Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất

09:27 15/01/2018
“Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất. Tiềm năng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác trên các lĩnh vực còn lớn do hai nước có nhiều thế mạnh có thể bổ sung, hỗ trợ nhau cùng phát triển”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Yomiuri (Nhật Bản).

Báo CAND trân trọng giới thiệu toàn văn bài phỏng vấn.

- Phóng viên: Xin ngài Chủ tịch nước cho biết ý kiến về quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thời gian qua?

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Việt Nam và Nhật Bản là hai dân tộc có mối quan hệ từ lâu đời với nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa, truyền thống, giá trị nhân văn. Thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 9-1973, 45 năm qua, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành đối tác ngày càng quan trọng của nhau trên nhiều lĩnh vực. Từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” (tháng 3-2014), quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất.

Về chính trị, hai bên duy trì tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao. Năm 2017, lần đầu tiên có năm chuyến thăm cấp cao diễn ra trong vòng một năm, trong đó dấu mốc lịch sử là chuyến thăm Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản; Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hai lần đến Việt Nam; Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản thăm Việt Nam sau 15 năm. Năm 2017 cũng đánh dấu bước chuyển mới trong quan hệ song phương khi hai nước ra Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (tháng 6-2017). Hai bên cũng hợp tác chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM... Thành công của Năm APEC Việt Nam 2017 và Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 vừa qua có sự đóng góp, hợp tác tích cực của Nhật Bản.

Về kinh tế, Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam; là nước cung cấp ODA lớn nhất và là đối tác thương mại song phương lớn thứ tư của Việt Nam. Đặc biệt, năm 2017, Nhật Bản đã vươn lên trở thành nhà đầu tư nước ngoài đứng đầu ở Việt Nam. Hiện có hơn 2.500 doanh nghiệp, trong đó hầu hết các tập đoàn lớn của Nhật Bản đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Hai nước đang cùng triển khai nhiều dự án quy mô lớn trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, năng lượng tại Việt Nam. ODA của Nhật Bản trên các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng phó với biến đổi khí hậu và nhiều lĩnh vực khác đã đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Hợp tác trên các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, nông nghiệp, giáo dục, đào tạo, lao động... đã đạt nhiều tiến triển thực chất. Hợp tác giữa các địa phương hai nước ngày càng sôi động với 37 cặp địa phương hai nước đã ký kết thỏa thuận hợp tác. Các hoạt động giao lưu nhân dân, hợp tác văn hóa, du lịch phát triển mạnh mẽ. Năm 2017, Nhật Bản đứng thứ ba về số lượng khách du lịch đến Việt Nam và xứ sở hoa Anh Đào cũng là điểm du lịch hấp dẫn của du khách Việt Nam. Trên 230.000 người Việt Nam học tập, sinh sống, làm việc tại Nhật Bản và hơn 16.000 người Nhật Bản đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam ngày càng đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc.

Năm nay, hai nước tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chúng ta vui mừng nhận thấy, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

- Phóng viên: Xin ngài Chủ tịch nước cho biết những biện pháp thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục phát triển trong thời gian tới?

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất. Tiềm năng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác trên các lĩnh vực còn lớn do hai nước có nhiều thế mạnh có thể bổ sung, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Nhân dịp Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng tháng 11-2017, tôi và ngài Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã trao đổi và nhất trí về các phương hướng lớn cũng như các biện pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển hơn nữa trên các lĩnh vực.

Theo đó, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường sự tin cậy về chính trị thông qua duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao; tăng cường hiệu quả các cơ chế đối thoại giữa các bộ, ngành và địa phương hai nước.

Trên cơ sở và đà hợp tác kinh tế tốt đẹp hiện nay, hai bên sẽ nỗ lực phát huy lợi thế của mỗi nước để bổ sung cho nhau trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi, thúc đẩy liên kết giữa hai nền kinh tế thông qua tăng cường hợp tác về ODA, thương mại, đầu tư. Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản để sử dụng có hiệu quả hơn nguồn vốn ODA, triển khai tích cực các cơ chế hợp tác về kinh tế giữa hai nước. Việt Nam tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản, đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực giàu tiềm năng khác như hợp tác về lao động, nông nghiệp sạch, công nghệ cao, hợp tác giữa các địa phương; phối hợp chặt chẽ thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, qua đó, tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, coi đây là nền tảng cho hợp tác bền vững trong tương lai.

Với chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã, đang và sẽ là người bạn chân thành, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trên tinh thần đó, Việt Nam sẽ cùng Nhật Bản tiếp tục hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả trên các diễn đàn quốc tế và khu vực về các vấn đề cùng quan tâm, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Tôi tin tưởng, trên cơ sở sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, cùng sự nỗ lực, đồng lòng và chính sách đúng đắn của cả hai bên, quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục phát triển toàn diện và thực chất, vì lợi ích của nhân dân hai nước, cũng như của các dân tộc trên thế giới.

