Nhiều băn khoăn về xây dựng đường sắt cao tốc từ năm 2020
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, diễn ra từ ngày 12 - 22-9, UBTVQH sẽ tập trung cho ý kiến vào 6 vấn đề. Đó là việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV; việc tiếp thu, chỉnh lý 3 dự thảo luật đã trình Quốc hội khóa XIII (Luật về hội; Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật đấu giá tài sản); cho ý kiến về 10 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.
UBTVQH sẽ cho ý kiến về việc ban hành 2 Nghị quyết của UBTVQH để hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, bao gồm: Nghị quyết ban hành Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước và dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước.
Tại phiên họp này, UBTVQH cũng sẽ cho ý kiến về báo cáo công tác 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng; việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán Quốc gia.
Trình bày Tờ trình về Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Theo Chiến lược, Quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì giai đoạn từ năm 2020-2030 sẽ triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160km/h đến dưới 200km/h).
Tầm nhìn đến năm 2050 phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao, khổ 1.435mm trên trục Bắc - Nam; sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác với tốc độ 350km/h.
Thảo luận về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, có ý kiến trong ban thẩm tra đề nghị cần quy định rõ loại hình công nghệ trong đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao cho thuận tiện trong việc chuyển giao công nghệ, bảo trì, sửa chữa.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn nguồn tài chính và lộ trình thực hiện cũng như những biện pháp để bảo đảm tính khả thi về đường sắt tốc độ cao.
Đồng tình quan điểm phải có đường sắt tốc độ cao song Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng băn khoăn về kinh phí đầu tư và tính hiệu quả.
“Đường sắt tốc độ cao có thu hút được hành khách không, có cạnh tranh nổi với các dịch vụ vận tải khác, đặc biệt với ngành hàng không?”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý.