Nhiều hoạt động sáng tạo, thiết thực trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2021

07:56 05/07/2021
Với mục tiêu hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em, các hoạt động hưởng ứng đã được các cấp, các ngành triển khai với nhiều hình thức mới mẻ, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế, mang lại nhiều thông tin, hoạt động hấp dẫn và hỗ trợ thiết thực cho trẻ em.

Do những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt so với mọi năm, khi nhiều hoạt động, chương trình dành cho trẻ em phải tạm hoãn để bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, với mục tiêu hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em, các hoạt động hưởng ứng đã được các cấp, các ngành triển khai với nhiều hình thức mới mẻ, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế, mang lại nhiều thông tin, hoạt động hấp dẫn và hỗ trợ thiết thực cho trẻ em.

Tập trung hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2011 với chủ đề "Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh", một số bộ, ngành (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương; Bộ Thông tin và Truyền thông…) đã có văn bản chỉ đạo triển khai các hoạt động tới tận cấp cơ sở.

Các em học sinh in dấu tay lên quả cầu phát động Tháng hành động vì trẻ em. Ảnh: TTXVN.

Theo Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam, xác định trẻ em là đối tượng đặc biệt cần quan tâm chăm sóc trong đại dịch COVID-19, Cục đã có văn bản yêu cầu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cho trẻ em, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong đại dịch. 

Trong đó, các Sở cập nhật số lượng, lập danh sách và nhu cầu của trẻ em ở các địa bàn giãn cách xã hội, các cơ sở cách ly tập trung; sử dụng ngân sách của Quỹ Bảo trợ trẻ em cấp tỉnh (nếu có) hoặc ngân sách của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và các nguồn vận động khác để hỗ trợ dinh dưỡng, đồ dùng thiết yếu, thuốc và các vật phẩm y tế bổ sung cho trẻ em, với phương châm không đểtrẻ em nào có nhu cầu, gặp khó khăn, không được hỗ trợ kịp thời.

Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam Đào Ngọc Dung đã quyết định hỗ trợ toàn bộ tiền ăn cho trẻ em là F0 và F1 đang điều trị, cách ly tại các trung tâm theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, trong thời gian từ ngày 27-4 đến 31-12-2021. Định mức hỗ trợ đối với mỗi trẻ em là 80.000 đồng/ngày trong thời gian 21 ngày, bằng nguồn vận động và tích lũy của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam năm 2021.

Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam Hoàng Văn Tiến cho biết, ngay từ khi dịch COVID-19 lan rộng tại Điện Biên (tháng 5/2021), Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam đã chủ động hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tại địa phương trong phòng, chống dịch. Quỹ cũng đã tham mưu cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dùng kinh phí của Quỹ để hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em F0, F1 đang điều trị, cách ly tại các trung tâm từ ngày 27/4 đến 31/12/2021. 

Để tăng cường dinh dưỡng cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em trong khu cách ly, Quỹ đã hỗ trợ sữa cho hơn 1.000 trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương. Riêng 3 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Điện Biên, ngoài những hỗ trợ trên, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam còn hỗ trợ thêm mỗi tỉnh 1 tỷ đồng để giúp đỡ 1.000 trẻ em (tương đương 3.000 trẻ em được hỗ trợ). Bên cạnh việc hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong Tháng hành động vì trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam còn hỗ trợ tặng quà những trẻ em khó khăn tại các địa phương khác trên cả nước.

Ông Hoàng Văn Tiến cho biết thêm, để động viên tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ, lực lượng tuyến đầu chống dịch, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã kêu gọi quyên góp, hỗ trợ tặng quà con em cán bộ từ các địa phương khác đến Bắc Ninh, Bắc Giang tham gia chống dịch. Các phần quà sẽ được chuyển đến các cháu vào dịp Trung Thu hoặc khi tình hình dịch bệnh ổn định. Thời gian tới, Quỹ sẽ tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thống kê toàn bộ trẻ em là F0, F1, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để tham mưu cho Bộ trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ trẻ em; lựa chọn những trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch để tiếp tục vận động, hỗ trợ các em chuẩn bị vào năm học mới.

