Phát triển Thừa Thiên Huế trên nền tảng cố đô di sản
- Thừa Thiên Huế triển khai đưa di sản văn hóa vào trường học
- Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành “Thành phố hạnh phúc”
Theo đó, Nghị quyết đưa ra 4 quan điểm mới đối với Thừa Thiên Huế. Thứ nhất, xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng. Đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa không chỉ về kinh tế - xã hội mà cả về chính trị, quốc phòng và an ninh; không chỉ của riêng Thừa Thiên Huế mà còn của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và của cả nước.
Thứ 2, xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế phải trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, của vùng, nhất là sự kết hợp hài hòa giữa di sản văn hóa đặc sắc, phong phú với cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú; vị trí cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây và con người Huế. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái; đô thị hóa với xây dựng nông thôn mới.
Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển; giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản, trong đó bảo tồn là cốt lõi; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó phát triển thành phố trực thuộc Trung ương phải đảm bảo điều kiện thuận lợi cho bảo tồn và phát triển đô thị di sản; giữa hỗ trợ của Trung ương và nỗ lực của địa phương.
Thứ 3, tập trung nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ mới; hiện đại; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng hệ cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp, tăng cường cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh để thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân cho phát triển hạ tầng giao thông, đô thị và những ngành, lĩnh vực kinh tế có tiềm năng, lợi thế.
Và thứ 4 là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; phát huy cao độ truyền thống văn hoá, cách mạng; sự thông minh và tự lực, tự cường của người dân Huế.
Thừa Thiên Huế có những ưu thế rất đặc biệt về di sản. |
Đến năm 2025: thành thành phố trực thuộc Trung ương
Nghị quyết cũng đưa ra một số mục tiêu và tầm nhìn mới (gồm cả các chỉ tiêu cụ thể) như đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.
Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn và đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; là nơi đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao. Tầm nhìn đến năm 2045: Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, là một trong những trung tâm du lịch, văn hóa và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.
“Mục tiêu xuyên suốt của Nghị quyết lần này là xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương nhưng trên nền tảng của phát huy các giá trị văn hóa Huế cũng như giá trị của cố đô Huế với tư cách là một cố đô di sản. Trong đó phải xác định được những giá trị văn hóa, giá trị di sản, giá trị về hệ sinh thái, giá trị của cảnh quan thiên nhiên và con người Huế.
Để thực hiện được mục tiêu đó, rõ ràng phải xây dựng cho Thừa Thiên - Huế một bộ tiêu chí đặc thù dể không những xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành một đô thị trực thuộc Trung ương mà vẫn phát huy được các giá trị của di sản, các giá trị của văn hóa riêng có của Thừa Thiên - Huế, hay nói một cách khác có một bộ tiêu chí đặc thù cho Thừa Thiên - Huế trên cơ sở kết hợp một cách hài hòa, hợp lý giữa các tiêu chí hiện hành với các tiêu chí thể hiện nét giá trị về di sản, về văn hóa của Thừa Thiên - Huế”, đồng chí Nguyễn Văn Bình- Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị khóa X về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020, cho thấy: Trong bối cảnh vừa có thuận lợi, đan xen với các khó khăn thách thức; 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc Kết luận 48 của Bộ Chính trị, đạt được những thành tích nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, so với mục tiêu, nhiệm vụ của Kết luận 48 và tiềm năng, lợi thế của tỉnh, kết quả đạt được của Thừa Thiên Huế vẫn còn những mặt hạn chế. Vì vậy, Thực hiện Chương trình làm việc của Bộ Chính trị năm 2019; Ban Bí thư thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị khóa X về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020”, giao Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan thường trực giúp Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án trên. Mục tiêu tổng quát của Đề án là đánh giá 10 năm thực hiện Kết luận số 48, đề xuất Bộ Chính trị xem xét, ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. |
Nghị quyết tạo ra hướng đi mới rõ nét hơn, cụ thể hơn “Nghị quyết 54 tạo ra một hướng đi mới rõ nét hơn, cụ thể hơn về phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vấn đề lớn nhất là hoàn chỉnh công trình đô thị di sản đặc thù của tỉnh Thừa Thiên Huế. Vấn đề thứ hai cần phải tiếp tục phát triển kinh tế trên nền tảng bảo tồn và phát triển và tiếp tục đầu tư xây dựng các khu kinh tế vùng ven tạo điều kiện hỗ trợ về mặt kinh tế đời sống việc làm cho người dân và tăng thu nhập, tăng thu ngân sách cho tỉnh”- Đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên TWĐ, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. |
“Di sản Huế là đặc sắc, độc đắc” “Tôi cho rằng Thừa Thiên Huế có những ưu thế rất đặc biệt về di sản. Có thể nói cho đến nay thì không nơi nào ở Việt Nam được như Huế, tức là còn giữ gìn bảo tồn kho tàng văn hóa phi vật thể cộng với cảnh quan thiên nhiên hết sức đặc sắc, kể cả lối sống Huế, con người Huế, những phong tục tập quán,.. có lẽ là nơi độc đắc nhất những cá tính, những tính cách, những truyền thống văn hóa Việt Nam. Do vậy để phát huy những lợi thế này thì con đường phù hợp nhất chính là xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị di sản cấp quốc gia đặc thù của Việt Nam”- TS. Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế |