Những kỳ vọng sau Luật Đất đai (sửa đổi)
>> Quốc hội chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)
Phóng viên (PV): Thưa Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, là người tâm huyết với việc sửa đổi Luật Đất đai lần này, hẳn là ông hài lòng với không ít vấn đề bức xúc của cuộc sống liên quan đến vấn đề đất đai đã được luật hóa sau khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi?
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn: Những tranh cãi trên nghị trường đã khép lại, và bây giờ là lúc cuộc sống thử thách các qui định của Luật mới trong thực tế quyết liệt của cuộc sống. Nhiều nội dung có nhiều tranh luận lâu nay về thu hồi đất phát triển KT-XH, cưỡng chế thu hồi đất, định giá đất... đã được xem xét bổ sung, chỉnh sửa và được luật hóa, nếu thực hiện tốt sẽ hạn chế đáng kể tình trạng tham nhũng, khiếu kiện... xuất phát từ đất đai.
Tuy nhiên, dù đã cố gắng bổ sung sửa đổi, nhưng vẫn còn những vấn đề trăn trở trước thực tiễn đặt ra. Ví dụ, chưa có sáng kiến nào mới hơn về vấn đề bồi thường và tạo sinh kế ổn định cho người bị thu hồi đất; chưa quy định rõ ràng mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; hay về giá đất, yêu cầu đặt ra là phải kiện toàn cơ quan định giá đất, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác định giá đất và thẩm định giá đất...; Những vấn đề này cần phải tiếp tục làm sáng tỏ.
PV: Vấn đề nóng bỏng là đất đô thị trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay. Đặc biệt là hàng chục triệu hộ nông dân gắn liền cuộc sống với đất đai đang trên đường xây dựng nông thôn mới. Vậy điều ông quan tâm hơn cả mà Luật Đất đai sửa đổi lần này đã đề cập là gì?
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn: Có ba nhóm vấn đề quan trọng mà tôi đặc biệt quan tâm. Đó là, nhóm vấn đề xử lý việc thu hồi và bồi hoàn đất sản xuất nông nghiệp; vấn đề xử lý đất công do các doanh nghiệp Nhà nước trước đây là nông lâm trường quản lý; và thứ ba là vấn đề tập trung, tích tụ đất đai cho phát triển kinh tế trang trại.
Công tác thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, là nguồn gốc nảy sinh nhiều vụ việc phức tạp về khiếu kiện, tham nhũng, lãng phí... Luật Đất đai sửa đổi đã quy định khá rõ các bước, trách nhiệm của các chủ thể ai phải làm gì, làm như thế nào đối với đối tượng đất đai thu hồi, người thực hiện thu hồi, giá bồi hoàn... Vấn đề gây ra rất nhiều tranh luận là có cho thu hồi đất phục vụ phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hay không, đã được bổ sung vào luật.
Vấn đề phải suy nghĩ là tính hiệu quả của dự án khi xem xét trước khi cấp đất. Thực tế diễn ra vẫn có rất nhiều dự án xây dựng khu công nghiệp không được lấp đầy, các dự án khai khoáng, thủy điện phải đình chỉ, nhiều khu đô thị, khu du lịch... bỏ trống đất, hoang hóa để cỏ mọc gây lãng phí đất đai, tiền của nghiêm trọng... trong khi nhiều hộ dân sau khi giao đất vẫn không có kế sinh nhai ổn định. Đến nay, ở nhiều nơi, tình trạng này chưa có giải pháp kiểm soát, chấn chỉnh một cách hiệu quả.
Đặc biệt, cần lưu ý về cách thu hồi đất. Nhà nước ta luôn quán triệt các nguyên tắc khi thu hồi đất phải đảm bảo cho người dân có đất bị thu hồi tiếp tục có sinh kế lâu dài, ổn định ít nhất là bằng hoặc hơn trước; thứ hai là có điều kiện cư trú bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, trong thực tế, khi tiến hành thu hồi đất, bố trí di dân tái định cư các dự án (kể cả các dự án lớn, trọng điểm) hiện nay, đa số không đáp ứng được tốt cả hai yêu cầu trên. Sinh kế của người dân thường bị giảm hoặc thiếu vững bền, ảnh hưởng tới cuộc sống của gia đình họ. Ngay cả trường hợp nhiều hộ dân được đền bù “một cục” với số tiền quá lớn đã không thể sử dụng nó để tổ chức được cuộc sống ổn định lâu dài. Trong đa số trường hợp, điều kiện sống của những người ở nơi tái định cư còn gặp không ít khó khăn, chưa nói đến vấn đề duy trì tập quán văn hóa, hòa nhập cộng đồng nơi ở mới. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại, nhưng chưa rõ ai phải chịu trách nhiệm về hậu quả và giải pháp khắc phục những vấn đề này.
PV: Thế còn vấn đề đất công, sự buông lỏng quản lý ở nhiều địa phương dẫn tới tình trạng lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, theo ông cách nào để thu hồi quỹ đất lớn này phục vụ lợi ích đất nước qua thực hiện Luật Đất đai hiện nay?