- Phóng viên: Thời gian tới, Việt Nam mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào những lĩnh vực nào, thưa ngài Chủ tịch nước?

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Nhật Bản hiện là đối tác hàng đầu về kinh tế của Việt Nam. Chỉ tính riêng 11 tháng đầu năm 2017, đầu tư trực tiếp (FDI) của Nhật Bản đã đạt con số kỷ lục gần 9 tỷ USD, đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tăng gấp bốn lần so với năm 2016.

Là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới và có nguồn vốn dồi dào, con số trên vẫn ở mức khiêm tốn vì đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 3% tổng mức đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản vào châu Á và thấp hơn mức đầu tư của Nhật Bản tại một số nước Đông Nam Á. Trong khi đó, hai nước có cơ cấu kinh tế có thể bổ sung, hỗ trợ nhau để cùng phát triển.

Nhật Bản là quốc gia phát triển, có trình độ khoa học - kỹ thuật tiên tiến. Việt Nam mong muốn Nhật Bản đầu tư, chuyển giao công nghệ vào sáu ngành công nghiệp ưu tiên trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông, thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ôtô và phụ tùng ôtô, cũng như các lĩnh vực mà Nhật Bản có thế mạnh như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng, năng lượng, nông nghiệp sạch, công nghệ cao, xử lý nước thải, rác thải…

Chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn tạo điều kiện thuận lợi và môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản. Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản vào tháng 2-2017, 70% doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đầu tư mới vào Việt Nam và 66,6% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là dấu hiệu tích cực và là cơ sở để tin tưởng rằng đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam tiếp tục gia tăng trong những năm tới, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

Nhân dịp đầu Xuân mới 2018, tôi trân trọng gửi tới Hoàng gia, Chính phủ, nhân dân Nhật Bản và bạn đọc Báo Yomiuri những lời chúc mừng tốt đẹp nhất; chúc quan hệ hợp tác, tình hữu nghị giữa hai dân tộc chúng ta không ngừng được củng cố và phát triển.

PV (theo TTXVN)

Đối tượng mạo danh là “Trưởng phòng Công an TP Đà Nẵng”, sau đó thông báo số điện thoại của nạn nhân liên quan đến việc làm ăn phi pháp; đồng thời đe dọa, yêu cầu nạn nhân cầm sổ đỏ và chuyển tiền để chứng minh mình không vi phạm. Hậu quả, nạn nhân sập bẫy Công an giả sau 2 lần chuyển tổng cộng mất hơn 2 tỷ đồng...

Tại cơ quan điều tra, Luận khai nhận, 1 quả thận được Luận mua với giá từ 380 triệu đến 450 triệu đồng, sau đó môi giới bán cho người mua có nhu cầu ghép thận với giá dao động từ 1 tỷ đến 1,45 tỷ đồng. Trong khi Luận đang tổ chức ca môi giới ghép thận vào ngày 20/12/2024 thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.

Đây là ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ tại Hội nghị triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; triển khai bệnh án điện tử, thúc đẩy kết nối, liên thông dữ liệu giữa Bệnh viện Bạch Mai với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và đẩy mạnh triển khai các nội dung của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chiều 23/12.

Chiều 24/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Trịnh Thành Đức (SN 1996, biệt danh là Lil Ken) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Lan (vợ cũ Đức, SN 1998, ngụ quận Bình Tân) cùng về hành vi trên.

Đăng tải thông tin sai sự thật về vụ việc phóng hỏa quán cafe ở số 258 đường Phạm Văn Đồng (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lên các hội nhóm trên mạng xã hội, chị  H.T.L đã bị Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) triệu tập làm việc và ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật”.

Trước những dấu hiệu bất thường liên quan đến việc lập, phê duyệt quy hoạch, thực hiện dự án Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Lâm Bình (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu địa phương này làm rõ, đồng thời có văn bản báo cáo Thanh tra Bộ trước ngày 25/12/2024.

Nam thanh niên khai tên là Nguyễn Trần Huy, SN 2007, trú tại thôn Lê, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang trên đường chở pháo về thì bị CSGT phát hiện, bắt giữ.

Ngày 24/12, tại Công an tỉnh Tuyên Quang, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện xu hướng dịch chuyển của tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự lên không gian mạng”. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Bộ Công an chủ trì Hội thảo.

Năm 2024 ghi dấu mốc quan trọng với việc 19 tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh (SXKD), bảo đảm vai trò của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong việc phục hồi phát triển kinh tế, xã hội (KTXH), bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cung ứng điện, than, xăng dầu... cho phát triển KTXH, bảo toàn vốn và các nguồn lực Nhà nước giao.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文