Những kỷ niệm về Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh

09:09 24/04/2019
Trong cuộc đời binh nghiệp, ông là một vị tướng tài năng, bản lĩnh, dám quyết, dám chịu trách nhiệm, có những quyết định quan trọng vào những thời điểm khó khăn nhất. Có lẽ đến thời điểm hiện nay, ông là vị tướng cuối cùng tham gia tất cả các cuộc chiến tranh từ chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và các cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc của Tổ quốc...


Vậy là một trong những vị tướng tài năng, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, của đất nước đã ra đi. Tối 22-4-2019, thông tin về việc Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ trần được thông báo chính thức. Dù đã biết những ngày gần đây, khi tuổi đã cao, sức khỏe của Đại tướng đã kém đi nhiều, nhưng với tình cảm của một người đã nhiều lần được tiếp xúc, làm việc với nguyên Chủ tịch nước, tôi vẫn không khỏi xúc động và nhớ thương. Trong quá trình công tác, tôi may mắn và hạnh phúc đã có đôi lần trực tiếp gặp gỡ và làm việc với ông và những lần đó đều để lại trong tôi những kỷ niệm sâu sắc.

Cách đây gần 20 năm, vào năm 2000, tôi được đến thăm Đại tướng, khi ấy ông đang điều trị tại Quân y viện 108 sau lần bị đột quỵ. Khi đó ít ai nghĩ ông sẽ vượt qua được bạo bệnh để phục hồi và tiếp tục có những đóng góp với Đảng, với đất nước và quân đội từ đó đến nay, để hôm nay ông ra đi ở tuổi 99 trong sự tiếc thương của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Giữa những năm 1990, chúng tôi được phân công xây dựng Pháp lệnh Tình báo. Khi đó, Đại tướng Lê Đức Anh đang giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước và phụ trách các vấn đề quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Khi nghe chúng tôi báo cáo, ông đã cho ý kiến chỉ đạo mà sau đó đã được đưa đầy đủ vào dự thảo Pháp lệnh và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Qua hơn 20 năm thực hiện, thực tiễn đã cho thấy những ý kiến chỉ đạo và quyết định của Chủ tịch nước khi đó là vô cùng xác đáng, có tầm chiến lược, nhìn xa, khoa học và thực tiễn sâu sắc.

Một lần khác, chúng tôi đến chúc mừng sinh nhật Đại tướng, khi nghe chúng tôi báo cáo về tình hình an ninh, trật tự, ông trao đổi với chúng tôi những ý kiến mà đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Ông cho rằng công tác an ninh phải rất chủ động, phải nắm tình hình, phải đánh địch từ xa, phải tạo cho được một phòng tuyến liên hoàn, chặt chẽ từ trong ra ngoài. Những căn dặn của Chủ tịch nước thể hiện tầm nhìn, sự bao quát đối với công tác bảo vệ an ninh quốc gia.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh với các đại biểu dự Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ VI, tháng 10-1992, tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN.

Ông đã dành nhiều thời gian thăm, làm việc và chỉ đạo với các lực lượng trong CAND. Một lần đến thăm Đại tướng tại nhà công vụ số 5A Hoàng Diệu, khi đó dù sức khỏe đã yếu, nhưng ông vẫn căn dặn chúng tôi phải thường xuyên phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa Quân đội với Công an. Ông nói, cả Quân đội và Công an đều là lực lượng vũ trang, phải đoàn kết chặt chẽ, thường xuyên.

Trong vấn đề hội nhập quốc tế, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là người tiếp cận sớm và tầm nhìn mới. Ông là một trong những người có công trong việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ vào thời điểm khó khăn, phức tạp nhất. Ngay khi cho chủ trương về xây dựng Pháp lệnh Tình báo từ năm 1996, ông đã nêu ý kiến phải hợp tác quốc tế về an ninh, tình báo.

Có nhiều những câu chuyện khác về tầm nhìn xa, bao quát của ông khi giải quyết, xử lý các vấn đề quốc phòng, an ninh, đối ngoại cũng như kinh tế, xã hội mà chúng tôi đã được nghe, được hiểu về ông. Đây cũng là nhận xét của nhiều nhà ngoại giao, chính khách quốc tế khi tiếp xúc, làm việc với ông.

