Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của các nước Mekong

07:56 07/10/2018
Trước thềm chuyến thăm đến Nhật Bản, diện kiến Nhật Hoàng, làm việc cùng Thủ tướng Shinzo Abe và dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Nhật Bản, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc phỏng vấn với phóng viên. CAND Online xin giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn:
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh VGP

Phóng viên: Nhân dịp Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 10 sẽ được tổ chức vào tuần tới tại Nhật Bản, xin Ngài đánh giá về vai trò của Nhật Bản trong việc thúc đẩy hợp tác và phát triển trong khu vực sông Mekong thời gian qua?

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:

Trong những năm qua, bằng các nỗ lực thúc đẩy cải cách kinh tế trong nước và hội nhập quốc tế, các nước Mekong đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và trở thành một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu trên thế giới. Trong quá trình này, sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, trong đó có Nhật Bản, có ý nghĩa rất quan trọng. 

Hợp tác giữa Nhật Bản với khu vực Mekong được triển khai thông qua các cơ chế song phương cũng như các khuôn khổ hợp tác đa phương trên rất nhiều lĩnh vực từ chính trị, đối ngoại, kinh tế, thương mại, đến giáo dục, y tế, môi trường, du lịch. Nhật Bản là một trong những đối tác thương mại, đầu tư và nhà cung cấp ODA hàng đầu của các nước Mekong.

Riêng trong khuôn khổ Mekong - Nhật Bản, hàng trăm dự án hợp tác với tổng vốn đầu tư hàng chục tỷ đô la Mỹ đã được triển khai thành công, giúp các nước Mekong phát triển hạ tầng giao thông, công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm nghèo... Nhật Bản đã có nhiều hỗ trợ cho quá trình xây dựng và phát triển các tuyến hành lang kinh tế nội khối Mekong như Hành lang kinh tế Đông - Tây, Hành lang kinh tế phía Nam. 

Mối quan hệ hợp tác hiệu quả, dài lâu giữa khu vực Mekong và Nhật Bản đã, đang và sẽ giúp phát huy tiềm năng, thế mạnh của các nền kinh tế, tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm tại khu vực. 

Phóng viên: Trong thời gian tới, Ngài mong muốn Nhật Bản sẽ hợp tác với các nước tiểu vùng sông Mekong như thế nào nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng tại tiểu vùng Mekong, cũng như sự gắn kết và bổ trợ lẫn nhau giữa các nền kinh tế thành viên? Xin Ngài cho biết kỳ vọng của Việt Nam đối với Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần này?

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:

Tiềm năng hợp tác giữa Nhật Bản và các nước Mekong là rất lớn và còn nhiều lĩnh vực có thể thúc đẩy hơn nữa vì sự thịnh vượng và phát triển bền vững 
của khu vực. Trên cơ sở những thành tựu đạt được, chúng tôi mong muốn Nhật Bản tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò là đối tác vì “phát triển chất lượng cao” ở khu vực Mekong, phát huy tối đa mối quan hệ tương hỗ giữa thế mạnh của Nhật Bản về công nghệ, tài chính với lợi thế của khu vực Mekong về tốc độ tăng trưởng, thị trường và lao động.

Trong thời gian tới, hợp tác Mekong - Nhật Bản cần đặc biệt ưu tiên tăng cường 3 kết nối đã được thống nhất về hạ tầng giao thông, năng lượng; kết nối hạ tầng mềm về thể chế, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư và kết nối con người gắn với kết nối số để tạo hiệu quả tổng hợp cao. Tập trung hợp tác hiện thực hóa tầm nhìn chung về một Mekong xanh thông qua các chương trình, dự án về quản lý sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, phát triển nông nghiệp thông minh, bền vững và hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu. Trong quá trình này, 
Chính phủ các nước khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp Nhật Bản và Mekong.

Hội nghị Cấp cao sắp tới đánh dấu 10 năm hình thành và phát triển của hợp tác Mekong - Nhật Bản. Hội nghị sẽ mở ra một chương mới và tiếp thêm động lực cho mối quan hệ đối tác tin cậy, hiệu quả, bền vững dài lâu giữa Nhật Bản và các nước Mekong; đồng thời nâng tầm quan hệ tương xứng với tiềm năng và nhu cầu  hợp tác của hai bên. Đây cũng là dịp quan trọng để lãnh đạo các nước Mekong và Nhật Bản trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế xã hội, hợp tác khu vực và đề ra các hướng đi mới cho hợp tác giữa sáu nước.

Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ cùng Nhật Bản và các nước Mekong để Hội nghị thành công tốt đẹp.

Phóng viên: Nhân dịp Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, xin Ngài cho biết đánh giá về mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản và đâu là những điểm sáng trong quan hệ hai nước? Ngài kỳ vọng mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản sẽ phát triển như thế nào trong thời gian tới?

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:

Trước hết, tôi xin chúc mừng Thủ tướng Shinzo Abe đã tái cử làm Thủ tướng Nhật Bản, mang lại sự kỳ vọng mới cho đất nước Nhật Bản cũng như mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản. Năm nay, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa, truyền thống, giá trị nhân văn và có mối quan hệ rất đặc biệt. Hiện nay, sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã trở thành đối tác hết sức quan trọng của nhau, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung. Khuôn khổ quan hệ liên tục được nâng cấp và trở thành “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng của Châu Á” (năm 2014), đáp ứng nguyện vọng, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Quan hệ hợp tác giữa hai nước đã phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, sự liên kết kinh tế ngày càng chặt chẽ, nổi bật là:

Sự tin cậy về chính trị giữa hai nước ngày càng được tăng cường, trong đó, giao lưu, tiếp xúc giữa lãnh đạo các cấp, đặc biệt là cấp cao được tiến hành thường xuyên. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã nhiều lần thăm Nhật Bản. Thành viên Hoàng gia, Lãnh đạo Chính phủ Nhật Bản cũng nhiều lần thăm Việt Nam, trong đó có chuyến thăm lịch sử lần đầu tiên của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản tới Việt Nam năm 2017.

Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, cụ thể Nhật Bản là nước cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, đối tác thương mại song phương lớn thứ tư của Việt Nam. Năm 2017, Nhật Bản trở thành nhà đầu tư nước ngoài số một tại Việt Nam với số vốn đầu tư hơn 9,1 tỷ USD, gấp bốn lần so với năm 2016. Sự ảnh hưởng, hỗ trợ cho nhau về kinh tế giữa hai nước là rất lớn.

Hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, giao lưu nhân dân không ngừng được củng cố và mở rộng. Hiện nay, tổng số người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Nhật Bản là hơn 260.000 người, trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 5 tại Nhật Bản. Hợp tác giữa các địa phương hai nước ngày càng sôi động với 37 cặp địa phương đã ký kết thỏa thuận hợp tác. Năm 2017, Nhật Bản đứng thứ ba về số lượng khách du lịch đến Việt Nam và Nhật Bản cũng là điểm du lịch hấp dẫn của du khách Việt Nam, với 800 nghìn du khách Nhật đến Việt Nam và 300 nghìn người Việt Nam đến thăm Nhật Bản. Sự giao lưu, gắn kết giữa người dân hai nước chính là cầu nối hữu nghị, nền tảng quan trọng để phát triển mối quan hệ bền vững Việt Nam - Nhật Bản.

Hai bên cũng hợp tác chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, như Liên hợp quốc, các hội nghị ASEAN+, APEC, ASEM,... Hai nước phối hợp chặt chẽ trong thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); ủng hộ lẫn nhau làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; phối hợp với nhau trên những lĩnh vực khu vực và quốc tế cùng quan tâm, đóng góp vào việc xây dựng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phát triển và dựa trên luật pháp quốc tế.

Trong thời gian tới, với sự nỗ lực, đồng lòng và chính sách đúng đắn của cả hai bên, tôi tin tưởng rằng quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới, ngày càng hiệu quả, ổn định và sâu rộng hơn.

Phóng viên: Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, lĩnh vực công nghiệp nào mà Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản hỗ trợ và đầu tư. Xin Thủ tướng cho biết thông điệp mà Việt Nam muốn gửi tới Chính phủ, doanh nghiệp và người dân Nhật Bản?

