Ông Nguyễn Hồng Trường: Đề nghị Quốc hội có gói riêng cho cao tốc Bắc – Nam
- Dự án lớn như cao tốc Bắc – Nam cần trình Quốc hội phê duyệt chủ trương
- Đường bộ cao tốc Bắc-Nam: Cơ chế triển khai phải minh bạch
- Đề án đầu tư đường cao tốc Bắc-Nam: Còn nhiều điểm chưa hợp lý, chưa có cơ sở
- Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Sẽ khởi động vào thời điểm thích hợp
- Cơ chế đặc thù cho dự án cao tốc Bắc - Nam
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, với kế hoạch sử dụng 80.000 tỷ đồng từ ngân sách để xây dựng cao tốc Bắc – Nam theo đề xuất của Chính phủ là số tiền lớn. Từ kinh nghiệm việc thực hiện xây dựng Quốc lộ 1 và 14, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội và một số đại biểu đề nghị dự án này cần trình Quốc hội xem xét, quyết định để tập trung nguồn lực.
Toàn cảnh phiên họp |
Giải trình về dự án này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, giai đoạn từ nay đến năm 2020 và sau 2020 yêu cầu phát triển giao thông rất lớn, đặc biệt về đường bộ với mục tiêu xây dựng trên 2.000 km đường cao tốc. Hiện nay đã có khoảng trên 700 km đường cao tốc, thiếu hơn 1.300 km nữa để hoàn thành kế hoạch và sẽ tập trung vào tuyến đường cao tốc Bắc – Nam vì đây là tuyến huyết mạch của quốc gia.
“Nếu không đầu tư đường cao tốc Bắc – Nam từ bây giờ thì sẽ khó khăn cho 5 năm sau vì Quốc lộ 1 với tốc độ khai thác như hiện tại sẽ bị hư hỏng bởi lưu lượng xe quá cao, lượng xe quá tải lớn”, ông nói.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng lo ngại việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước gặp khó khăn. “Nước ngoài thì họ đưa ra hai yêu cầu là phải bảo lãnh tỷ giá và bảo lãnh doanh thu cho họ. Vừa rồi định chuyển nhượng đường cao tốc cho một nhà đầu tư Ấn Độ, người ta chuẩn bị mua rồi nhưng khi họ đưa ra yêu cầu bảo lãnh tỷ giá mình không đáp ứng được thì họ lại lắc đầu”, ông Trường nêu. Ông đề nghị đường cao tốc Bắc – Nam phải phát hành nguồn trái phiếu như với Quốc lộ 1.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường |
Ông Trường phân tích, với nguồn ngân sách hạn hẹp, nếu lấy vốn trung hạn ra khoảng 70 nghìn tỷ đồng làm đường cao tốc, khiến các công trình khác sẽ phải hoãn thì rất khó khăn.
“Đề nghị Quốc hội nghiên cứu đối với đường cao tốc thì có gói riêng để có thể đầu tư trước một số đoạn, từ nay đến 2020 hoàn thành. Chúng ta cố gắng hoàn thành trong 5-7 năm cũng là 1 kỳ tích, vì công suất của đường cao tốc rất lớn, gấp 4-5 lần công suất đầu tư của tuyến đường bình thường”, ông nhận định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu Bộ Giao thông vận tải cân nhắc xem có phù hợp với tình hình thực tế không. “Chúng ta thực hiện cơ chế thị trường, có sự điều tiết linh hoạt của nhà nước mà nhà đầu tư lại yêu cầu bảo lãnh tỷ giá, doanh thu như vậy có phù hợp không? Cần phải cân nhắc thận trọng” – Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.