Trong cuộc đời binh nghiệp, ông là một vị tướng tài năng, bản lĩnh, dám quyết, dám chịu trách nhiệm, có những quyết định quan trọng vào những thời điểm khó khăn nhất. Có lẽ đến thời điểm hiện nay, ông là vị tướng cuối cùng tham gia tất cả các cuộc chiến tranh từ chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và các cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Trong cuộc duyệt binh chào mừng chiến thắng, thống nhất đất nước tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội vào ngày 2-9-1975, từ trên lễ đài, tôi được chứng kiến người chỉ huy duyệt binh báo cáo xin nhận lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức duyệt binh là một vị tướng uy nghi, quắc thước. Sau đó, tôi mới biết đó chính là Trung tướng Lê Đức Anh, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông là một trong những người có công lớn trong chiến dịch Hồ Chí Minh, nhất là việc triển khai hoạt động quân sự sau khi ký Hiệp định Paris năm 1973 ở chiến trường Nam Bộ.

Sau này, khi có điều kiện tìm hiểu, tôi được biết ông là một trong những vị tướng tài năng của Quân đội nhân dân Việt Nam, đã trải qua nhiều mặt trận khốc liệt; ở thời điểm nào ông cũng là vị tướng quyết đoán, dám chịu trách nhiệm và đầy sáng tạo. Khi có điều kiện sang công tác tại Campuchia, các bạn Campuchia luôn dành cho ông sự trân trọng, cảm phục và ngưỡng mộ.

Trong cuộc sống, ông cũng là một người con mẫu mực của quê hương Thừa Thiên – Huế. Tôi có dịp được về quê ông, tôi cảm nhận và chứng kiến tình cảm của bà con quê hương với ông và gia đình. Xã Lộc An, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế tự hào về một người con, một vị tướng, một nhà lãnh đạo xuất sắc với những đóng góp to lớn cho đất nước cả trong chiến tranh và hòa bình.

Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, ông là một trong những vị chỉ huy, Bộ trưởng Quốc phòng tài năng có nhiều đóng góp cho sự phát triển vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Vai trò của ông đối với lực lượng vũ trang càng thể hiện rõ khi ông giữ cương vị Chủ tịch nước. Đối với Công an nhân dân, ông cũng là người lãnh đạo gần gũi và có nhiều đóng góp cho sự trưởng thành, phát triển của lực lượng, nhất là đối với lực lượng An ninh và Tình báo. Những chỉ đạo của ông vẫn là những bài học sâu sắc đối với lực lượng Công an nhân dân mà chúng tôi luôn ghi nhớ.

Hôm nay, ngồi viết những dòng này về ông, Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, tôi thực sự xúc động và cảm nhận sâu sắc về tầm nhìn và tình cảm sâu sắc của ông đối với lực lượng vũ trang, đối với Quân đội và Công an. Đó là tầm nhìn của nhà lãnh đạo tài năng, tâm huyết đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia.

Ngày cuối cùng trước khi ra đi, ông muốn về lại căn nhà công vụ đã từng gắn bó với ông qua bao năm tháng. Tôi cảm nhận sâu sắc vì sao ông muốn được ra đi tại đó, nơi gắn bó không chỉ với gia đình, con cháu mà còn là với đồng chí, đồng đội đã từng đến chia sẻ, gắn bó với ông. Với tôi cũng vậy, những lần được đến thăm, gặp ông tại căn phòng đơn sơ, ấm cúng sẽ mãi là những kỷ niệm đẹp, không thể quên được trong cuộc đời.

Xin kính mong Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh yên giấc ngàn thu. Như với bao anh em, đồng chí khác, ông về với đất mẹ, về với những người lính đã chiến đấu cùng ông trên các mặt trận mà ông là người chỉ huy tài năng, quyết đoán và gần gũi.

Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an

Dù lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng spam (rác) cuộc gọi bằng cách hạn chế sim rác, cho phép người nghe báo cáo cuộc gọi làm phiền, tuy nhiên tình trạng gọi điện thoại để chào mời hàng hóa, dịch vụ, thậm chí lừa đảo tham gia các sàn giao dịch vàng, chứng khoán... vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Góp phần không nhỏ cho hiện trạng này, không ai khác chính là những đơn vị, hội nhóm chuyên mua bán các loại data trên chợ đen.

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Nhân Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam, chiều tối 23/11, tại Đại Nội Huế; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa…

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Chiều 23/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ việc phát hiện 1.500 viên nén nghi ma túy trôi dạt vào bờ biển xã Bình Trị, huyện Bình Sơn.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文