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, 
trở thành một nền kinh tế năng động và hội nhập quốc tế, khu vực sâu rộng. Chúng tôi có quan hệ kinh tế thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục, đã ký kết và đang đàm phán 16 hiệp định thương mại song phương và đa phương với gần 60 đối tác, trong đó có các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới.

Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục đổi mới toàn diện, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để phát triển nhanh và bền vững. Với phương châm “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, chúng tôi tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật kỷ cương nhằm phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp, trong đó tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng thành công trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, coi thành công của các bạn là thành công của chính mình.

Để khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của nhau, chúng tôi hoan nghênh doanh nghiệp Nhật Bản hỗ trợ và đầu tư vào các lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh như: công nghệ cao, xây dựng kết cấu hạ tầng, đô thị thông minh, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, cổ phần hóa doanh nghiệp, năng lượng sạch và tái tạo... và các ngành công nghiệp đã được lựa chọn trong Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, gồm ô tô và phụ tùng ô tô, máy nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông thủy sản, điện tử, công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Phóng viên: Xin Thủ tướng cho biết tiến trình phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Việt Nam có khả năng hoàn tất trong năm nay hay không? Thủ tướng đánh giá như thế nào về tác động của CPTPP đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam? Một số nước như Thái Lan, Indonesia và Hàn Quốc đã thể hiện sự quan tâm đến việc tham gia vào CPTPP, vậy xin Thủ tướng cho biết khả năng mở rộng của CPTPP trong tương lai?

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:

Việc tham gia CPTPP một lần nữa khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về tiếp tục đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, chủ động và tích cực tham gia định hình các khuôn khổ hợp tác và liên kết kinh tế khu vực vì hòa bình, thịnh vượng và phát triển bao trùm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời mở ra tiềm năng hợp tác rộng lớn về kinh tế - thương mại trong quan hệ với nhiều đối tác chiến lược quan trọng, trong đó có Nhật Bản.

CPTPP là một khu vực thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, 
cân bằng lợi ích, do đó có thể tạo thêm động lực để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam phấn đấu thuộc nhóm 06 thành viên đầu tiên hoàn tất phê chuẩn để Hiệp định sớm đi vào triển khai. Theo đó Quốc hội dự kiến sẽ xem xét phê chuẩn Hiệp định CPTPP tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV sắp tới, tháng 10 - tháng 11-2018.

Về khả năng mở rộng CPTPP, Việt Nam hoan nghênh sự quan tâm của các nước đối tác (như Anh, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc), tuy nhiên theo quy định, việc mở rộng sẽ được xem xét trên cơ sở đồng thuận chung và sau khi CPTPP đi vào triển khai. Vì vậy, trước mắt Việt Nam cùng các nước thành viên tập trung hoàn tất phê chuẩn để sớm triển khai Hiệp định và xem xét các đề nghị này sau đó.

Phóng viên: Xin cho biết đánh giá của Ngài về tình hình Biển Đông hiện nay và những biện pháp mà Việt Nam triển khai để bảo đảm chủ quyền, giữ vững hòa bình, ổn định ở Biển Đông? Ngài mong muốn Nhật Bản có vai trò như thế nào trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông và các vấn đề an ninh trong khu vực? Xin Ngài cho biết những hình thức hợp tác nào mà Việt Nam có thể cùng triển khai với cộng đồng quốc tế và các nước khác, đặc biệt là Nhật Bản trong việc bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông?

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:

Biển Đông đóng vai trò quan trọng đối với giao thương quốc tế, là không gian sinh tồn và phát triển của các quốc gia ven biển.Vai trò quan trọng đó ngày càng được khẳng định, thể hiện qua số lượng hàng hóa thương mại được vận chuyển qua khu vực và tỷ trọng kinh tế biển trong GDP của các quốc gia ven biển.

Tại Biển Đông, các nước trong và ngoài khu vực đã và đang triển khai hoạt động hợp tác song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực như: đánh bắt cá,
tuần tra chung, tìm kiếm cứu nạn, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển… nhằm góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định. Đồng thời, các nước có liên quan trong khu vực Biển Đông cũng tích cực hợp tác, tìm kiếm các giải pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp, khác biệt.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế, đòi hỏi các bên liên quan cần tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, thiện chí, kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn thành việc xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Việt Nam chia sẻ quan điểm chung của ASEAN và cộng đồng quốc tế về việc giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), bảo đảm duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam hoan nghênh lập trường và chia sẻ nhận thức của Nhật Bản về tầm quan trọng của nỗ lực ngoại giao góp phần thúc đẩy việc tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình tranh chấp, thúc đẩy hợp tác, hiện thực hóa một Biển Đông hòa bình và ổn định.