Trong Tháng hành động vì trẻ em, Hội đồng Đội Trung ương đã phối hợp với các đơn vị đồng hành, các nhà hảo tâm đến thăm, tặng quà, động viên, chia sẻ những khó khăn với các em thiếu niên, nhi đồng đang thực hiện cách ly y tế tập trung, các em có hoàn cảnh khó khăn là con em công nhân tại các khu lưu trú, khu nhà trọ, người lao động bị mất việc do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; con em y bác sĩ, lực lượng vũ trang tuyến đầu chống dịch tại Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội…

Tạo sân chơi lành mạnh, đa dạng, hấp dẫn cho trẻ

Mùa hè năm nay rất khác biệt đối với đại đa số các em nhỏ, do nhiều biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Theo Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Cục Trẻ em đã yêu cầu Sở Lao động – Thương binh và Xã hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, mạng viễn thông về kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111)... tới gia đình, cộng đồng xã hội và trẻ em.

Cục Trẻ em đã phối hợp với nhiều đơn vị, thường xuyên chia sẻ những bài viết, hình ảnh, video (phim ngắn), tọa đàm trực tuyến với chuyên gia… nhằm cung cấp cho các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, người chăm sóc trẻ những thông tin hữu ích xoay quanh các chủ đề như: Chăm sóc trẻ em trong khu cách ly; phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em; đồng hành cùng trẻ sử dụng mạng Internet an toàn và hiệu quả; giáo dục tích cực và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong gia đình,… hướng tới mục tiêu mang lại một mùa hè an toàn, vui vẻ cho trẻ em trong thời gian dịch bệnh.

Bên cạnh việc cung cấp thông tin, kỹ năng cho trẻ em, nhiều hoạt động vui chơi, giải trí trực tuyến có tính giáo dục cao cũng được các đơn vị thực hiện nhằm đem đến một sân chơi lành mạnh, bổ ích, hấp dẫn cho trẻ em trong bối cảnh hầu hết các hoạt động vui chơi trực tiếp đang bị hạn chế. Trong đó, cuộc thi vẽ tranh "Ngày hội sắc màu" dành cho thiếu nhi từ 6-15 tuổi do Hội đồng Đội Trung ương và các đơn vị tổ chức là một điểm nhấn đặc biệt.

Trưởng ban Công tác thiếu nhi Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết, mục tiêu Ban Tổ chức đặt ra qua cuộc thi vẽ tranh với chủ đề "Vững tin Việt Nam", không chỉ nhằm giúp thiếu nhi có thói quen tốt trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, tuân thủ nguyên tắc phòng dịch 5K, mà còn khơi dậy, giúp các em thể hiện tình yêu quê hương, đất nước; thể hiện sự tri ân các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch.

Với mỗi bức tranh tham gia cuộc thi, Ban Tổ chức sẽ đóng góp 2.000 đồng để ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19. Với sự đóng góp mang tính thực tế này, Ban Tổ chức đã tạo cơ hội để các em thiếu nhi hiểu được tinh thần "tuổi nhỏ làm việc nhỏ", góp sức lực nhỏ bé của mình trong cuộc chiến chống "giặc COVID" của cả nước. Chỉ sau gần một tuần phát động, cuộc thi vẽ tranh đã nhận được hàng ngàn tác phẩm tham dự.

Bé Nguyễn Phúc Gia Hân, lớp 5/2 Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, đã dành hai ngày cuối tuần để vẽ 4 bức tranh tham gia cuộc thi. Trong phần giới thiệu về tác phẩm dự thi của mình, Gia Hân chia sẻ: Con vô cùng biết ơn các bác sĩ tuyến đầu, các chú Bộ đội, Công an ngày đêm chống dịch, các anh chị tình nguyện viên túc trực các điểm chốt giữa nắng hè gay gắt để mang lại bình yên cho mỗi ngả đường, góc phố… Mùa hè này với con thật ý nghĩa vì con sẽ quyết tâm vẽ thật nhiều tranh để đóng góp vào Quỹ vaccine phòng COVID-19.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến cho cuộc sống của rất nhiều người trong đó có trẻ em bị xáo trộn, khó khăn. Tuy nhiên, với mong muốn "dành những điều tốt nhất cho trẻ em", các cấp, các ngành, tổ chức vẫn luôn sáng tạo, cố gắng tìm giải pháp hỗ trợ trẻ em. Điều đó cho thấy dù ở bất kỳ đâu hay hoàn cảnh nào, những "mầm non tương lai" của đất nước luôn được quan tâm, chăm sóc và bảo vệ với điều kiện tốt nhất có thể.

Minh Huệ

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文