Phát triển nông nghiệp Tây Nguyên - góc nhìn từ các nông dân tỷ phú
Chiều 11-3, tại trụ sở Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ Đạo Tây Nguyên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát triển nông nghiệp Tây Nguyên - góc nhìn từ các nông dân tỷ phú”.
- Hội thảo “Chính sách tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai”
- Hội thảo về “Tăng cường sự tham gia của xã hội trong phòng chống tham nhũng”
- Hội thảo về phòng, chống ma túy lứa tuổi thanh niên, thiếu niên
- Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo chống tra tấn hoặc hạ nhục con người
Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên dự và chủ trì hội thảo. Tham dự hội nghị còn có dại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương; Học viện Nông nghiệp Việt Nam; các doanh nghiệp cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên.
Quang cảnh hội thảo |
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ: Tây Nguyên có vị trí chính trị và an ninh quốc phòng đặc biệt quan trọng của nước ta. Đồng thời, đây cũng là một trong những vùng có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp hàng hóa bởi điều kiện thiên nhiên phong phú, đa dạng, đất đai trù phú.
Tuy nhiên, quá trình phát triển nông nghiệp ở Tây Nguyên vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng, vị trí sẵn có. Nông nghiệp phát triển vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng và giá trị thu được chưa cao; hạ tầng nông nghiệp tuy có được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; thu nhập của người nông dân còn thấp hơn nhiều so với trung bình cả nước; tỷ lê hộ nghèo còn cao…
Vượt qua những khó khăn trên, đâu đó vẫn có những nông dân tiêu biểu, biết tận dụng tối đa lợi thế và điều kiện tự nhiên, họ đã tìm tòi, áp dụng tốt các công nghệ phù hợp để tối đa hóa lợi nhuận, tiết kiệm chi phí đầu vào, hạn chế sâu bệnh…để xây dựng những mô hình sản xuất tốt, cho thu nhập cao.
Đây là những mô hình cần được giới thiệu, nhân rộng. Việc tổ chức hội thảo nhằm trao đổi kinh nghiệm trực tiếp từ những người nông dân này, sẽ là bài học thực tiễn quý giá trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Đây cũng là dịp nhìn nhận lại quá trình thực hiện liên kết 4 nhà để phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Tây Nguyên trong thời gian tới.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã tiến hành tham gia đóng góp ý kiến xung quanh các vấn đề như: Tái cơ cấu nông nghiệp ở Tây Nguyên; Xây dựng và phát triển nông nghiệp sạch công nghệ cao; Những định hướng trong phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến ở Tây Nguyên; Vai trò của Khoa học và Công nghệ trong tái cơ cấu nông ngiệp và xây dựng nông thôn mới…
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại hội thảo |
Phát biểu kết luận tại hội thảo, Bộ trưởng Tô Lâm đã đánh giá cao việc Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ Đạo Tây Nguyên, UBND tỉnh Đắk Lắk và Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức hội thảo nhằm chia sẻ những kiến thức thực tiễn, các bài học thành công để nhân rộng mô hình. Đây là những kiến thức vô cùng hữu ích để Đảng, Nhà nước xây dựng chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng và phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, sạch, bền vững tại Tây Nguyên.
Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, người nông dân Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng đã và sẽ có những đóng góp quan trọng cho an ninh lương thực, cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển một nền nông nghiệp chất lượng, giá trị cao rất cần nhân rộng những mô hình nông dân tỷ phú sản xuất kinh doanh giỏi.
Là vùng đất có tiềm năng lớn về đất đai, khí hậu, là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp hàng hóa. Tuy nhiên, Tây Nguyên cần phải quy hoạch vùng trồng phù hợp với điều kiện khí hậu và nhu cầu thị trường, việc này rất cần sự tư vấn của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Hiện nay, việc áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo là hướng đi tất yếu của nông nghiệp cả nước nói chung, vùng Tây Nguyên nói riêng. Để thực hiện thành công được điều này, rất cần sự liên kết của 4 nhà. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nâng cao trình độ cho người nông dân, duy trì nguồn giống cây trồng bản địa và nhập nội có giá trị cao, xây dựng trung tâm bác sỹ cây trồng, ứng dụng công nghệ hiện đại để kịp thời hỗ trợ người nông dân ứng phó với sâu bệnh, thiên tai, hạn hán là hết sức cần thiết.
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT, Bộ KH&CN, các ngành ngân hàng, UBND các tỉnh tại Tây Nguyên cần xây dựng chương trình hỗ trợ và các cơ chế, chính sách thuận lợi nhằm đưa các ngành hàng chủ lực của Tây Nguyên tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu; cần xây dựng, thiết kế các chương trình nghiên cứu, phát triển nông nghiệp Tây Nguyên mang tính tổng thể về khoa học quản lý, cơ chế, chính sách, thị trường, kỹ thuật, trong đó vấn đề quy hoạch vùng trồng và vùng sản xuất phải gắn liền với tổ chức nông dân.
Bên canh đó, các nhà khoa học, các doanh nghiệp tham gia tích cực vào việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Nguyên. Hỗ trợ các tỉnh Tây Nguyên xây dựng các đề án bảo tồn giống quý, trung tâm con giống, vật nuôi gắn với công tác đào tạo nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp trình độ cao ở Tây Nguyên.
Mô hình sử dụng năng lượng mặt trời và tiết kiệm năng lượng trưng bày tại hội thảo |
Tại hội thảo, Bộ trưởng Tô Lâm cũng đã phát động phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; các đại biểu chứng kiến ký kết hợp tác liên kết giữa 4 nhà giữa Công ty CPĐT&PTNN Hà Nội Xanh, Công ty TNHH hai thành viên cà phê Cư Pul, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Ngân hàng NN&PTNT, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ NN&PTNTT, UBND tỉnh Đắk Lắk; ký kết hợp tác tái cơ cấu nông nghiệp cho 3 buôn đồng bào Ê đê với Công ty TNHH hai thành viên cà phê Cư Pul; ký kết hợp tác giữa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.