Nhiều ý kiến đồng thuận với Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ

20:18 07/09/2020
Chiều 7/9, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã họp phiên mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ; Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). 


Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ dự, phát biểu tại phiên họp. Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt chủ trì phiên họp.

Tạo chuyển biến cơ bản, bền vững trong đảm bảo ATGT

Thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đã trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ nêu rõ, việc xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT nhằm tách bạch hai khác nhau hiện đang được quy định trong Luật Giao thông đường bộ (GTĐB)  2008 đó là: Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội) và xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý vận tải, đường bộ (thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật), chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức, cá nhân khi thiết kế, quy hoạch, xây dựng và chuyển giao công trình hạ tầng giao thông, kinh doanh vận tải, hỗ trợ vận tải.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại phiên họp.

Việc xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT nhằm tạo ra bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm TTATGT, bảo đảm về tính mạng, sức khoẻ cho người tham giai giao thông, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, giảm ùn tắc giao thông gắn với bảo vệ môi trường; xây dựng văn hoá giao thông văn minh tiệm cận dần đến văn minh giao thông của các quốc gia trên thế giới.

“Trong quá trình xây dựng Luật, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan để thống nhất phạm vi điều chỉnh, rà soát nội dung cụ thể của 2 dự án Luật, đảm bảo không bị chồng chéo” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ và cho biết dự thảo Luật gồm 8 chương, 72 điều.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ, Thường trực Uỷ ban thấy rằng, dự án Luật GTĐB (sửa đổi) đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2020, sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 11.

Đây cũng là thời điểm thích hợp để nghiên cứu, xây dựng, ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ. Cả hai dự án Luật có tác động qua lại lẫn nhau, đều thuộc lĩnh vực GTĐB, đều có nhiều nội dung kế thừa, phát triển từ Luật GTĐB năm 2008 nên xem xét cùng thời điểm cả hai dự án Luật sẽ thuận lợi trong tách bạch phạm vi điều chỉnh, nội dung cho rõ ràng minh bạch, tạo cơ sở pháp lý nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động đảm bảo TTATGT đường bộ và xây dựng phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng GTĐB.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Trần Ngọc Khánh trình bày báo cáo thẩm tra

“Bên cạnh đó,  hồ sơ dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ đã được Chính phủ, cơ quan soạn thảo chủ động xây dựng, thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục theo quy định. Điều đó thể hiện sự nỗ lực, có gắng và quyết tâm cao của Chính phủ và cơ quan soạn thảo trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm TTATGT đường bộ” – Trung tướng Trần Ngọc Khánh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nêu rõ.

Tách luật có gây chồng chéo quy định?

Tại phiên họp, các ý kiến đều thống nhất quan điểm cần thiết phải xây dựng dự án Luật Bảo đảm TTATGT để tách bạch lĩnh vực bảo đảm TTATGT khỏi Luật Giao thông đường bộ 2008. Nội dung, phạm vi điều chỉnh của 2 Luật tương đối độc lập, không chồng chéo.  

Việc ban hành Luật này là cần thiết nhằm triên khai thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo đảm TTATGT đường bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay.

Còn lo ngại từ việc tách luật, được Phó Chủ tịch HĐDT Quàng Văn Hương đặt ra, là có những quy định bị chồng chéo. Vì thế, ông Hương khẳng định cần phải rà soát kỹ cả 2 luật để tránh tình trạng này. Tương tự, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt nêu quan điểm: “Tôi nghĩ phải làm thế nào để người dân hiểu 2 luật trên không nhầm lẫn, chồng chéo nhau, không dẫn đến tình trạng quyền anh, quyền tôi”.

Quan điểm ngược lại, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho rằng lo ngại trên không phải là vấn đề lớn. Ông giải thích, việc tách luật sẽ giúp quy định rõ hơn trách nhiệm của các đơn vị thực thi nhiệm vụ. “Có việc gì xảy ra chúng ta vẫn hay kêu gọi cả hệ thống chính trị vào cuộc, mà cả hệ thống vào thì không biết ai chịu trách nhiệm chính” - ông Lê Đình Thọ nói và khẳng định hai luật sẽ không có nhiều chồng chéo. 

Vẫn theo Thứ trưởng Bộ GTVT, trong điều kiện thời gian tới chúng ta cần thực hiện mạnh mẽ hơn các biện pháp để đảm bảo TTATGT, kiểm soát tốt người điều khiển phương tiện giao thông thì việc giao Bộ Công an thống nhất quản lý là cần thiết. 

“Chúng ta cần giải pháp mạnh cho lĩnh vực này, Bộ Giao thông vận tải rất đồng tình, thấy tốt hơn thì chúng tôi ủng hộ” -  ông Lê Đình Thọ nói.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng  và An ninh Võ Trọng Việt kết luận phiên họp.

Điều tra viên tham gia từ đầu quá trình xây dựng Luật

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tiếp thu ý kiến của các đại biểu, khẳng định sẽ chỉ đạo Ban soạn thảo phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 10 sắp tới.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ và Luật Giao thông đường bộ điều chỉnh chính sách, lĩnh vực riêng của từng đạo Luật đó là bảo đảm TTATGT  và kết cấu hạ tầng “Vấn đề này đã được phân định rõ ràng trong quyết định của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã thống nhất những nét cơ bản.

"Ví dụ như việc phát hành, cấp, quản lý giấy phép GPLX, Bộ trưởng Bộ GTVT có văn bản khẳng định, việc đó chỉ nên để ở Luật bảo đảm trật tự ATGT", Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc thông tin và cho biết thêm, hiện nay, lực lượng Công an đã triển Công an chính quy đến cấp xã, việc tham gia đảm bảo TTATGT sẽ được Bộ trưởng phân công phủ kín địa bàn, đáp ứng cao hơn tình hình TTATGT ở cơ sở”.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng cho biết, trong quá trình xây dựng dự án Luật, Bộ Công an đã huy động tất cả các lực lượng để cùng tham gia đối với dự thảo này, trong đó có các điều tra viên. Đặc biệt, trong phần điều tra, xử lý TNGT thì các điều tra viên tham gia ngay từ đầu.

Phương Thuỷ

Đêm 21/11 rạng sáng 22/11, các tổ công tác của Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai lực lượng tuần tra, xử lý xe quá tải lưu thông trên địa bàn đơn vị quản lý. Nhiều trường hợp vi phạm đã bị phát hiện xử lý, cánh tài xế “méo mặt” bởi mức phạt nặng.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文