Nhiều vụ án lớn, trọng điểm tham nhũng được xét xử kịp thời, nghiêm minh
- Nâng cao chất lượng xét xử các vụ án trọng điểm và án tham nhũng
- Xử lý rốt ráo những vụ án trọng điểm
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng
Tội tham ô chiếm tỷ lệ cao trong án tham nhũng
Trình bày dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN), Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết: Qua 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, về cơ bản TAND đã và đang thực hiện nghiêm túc Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về PCTN và Luật PCTN đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.
Trong quá trình thực hiện, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy và Lãnh đạo TANDTC đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện công tác trọng tâm, tăng cường công tác phòng ngừa tham nhũng, nên đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức của TAND, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; gắn việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng.
Những vụ án lớn, trọng điểm đều được xét xử kịp thời, tuyên những mức án nghiêm khắc; đặc biệt là những vụ án tham nhũng điển hình được xét xử như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm. Đặc biệt, một số Hội đồng xét xử đã ra Quyết định khởi tố vụ án ngay tại phiên tòa vì phát hiện tình tiết, dấu hiệu của tội phạm mới.
Việc khởi tố ngay tại phiên tòa đã thể hiện sự cương quyết trong đấu tranh phòng, chống tội phạm của Tòa án nhân dân trong việc thực hiện quyền tư pháp, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, nhất là đối với những vụ án tham nhũng trọng điểm.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân của các Tòa án có thành tích xuất sắc trong thực hiện Luật PCTN. (Ảnh: PV). |
Qua số liệu thống kê, từ năm 2006-2015, Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm tổng số 4.323 vụ án/11.080 bị cáo về tội tham nhũng. Trong đó, số lượng các vụ án tham nhũng được xét xử năm 2006-2009 nhiều hơn so với năm 2012-2014.
Riêng năm 2015 số vụ án về tham nhũng tăng lên khoảng 12% (449 vụ/1.144 bị cáo) so với năm 2014 và 12,79% so với năm 2012. Trong tổng số các vụ án, bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham nhũng thì số vụ án tham ô tài sản chiếm tỷ lệ cao nhất 52,7% số vụ và 49,9% số bị cáo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ở một số cơ quan, đơn vị, Tòa án địa phương vẫn còn tình trạng một số cán bộ, công chức chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chưa rèn luyện bản lĩnh chính trị, giữ gìn đạo đức lối sống nên vẫn còn để xảy ra tình trạng vi phạm quy tắc ứng xử, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, vi phạm pháp luật.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về PCTN vẫn chưa đáp ứng yêu cầu mà Đảng, Nhà nước đặt ra cũng như chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân. Công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với tội phạm tham nhũng vẫn còn chậm và chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng…
Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động hành chính tư pháp của Tòa án
Thảo luận tại Hội nghị, đại diện Tòa án quân sự Trung ương đề nghị nên có đánh giá kết quả trước khi có Nghi quyết 01/2000/HĐTP của Hội đồng thẩm phán, trong có nội dung hướng dẫn việc xử lý tội phạm tham nhũng cho hưởng án treo và sau khi có Nghị quyết này như thế nào?. Các cơ sở đảng đã tham gia vào PCTN như thế nào? Bao nhiêu cán bộ thẩm phán đã luân chuyển mà vẫn vi phạm?.
Dẫn chứng nhiều quy định pháp luật không phù hợp, trong đó có liên quan đến đất đai dẫn đến hành vi tham nhũng, Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh Ung Thị Xuân Hương kiến nghị cần đánh giá bất cập, hạn chế trong các quy định pháp luật liên quan đến PCTN để hoàn thiện thể chế, chính sách phòng ngừa tham nhũng... “Báo cáo chưa đề cập đến biện pháp xử lý người đứng đầu để xảy ra về PCTN”, bà Hương thẳng thắn nói.
Đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TH). |
Một số ý kiến cho rằng những quy định về hình phạt và các chế tài đối với hành vi tham nhũng đôi khi còn quá nhẹ so với hậu quả mà hành vi tham nhũng gây ra…
Kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC nhấn mạnh, với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ được Hiến pháp quy định “là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”, trong công tác PCTN, TAND luôn chủ động, tích cực, đi đầu trong việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Luật PCTN.
Để nâng cao chất lượng hoạt động xét xử của Tòa án, thực hiện có hiệu quả công tác PCTN, Chánh án Trương Hòa Bình đề nghị Tòa án các cấp cần đổi mới thủ tục hành chính tư pháp, loại bỏ các loại giấy tờ, thủ tục không cần thiết, áp dụng quy trình một cửa, một dấu liên thông. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động hành chính, tư pháp của Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân truy cập vào website, kiot điện tử của Tòa án để biết được đầy đủ thông tin về vụ việc của mình đang được Tòa án giải quyết.
Giáo dục cán bộ Tòa án về quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ và tinh thần, ý thức tận tụy phục vụ nhân dân, thực sự là công bộc của dân; kiên quyết chống hành vi bồi dưỡng, đưa hối lộ, hậu tạ...
“Tất cả những giải pháp nêu trên, đều hướng đến mục tiêu là nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động hành chính tư pháp của Tòa án, tiến tới xây dựng Tòa án điện tử vào năm 2020. Đồng thời, hướng đến việc xây dựng Tòa án thân thiện, gần dân, phục vụ nhân dân, từng bước xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”, Chánh án khẳng định.
Nhân dịp này, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân của ngành Tòa án có thành tích xuất sắc trong thực hiện Luật PCTN.
Trong 10 năm qua, toàn hệ thống TAND đã thụ lý tổng số 1.092 đơn tố cáo. Kết quả giải quyết có 198 trường hợp xác định nội dung đơn tố cáo là có căn cứ đã xử lý kỷ luật đối với cán bộ vi phạm; 35 trường hợp nhận thấy có dấu hiệu phạm tội hình sự nên đã chuyển cho cơ quan điều tra giải quyết theo thẩm quyền. |