Phải giám sát được việc tài sản núp bóng người thân

08:59 19/02/2017
Sau bê bối liên quan đến ông Vũ Huy Hoàng, Bộ Công Thương lại một lần nữa gây chú ý liên quan đến cán bộ cấp cao qua vụ tài sản “khủng” của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và gia đình.

Dù nguồn gốc khối tài sản của bà Hồ Thị Kim Thoa đang được các cơ quan chức năng làm rõ theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chưa có kết luận chính thức nào được đưa ra, nhưng vụ việc đã gợi lên nhiều băn khoăn trong kiểm soát quyền lực và xung đột lợi ích khi một người giữ chức vụ cao trong cơ quan Nhà nước lại có sở hữu lớn trong doanh nghiệp thuộc lĩnh vực mình quản lý.

Nên kê khai cả tài sản của con cán bộ đã thành niên?

Tại một thông báo đưa ra phản hồi những băn khoăn của dư luận, Bộ Công Thương khẳng định toàn bộ cổ phần mà bà Hồ Thị Kim Thoa sở hữu đã được hình thành từ trước khi bà này được bổ nhiệm là Thứ trưởng, được kê khai đầy đủ trong hồ sơ bổ nhiệm vào năm 2009 và đã báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, việc nhiều thành viên trong gia đình bà Thoa sở hữu đến 34% cổ phần (tổng giá trị khoảng 700 tỷ đồng) của Công ty Điện Quang  – một lĩnh vực mà bà Thoa được phân công phụ trách khiến nghi ngờ của dư luận là rất có cơ sở. Nhiều chuyên gia cho rằng, kể cả không chứng minh được bà Hồ Thị Kim Thoa vi phạm pháp luật, thì cũng có nhiều dấu hiệu xung đột lợi ích ở đây. Chưa kể đến góc nhìn từ khía cạnh đạo đức xã hội, đạo đức cán bộ.

Trao đổi với PV Báo Công an nhân dân chiều 17-2, ông Nguyễn Bá Thuyền – nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIII cho rằng để giám sát việc này đòi hỏi Nhà nước phải có cơ chế kiểm soát được quyền lực.

“Lĩnh vực mà bà Hồ Thị Kim Thoa được giao phụ trách có liên quan đến khối tài sản mà bà và gia đình nắm giữ thì rõ ràng là không ổn. Phải kiểm tra tài sản, phải xác định xem có vấn đề nào bất minh, liên quan đến việc lợi dụng chức vụ để thâu tóm cổ phiếu. Bản thân bà Thoa phải giải trình, chứng minh tiền ở đâu ra để bà sở hữu khối tài sản đó. Đã làm lãnh đạo, vừa quản lý nhà nước vừa chiếm đa số cổ phần ở một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đó thì rõ ràng sẽ gây ra xung đột lợi ích. Cơ chế của mình phải sửa, cán bộ phải chứng minh được tài sản của mình do đâu mà có” – ông Nguyễn Bá Thuyền phân tích.

Vụ việc tài sản bà Hồ Thị Kim Thoa đang gây chú ý lớn của dư luận.

“Cái thứ hai là phải sửa luật Phòng, chống tham nhũng; phải yêu cầu kê khai cả tài sản của con thành niên và người thân trong gia đình. Luật chỉ yêu cầu con chưa thành niên mới phải kê khai, nên giờ nhiều cán bộ tất cả tài sản chuyển cho con hết, đứng tên người khác hết. Đấy là một sơ hở mà tôi đã nói rất nhiều lần rồi mà chưa thấy sửa”.

Ngoài việc sửa Luật, đại biểu còn cho rằng cần phải có quy định sử dụng tài sản thông qua tài khoản, chứ như hiện nay rất khó để kiểm tra nguồn gốc tài sản.

“Phải có quy định là chi tiêu bao nhiêu tiền đấy thì phải qua tài khoản, chứ không tiêu tiền mặt, để anh có tham nhũng, có tiền “đen” anh cũng không tiêu được. Như vậy mới minh bạch, rõ ràng được. Giờ chúng ta muốn xài bao nhiêu cũng được, tiền kiếm được một cách chân chính cũng như tiền có được một cách bất hợp pháp, trắng đen lẫn lộn như vậy khó chống được tham nhũng”.

