Phát huy tính năng động, sáng tạo để phòng, chống dịch hiệu quả

06:26 23/05/2021
Chiều 22/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với ngành y tế TP Cần Thơ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ hoan nghênh TP Cần Thơ đã đạt được thành công bước đầu trong việc ứng phó với các đợt bùng phát dịch COVID-19.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý Cần Thơ không được lơ là, chủ quan mất cảnh giác vì TP Cần Thơ là trung tâm khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cửa ngõ kết nối sân bay quốc tế Cần Thơ với các địa phương khác và rất gần với Campuchia, nơi đang diễn ra tình hình dịch bệnh COVID-19 hết sức phức tạp, khó lường. Nếu dịch bệnh xảy ra, lãnh đạo và nhân dân thành phố cũng cần bình tĩnh, tránh hoang mang, xử lý không khôn khéo, ảnh hưởng đến mọi mặt phát triển...

Thủ tướng nhấn mạnh, TP Cần Thơ có vai trò, vị trí quan trọng trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ngành y tế phải giữ vai trò trung tâm của khu vực gần 20 triệu dân, tiên phong đi đầu và phải phát triển xứng tầm với thành phố trung tâm của khu vực. Do đó, ngành y tế cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ giải pháp quyết liệt, khẩn trương, kịp thời, hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với ngành y tế ở khu vực, với các trường đại học, các trung tâm y tế khám chữa bệnh để thực hiện tốt vai trò phòng, chống dịch bệnh, những nhiệm vụ đột xuất bất ngờ cũng như nhiệm vụ thường xuyên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Cần Thơ. Ảnh: TTXVN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thành phố trong thời gian tới phải đoàn kết thống nhất, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, huy động được sức mạnh của trí tuệ tập thể, sự vào cuộc của nhân dân, trong đó ngành y tế đóng vai trò nòng cốt tham mưu và tổ chức thực hiện; phát huy tinh thần tự lực tự cường, tính năng động, sáng tạo để phòng, chống dịch hiệu quả. Thành phố nâng cao hiệu quả phối hợp với các ngành, các cấp trong lúc bình thường cũng như lúc có dịch.

Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp cần được lưu ý với việc phát hiện sớm, cách ly nhanh, xét nghiệm tích cực. Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ là "chống dịch như chống giặc", huy động mọi nguồn lực để chống dịch. Ngành y tế TP Cần Thơ cũng cần chuẩn bị thật tốt trang thiết bị, vật tư, y tế, sinh phẩm, các công cụ xét nghiệm theo phương châm "4 tại chỗ"...

* Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm, động viên CBCS đang thực hiện nhiệm vụ trong khu cách ly tập trung phòng, chống COVID-19 tại Trung đoàn 926 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Trà Vinh.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Đại tá Nguyễn Văn Sĩ, Chủ nhiệm Hậu cần, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Trà Vinh cho biết, cho đến nay đã tiến hành tiếp nhận, cách ly gần 2.400 người. Về cơ bản, người được cách ly đều chấp hành nghiêm các quy định. CBCS thực hiện nghiêm nhiệm vụ được giao.

Phát biểu với CBCS đang thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly, Thủ tướng nêu rõ, qua 4 đợt dịch, đợt sau khó khăn hơn, khó lường hơn đợt trước,, để lại nhiều hậu quả hơn và đợt bùng phát dịch hiện nay đang diễn biến hết sức phức tạp, virus chủng mới lây lan rất nhanh, rất nguy hiểm. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên cả nước. Các tỉnh có dịch cũng đang từng bước kiểm soát được tình hình. Tỷ lệ ca bệnh chỉ chiếm 0,004% dân số, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới và khu vực.

Cùng với đó, chúng ta tập trung chuẩn bị tốt cho cuộc bầu cử, tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội, thu ngân sách tăng cao, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, ban ngành, địa phương.

Thủ tướng nêu rõ, đợt dịch hiện nay xảy ra trên diện rộng nhưng  chưa phát hiện nguồn bệnh trong nước, các nguồn lây đều từ bên ngoài vào bằng đường không, đường biển, đường bộ.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng biểu dương các lực lượng tham gia phòng, chống COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, trong đó trên tuyến đầu là lực lượng Y tế, Quân đội, Công an và một số ngành khác.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, trong đó việc quản lý cách ly tại một số nơi còn có những sơ hở, chưa thực hiện đúng các nguyên tắc, quy định. Một số cơ quan, đơn vị, người dân, một bộ phận nhân dân vẫn còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, trong đó có cả các đơn vị cách ly. Thủ tướng nêu rõ, khen thưởng kịp thời đi đôi với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, ai làm tốt cần được biểu dương, khen thưởng, nhưng phải cương quyết xử lý những đơn vị, cá nhân làm chưa đúng, chưa nghiêm.