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn: Chúng ta có diện tích đất công lớn. Nhiều nhất nằm trong các doanh nghiệp tiền thân là nông, lâm trường quốc doanh, ở cả Trung ương và địa phương. Có tới hàng triệu ha đất nông, lâm nghiệp loại này nhiều năm qua sử dụng hiệu quả kém, bị lấn chiếm bất hợp pháp nhiều. Tình trạng này đã tạo nên những bức xúc đối với những người nghèo, đồng bào vùng sâu thiếu đất sản xuất, kể cả đối với nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh có vốn, có công nghệ muốn có đất sản xuất. Theo quy định của Luật, quỹ đất này được giao cho các đơn vị quản lý rà soát, đánh giá lại và chính quyền địa phương có trách nhiệm kiểm soát, đôn đốc thực hiện. Tôi cho rằng, luật đã quy định, thì Nhà nước phải chỉ đạo xử lý thật nghiêm túc vấn đề đất công một cách công khai, minh bạch, mới có thể khắc phục triệt để tình trạng quản lý lỏng lẻo trước đây.
Phát triển đô thị tràn lan rồi bỏ hoang cũng là sự lãng phí lớn cần phải xử lý. |
Cái chính, phải sắp xếp tổ chức lại các doanh nghiệp quản lý đất, thực hiện nghiêm túc việc Nhà nước làm thủ tục cho doanh nghiệp thuê đất. Phải có đủ kinh phí đo vẽ, xác định lại mốc giới, kiểm đếm lại chặt chẽ tình trạng đất đai, xử lý dứt điểm mọi sai phạm, tồn đọng trong quản lý đất đai. Sau đó, quỹ đất nào Nhà nước quản giao doanh nghiệp hoặc cho tư nhân thuê, quỹ đất nào giao địa phương quản để giao tiếp cho cư dân tại chỗ phải thật rõ ràng. Như thế, chúng ta thu được tiền thuê đất, có được quỹ đất để đầu tư phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất, bảo vệ được rừng. Để làm được điều đó, phải đầu tư kinh phí, quyết liệt tổ chức làm để đảm bảo vấn đề bảo vệ đất công.
PV: Tập trung ruộng đất đang là vấn đề thời sự người dân quan tâm, và là giải pháp quan trọng hấp dẫn các nhà đầu tư vào nông nghiệp. Trong Luật Đất đai sửa đổi lần này ông thấy có gì mới nổi lên?
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn: Điểm mới đáp ứng nguyện vọng của người dân, phù hợp với xu thế sản xuất lớn là thời gian giao sử dụng đất trong nông nghiệp tăng lên. Trước đây quy định là 20 năm, thì nay cho phép 50 năm. Sau đó, nếu còn có nhu cầu có thể được tiếp, rất thuận lợi. Nhưng quy mô hạn điền thì không hơn trước, nếu so với mức của Nghị quyết 1126 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành tháng 6 năm 2007 thì còn hẹp hơn. Trong điều kiện đất chật người đông ở Việt Nam thì nghe ra có vẻ ổn nhưng tính đến sản xuất hàng hóa lớn, thì quy định quy mô giao đất như thế này là rất khó phát triển kinh tế trang trại.
Điều quan trọng khác, là phải tạo điều kiện thuận lợi để nông dân làm ăn giỏi có thể tích tụ đất đai trong khi thu hút dần lao động ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp. Muốn thế, Nhà nước cần có đòn bẩy chính sách qui định làm cho chi phí chuyển nhượng đất giảm, thủ tục đơn giản, mức đất được phép giao chính thức phù hợp với yêu cầu sản xuất lớn, đảm bảo hiệu quả sản xuất thì sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư và nông dân, tránh tình trạng nông dân lại hững hờ với đất đai, nhà đầu tư lảng tránh nông nghiệp như đã diễn ra.
PV: Yêu cầu lớn đặt ra trong quá trình góp ý, sửa đổi Luật Đất đai lần này là khắc phục các sơ hở thiếu sót, nhằm hạn chế tình trạng khiếu kiện (khoảng 70% khiếu kiện liên quan đến đất đai) và tham nhũng. Ông đánh giá kết quả đạt được như thế nào với những quy định đã sửa đổi?
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn: Quy định về thu hồi đất, định giá đất, bồi thường đất... khá cụ thể trong luật lần này, trước hết sẽ thuận lợi cho người thi hành công vụ liên quan đến đất đai, và người dân chấp hành pháp luật đất đai. Điều này sẽ tác động tích cực làm hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai. Tuy nhiên, để thực sự tạo ra đột phá quan trọng trong đổi mới cơ cấu sản xuất cần tiếp tục nghiên cứu, xác định giải pháp để làm tốt những vấn đề cuộc sống đang đặt ra như 3 vấn đề: thu hồi đất nông nghiệp; quản lý đất nông lâm trường; tích tụ mở rộng qui mô sản xuất nông nghiệp.
PV: Vậy theo ông, để Luật Đất đai sửa đổi sớm đi vào cuộc sống, thì còn cần phải có những điều kiện gì?
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn: Vấn đề còn lại là đội ngũ những người thực thi luật phải nắm vững luật pháp, công tâm, tận tụy. Nhưng theo tôi: Thứ nhất, những nguyên tắc căn bản đã được Đảng và Nhà nước khẳng định như đảm bảo sinh kế và nơi ở tương đương hoặc tốt hơn trước cho người dân sau khi thu hồi đất phải được thực thi. Thứ hai, cần đầu tư tiền bạc và công sức để nắm giữ và đưa vào sử dụng hiệu quả quỹ đất công to lớn của quốc gia trước đây giao cho các doanh nghiệp tiền thân là nông lâm trường quốc doanh. Thứ ba, phải có giải pháp mạnh mẽ để tạo điều kiện cho quá trình tập trung hóa ruộng đất diễn ra thuận lợi với chi phí thấp nhất để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, hiện đại, song song với việc mở ra thị trường lao động rút ra khỏi nông thôn.
PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ Đặng Kim Sơn!