Cần có cơ sở dữ liệu để truy được “vết” tài sản

Không hoàn toàn nhất trí với đề xuất phải kê khai tài sản của con thành niên, ông Nguyễn Chí Dũng – chuyên gia lập pháp cho rằng điều đó có thể ảnh hưởng đến quyền của người con. 

“Vấn đề là chứng minh được tài sản đó khi được chuyển sang là có yếu tố tham nhũng, có lý do xung đột lợi ích hay không” – ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này rất đồng tình với việc phải yêu cầu chi tiêu qua tài khoản và xây dựng những cơ sở dữ liệu khác để có thể truy xuất được “đường đi” của tài sản.

Theo ông Dũng, Thanh tra Chính phủ đã từng kiến nghị xây dựng mạng lưới kết nối cơ sở dữ liệu đăng ký tài sản hợp pháp do Bộ Tư pháp quản lý với cơ sở dữ liệu kê khai tài sản. Nếu làm được việc này, dù tài sản được chuyển nhượng lòng vòng cũng có thể truy được “vết” khi cần thiết. Rất tiếc, kiến nghị này cuối cùng không được thực hiện, mà chỉ xây dựng cơ sở dữ liệu kê khai tài sản.

Trong khi đó, nhiều người đã bày tỏ băn khoăn về tính trung thực của bản kê khai tài sản, cũng như việc không công khai bản kê khai này, như đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đã từng bày tỏ. Theo chuyên gia Nguyễn Chí Dũng, nếu công khai bản khai này, thì cộng đồng có thể cùng giám sát, chắc chắn tính minh bạch sẽ cao hơn rất nhiều.

Phân tích về khía cạnh kinh tế, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn – Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng việc bán cổ phần ưu đãi cho cán bộ công nhân viên theo giá rất ưu đãi với triết lý là để gắn lợi ích người lao động vào công ty có thể trở thành một yếu tố khiến người lãnh đạo doanh nghiệp trục lợi, khi thu mua số cổ phần này với giá rất rẻ trước khi niêm yết.

Ông Tuấn cũng cho rằng cơ chế đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp dẫn đến mâu thuẫn lợi ích nghiêm trọng, như trong trường hợp cơ quan quản lý Nhà nước ra văn bản có lợi về mặt chính sách cho doanh nghiệp trực thuộc của mình. Đó là chưa kể việc lập ra các DN sân sau để chuyển những lợi ích, cơ hội về đó.

Chuyên gia Nguyễn Chí Dũng cho rằng nguyên nhân của xung đột lợi ích cũng đến từ việc các bộ chủ quản còn có ảnh hưởng lớn với các doanh nghiệp trực thuộc bộ hoặc do bộ quản lý, thông qua vấn đề tổ chức cán bộ. Do đó, vẫn có tình trạng bộ nói là phải nghe. 

Ông Dũng cũng cho rằng cần làm rõ thời điểm sở hữu cổ phần của bà Thoa và gia đình để xem xét có hành vi “tiểu xảo” để chuyển tài sản công thành tư hay không, và điều này hoàn toàn có thể xác định được.

Vũ Hân

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Hết quý I/2024, thị trường bất động sản đã có thêm những tín hiệu tích cực khi sự quan tâm của người dân dành cho nhà ở đã tăng lên so với giai đoạn quý IV/2023. Theo đại diện Bộ Xây dựng, nguồn cung cũng đã tăng khi số lượng dự án hoàn thành và được cấp phép tăng lên. Tuy nhiên, nhận định về thị trường bất động sản, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, dù đã có những chuyển động tích cực nhưng cơ bản thị trường vẫn chưa hết khó khăn. Những bất cập, vướng mắc dù đã được nhận diện nhưng vẫn cần thời gian để tháo gỡ.

Hơn 14 năm công tác trong lực lượng Công an, trong đó có hơn 10 năm gắn bó với công tác an ninh, Thiếu tá Trần Xuân Hoàng, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã vận động, giúp đỡ hàng trăm trường hợp lầm lỡ trót tin lời kẻ xấu, vượt biên trái phép, theo "Tin lành Đêga"… trở về hòa nhập với cộng đồng.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文