Chúng tôi mong rằng, là một quốc gia có vị trí quan trọng trong khu vực và là một cường quốc trên thế giới, Nhật Bản tiếp tục thể hiện trách nhiệm và vai trò, cùng cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ và đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, duy trì hòa bình, ổn định mang lại thịnh vượng cho khu vực Biển Đông nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ lên đường thăm Nhật Bản và dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Nhật Bản từ ngày 8 đến 10-10. Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Nhật Bản lần này đánh dấu 10 năm hình thành và phát triển cơ chế hợp tác Mekong - Nhật Bản và 3 năm triển khai chiến lược Tokyo 2015.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ diện kiến Nhật Hoàng Akihito, hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe, gặp lãnh đạo lưỡng viện quốc hội Nhật Bản. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ làm việc với Liên đoàn kinh tế Nhật Bản, phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam và tọa đàm cùng một số tập đoàn kinh tế hàng đầu của Nhật Bản.

Tiên An

Ngày 19/12, đoàn công tác Bộ Công an do đồng chí Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã đến tặng hoa, chúc mừng lễ Giáng sinh an lành, hạnh phúc, năm mới an khang, thịnh vượng các chức sắc, tín đồ Công giáo và Tin lành, nhân dịp Lễ Giáng sinh và đón chào năm mới 2025.

Hồi 18h30 ngày 17/12, tại khu vực biên giới thuộc bản Puông, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, Công an huyện Sông Mã chủ trì, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh và Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương phối hợp đã phá thành công chuyên án, bắt giữ 1 đối tượng về hành vi mua bán trái phép chất ma túy với số lượng đặc biệt lớn.

Với 19/20 khu vực, khoản thu, sắc thuế hoàn thành vượt mức dự toán, 16/20 khu vực, khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng so cùng kỳ; ước thực hiện cả năm 2024, tổng thu do cơ quan thuế quản lý vượt khoảng 245.588 tỷ đồng so với dự toán, bằng 113,7% so với thực hiện năm 2023.

Hiện Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp tục điều tra đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định và xác minh, làm rõ danh tính các nạn nhân. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan, Công an quận Bắc Từ Liêm phối hợp các sở, ban, ngành TP tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình các nạn nhân và khẩn trương khắc phục hậu quả vụ cháy.

Mấy năm gần đây, đồ ăn vặt gắn mác "hàng Trung Quốc nội địa" tràn lan thị trường và thu hút người tiêu dùng bởi giá rẻ, mẫu mã bắt mắt. Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài hấp dẫn đó là nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe, khi nguồn gốc và chất lượng của các sản phẩm này không được kiểm định chặt chẽ.

Các tổ công tác gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) tại châu Phi dù có số lượng chưa lớn, lại tác chiến phân tán tại các địa bàn nhưng luôn nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa. Họ tăng cường công tác truyền thông, tích cực tham gia hoạt động nhân đạo, góp phần lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, nhân văn, yêu chuộng hòa bình.

Sau nhiều nỗ lực tích cực xuyên suốt ngày đêm thu dọn hiện trường sạt lở trên đèo Khánh Lê, đến 2h30' sáng nay 19/12, vị trí sạt lở cuối cùng tại lý trình km 43+200 đến km 43+500 trên tuyến quốc lộ 27C kết nối Nha Trang - Đà Lạt đã chính thức thông xe một làn.

Cơ quan CSĐTCông an TP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Giết người”; khởi tố bị can đối với Cao Văn Hùng (SN 1973, hiện trú tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh), đối tượng có 2 tiền án về tội “Cướp tài sản” và “Trộm cắp tài sản”) để điều tra, xử lý hành vi đốt quán café làm nhiều người tử vong tại quận Bắc Từ Liêm vào đêm 18/12.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文