiên cứu để có cơ sở linh hoạt trong quy hoạch diện tích đất trồng lúa, chuyển đổi diện tích sang các cây trồng cho giá trị kinh tế cao hơn và có khả năng thích ứng với diễn biến của biến đổi khí hậu, đảm bảo thu nhập và sinh kế bền vững của người dân. Thủ tướng chỉ đạo ưu tiên nguồn lực của Nhà nước cho đầu tư cơ sở hạ tầng nhiều hơn nữa cho vùng ĐBSCL; đẩy nhanh việc triển khai và thực hiện các dự án đãđược quy hoạch.

Thủ tướng đề nghị phát triển cả hàng không, đường bộ, đường thủy và đường sắt tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế vùng đất “chín rồng”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh triết lý phát triển “thuận thiên” nhưng nội hàm không phải là cam chịu, chấp nhận số phận hay sự sắp đặt của tạo hóa. “BĐKH không phải là do tự nhiên tạo ra mà chủ yếu là hệ quả các hoạt động của con người, cần phải nhận thức đúng để có các giải pháp và hành động phù hợp”, Thủ tướng lưu ý.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cam kết: “Với tư cách là đối tác phát triển của Việt Nam, chúng tôi cam kết hỗ trợ mạnh mẽ đối với ĐBSCL và việc thực hiện Nghị quyết 120. Trong giai đoạn 2015-2020, chúng tôi huy động khoảng 2,2 tỷ USD cho các hoạt động trong khu vực, hầu hết trong số đó đều phù hợp với Nghị quyết 120. Trong tương lai, chúng tôi sẵn sàng huy động thêm kiến thức và nguồn tài chính để thực hiện các tầm nhìn và mục tiêu của Nghị quyết 120. Những nguồn lực này sẽ hỗ trợ các cơ quan Trung ương, địa phương và các bên liên quan khác để giảm thiểu rủi ro và nắm bắt cơ hội do BĐKH, thị trường mới trong và ngoài nước, tiến bộ về công nghệ…”.


Ba năm trước, cũng tại Cần Thơ, diễn ra hội nghị đầu tiên về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm nhất quán về phát triển ĐBSCL, tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm sống chung với lũ, sống chung với mặn, với khô hạn, thiếu nước, phù hợp với điều kiện thực tế. Thành công lớn của hội nghị là cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120, đề ra tầm nhìn tới năm 2100, mục tiêu tới năm 2050, các quan điểm chỉ đạo, chủ trương và định hướng chiến lược phát triển ĐBSCL, các giải pháp tổng thể và các nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới.
Văn Vĩnh

Chiếc vương miện - biểu tượng của sắc đẹp, trí tuệ và sự thành công - từ lâu đã được xem là đích đến của bao cô gái trẻ mang trong mình khát khao tỏa sáng. Nhưng, phía sau những tràng pháo tay, ánh đèn sân khấu rực rỡ và những bộ đầm lộng lẫy, là một thế giới không phải ai cũng nhìn thấy: nơi nổi tiếng đi cùng tai tiếng, nơi danh tiếng đi cùng sự ảo tưởng về vị trí, quyền lực.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long yêu cầu Bộ Y tế rà soát, báo cáo rõ các hạn chế, bất cập trong các quy định hiện hành về quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm chức năng; xác định rõ những vấn đề còn chưa chặt chẽ, sơ hở, dễ bị lợi dụng, thao túng để làm trái quy định.

Căn nhà tạm của gia đình ông K Srai (SN 1952), ở bon Ting Wel Đơm, xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa (Đắk Nông), sau nhiều năm không được tu sửa đã dột nát, chỉ còn chức năng che nắng, không ngăn được mưa. Giờ đây mọi chuyện đã khác...

Ngày 28/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, đã tạm giữ hình sự Vũ Văn Huân (SN 1966), trú tại TP Gia Nghĩa và Ngô Minh Truyền (SN 1998), trú tại huyện Đắk Song, để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.

Chiều 28/5, trong phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Lộc An (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương), đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Lộc An mức án từ 12-13 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cảnh báo về việc xuất hiện một văn bản giả mạo danh nghĩa của Hiệp hội và lãnh đạo Hiệp hội nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân và doanh nghiệp.

Ngày 28/5, ông Phạm Văn Trinh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Phước cho biết, UBND tỉnh đã nhận được kiến nghị của Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (gọi tắt là Công ty Sơn Hải) liên quan đến gói thầu Dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, trong đó có kiến nghị chấm thầu lại.

CLB bóng bàn Công an nhân dân T&T (CAND T&T) đã kết thúc hành trình tại Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân lần thứ 43 năm 2025 với 3 Huy chương Vàng và 3 Huy chương Đồng. Bóng bàn CAND  đã vượt thành tích giải năm ngoái (2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc). Một thành tích lịch sử nếu biết rằng CLB CAND T&T mới thành lập vào năm ngoái. Đằng sau những thành tích đặc biệt ấy có những câu chuyện ít biết.

Trong cơn lốc sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, ngày càng nhiều bạn trẻ bất chấp nguy hiểm, liều lĩnh quay video mạo hiểm để câu view, dẫn đến những tai nạn đau lòng. Mạng xã hội là cơ hội, nhưng cũng là cái bẫy nếu thiếu kỹ năng, thiếu nhận thức. Những cú nhảy để nổi tiếng, những thử thách “gây sốc” đang trở thành canh bạc sinh tử, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh toàn xã hội về trách nhiệm giáo dục, quản lý và xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.