Hiện trên cả nước có 2.047 khu đang thực hiện cách ly tập trung và có khả năng thực hiện việc cách ly, trong đó quân đội có 356 khu. Tổng số người đang cách ly tập trung khoảng 58.000 và đã chuẩn bị cho trường hợp cách ly hơn 100.000 người gồm các ca F0, F1 và người nhập cảnh từ bên ngoài.

Lưu ý người nhập cảnh từ bên ngoài là nguy cơ lớn nhất lây lan dịch bệnh, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, chính sách cho người cách ly thể hiện tinh thần nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rất rõ, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; đây là quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta nhưng càng trong bối cảnh dịch bệnh, quan điểm này càng được chú trọng, nhất là quan tâm tới những người yếu thế, những người mắc bệnh. Những người có nhu cầu được cách ly tại khách sạn có đóng góp thêm, nhưng cơ bản, công tác cách ly vẫn do Nhà nước bảo đảm, ngân sách nhà nước cũng lo toàn bộ về thuốc men, vật tư y tế điều trị người bệnh.

Thủ tướng yêu cầu, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các đồng chí trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại các khu cách ly phải thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; các quy định về phòng, chống COVID-19; các quy định về cách ly, quản lý cách ly; các quy định về bàn giao, quản lý sau cách ly. Nhân dân, cộng đồng phải vào cuộc để quản lý người sau cách ly được trả về địa phương, gia đình.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu nhận thức đúng đắn, đầy đủ và thực hiện tốt việc kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công dịch bệnh, lấy tấn công là chính; phòng là thường xuyên, cơ bản, quyết định. Tấn công là thực hiện tốt yêu cầu 5K+vaccine; xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng; thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine; đẩy mạnh chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm... theo phương châm 4 tại chỗ và phù hợp các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; thực hiện phân công, phân cấp, ủy quyền đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra tích cực, hiệu quả. Huy động sự vào cuộc, tham gia của nhân dân theo tinh thần mỗi người tự bảo vệ sức khỏe cá nhân, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Phân tích cụ thể hơn về chiến lược vaccine, Thủ tướng cho biết đang triển khai tốt, Việt Nam đã ký và đàm phán với các đối tác về nguồn cung vaccine với tổng số hơn 100 triệu liều; đẩy mạnh tiếp cận, chuyển giao công nghệ vaccine và nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.

Thủ tướng khẳng định, nguyên tắc chung là Nhà nước đảm bảo tối đa kinh phí trong điều kiện có thể để tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân, ưu tiên lực lượng tuyến đầu chống dịch như Y tế, Quân đội, Công an. Nghiên cứu hiện nay cho thấy vaccine có hiệu quả miễn dịch không kéo dài, việc tiêm phải tiến hành định kỳ, do đó chi phí rất lớn, Thủ tướng cho biết. Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, Chính phủ đang xây dựng Quỹ vaccine theo tinh thần kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, người dân, cộng đồng đóng góp kinh phí, chung sức với Chính phủ để bảo đảm vấn đề này theo tinh thần chủ động tấn công. Việc sử dụng quỹ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy chế, quy định pháp luật.

“Sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết, mỗi người dân khỏe là toàn dân khỏe, toàn dân khỏe thì đất nước khỏe, đất nước khỏe thì mới có thể thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu quán triệt, thực hiện nghiêm túc  các văn bản chỉ đạo, quy định của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Y tế và các lưu ý của Chủ tịch nước, tăng cường trách nhiệm của các địa phương, cơ quan, tổ chức, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, khen thưởng và kỷ luật kịp thời. Ông nhắc lại và nhấn mạnh, phải tránh cả hai khuynh hướng: Lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch, nhưng hốt hoảng, lo lắng, hoang mang, thiếu bản lĩnh khi có dịch, áp dụng các biện pháp cực đoan.

PV

Tối 23/12 (giờ địa phương), tân Thủ tướng Pháp François Bayrou đã chính thức công bố thành phần nội các mới sau hơn 2 tuần kể từ khi được Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm. Ông François Bayrou bày tỏ tự hào và tin tưởng vào một chính phủ được xây dựng hướng tới sự cân bằng với kinh nghiệm trong việc hòa giải và khôi phục niềm tin với tất cả người dân Pháp.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4h ngày 24/12, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam khu vực Giữa Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10; di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 5-10km/h.

Tối 23/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh cho biết, lúc 15h30 cùng ngày, đã tiếp nhận điều trị 5 ca bị bỏng và bị thương nặng được chuyển đến từ Trung tâm Y tế huyện Tân Biên. Có 4/5 nạn nhân đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) tiếp tục điều trị.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Công an huyện Lục Nam, Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 5 triệu đồng đối với M.V.S về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文