Nhiều địa phương vẫn lơ là phòng chống dịch tả lợn Châu phi
- Vướng mắc trong xử lý dịch tả lợn châu Phi tại Hải Phòng
- Công an các địa phương phối hợp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi
Tính đến ngày 12-5-2019, ở ta, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy trên 1,2 triệu con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn của cả nước), trong đó có Đồng Nai – là thủ phủ chăn nuôi lợn của cả nước, cung cấp trên 40% sản lượng thịt hơi cho thành phố Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh (gần đây nhất là tại tỉnh Bắc Kạn).
Theo thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, nguyên nhân dịch tả lơn Châu phi đang lây lan như hiện nay là do một số địa phương chưa chủ động giám sát, chưa nắm bắt kịp thời thông tin dịch bệnh và các cơ quan chuyên môn còn chủ quan, lơ là dẫn đến trường hợp người dân bán chạy lợn bệnh làm lây lan dịch bệnh.
Việc tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết chưa kịp thời, chưa triệt để, vẫn còn địa phương để người dân vứt lợn ra môi trường như Bắc Giang, Thái Bình...Hầu hết các hộ gia đình không có quỹ đất để chôn lợn bệnh chết mà phải vận chuyển đến các địa điểm do chính quyền địa phương chỉ định bằng các phương tiện thô sơ làm mầm bệnh phát tán rộng. Đây chính là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho bệnh dịch lây lan nhanh hơn và ô nhiễm môi trường.
Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Hội nghị |
Một số địa phương chưa bố trí kinh phí để trả thù lao cho người tham gia phòng, chống dịch bệnh, xử lý tiêu hủy lợn bệnh; chậm trả tiền hỗ trợ hoặc mức hỗ trợ quá thấp cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy. Nhiều người chăn nuôi khi phát hiện lợn có bệnh, nghi mắc bệnh không thực hiện việc khai báo với chính quyền địa phương và thú y cơ sở để xác minh dịch bệnh, tự ý điều trị hoặc bán chạy lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, làm cho dịch bệnh lây lan. Bên cạnh đó cũng có những địa phương do bệnh dịch kéo dài, lan trên diện rộng, nguồn kinh phí dự phòng không đủ để chi trả cho các hoạt động phòng, chống dịch…
Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Dịch tả lợn Châu phi là dịch bệnh nguy hiểm. Từ khi dịch xuất hiện, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt để ứng phó dịch bệnh, bước đầu hạn chế được tình trạng lây lan mạnh, giảm thiểu thiệt hại.
Bên cạnh kết quả đạt được, Phó thủ tướng nhấn mạnh: tình trạng dịch tả lợn Châu phi vẫn xảy ra dịch bệnh trên diện rộng, chưa được kiểm soát có hiệu quả, thậm chí có nơi còn lùng túng. "Khả năng lây lan bệnh còn rất cao, chúng ta chưa thể tuyên bố kiểm soát chặt chẽ hoàn toàn dịch bệnh, khả năng tái phát dịch bệnh cũng chưa được kiểm soát. Một số nơi hết dịch nhưng sau đó lại bị tái phát.
Theo báo cáo Bộ trưởng NN&PTNT thì nhiều địa phương vẫn chưa chú trọng, vẫn còn coi nhẹ, giao phó hoàn toàn cho cơ quan thú y. Yêu cầu các địa phương cần khắc phục ngay tình trạng này" - Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Mới đây, báo chí, mạng xã hội đưa tin xác lợn chết do dịch tả lợn Châu phi trôi sông, chỉ vài tiếng đã vớt được hàng tấn hay có địa phương không còn chỗ tiêu hủy lợn bệnh, có nơi chôn lợn rồi lại đào lên đi chuyển đi chỗ khác. Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương khi có thông tin như vậy cần kiểm tra và xử lý nghiêm trách nhiệm cán bộ, tổ chức cá nhân để xảy ra tình trạng này.
Theo Phó Thủ tướng, trước mắt, có một số nhiệm vụ trọng tâm: phòng chống dịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật liên quan đến thú y, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, của Bộ NN&PTNT. Phó thủ tướng đề nghị Ban cán sự Đảng của Bộ NN&PTNT phối hợp với Chính phủ hoàn thiện dự thảo chỉ thị gửi Ban Bí thư về việc đẩy nhanh các biện pháp phòng dịch tả lợn Châu phi. Tham mưu với Chính phủ các biện pháp phù hợp điều kiện thực tế, khả năng của nền kinh tế để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo môi trường phát triển.