Quốc hội quyết tổng chi ngân sách trung ương hơn 1 triệu tỷ đồng năm 2019
Với 90,31% ĐBQH có mặt tán thành, chiều 14-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2019.
- TP HCM làm được 100 đồng vẫn sẽ nộp 82 đồng vào ngân sách trung ương
- Quốc hội thông qua Nghị quyết phân bổ ngân sách Trung ương 2017
Theo đó, tổng số thu NSTW là 810.099 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 601.201 tỷ đồng.
Tổng số chi NSTW là 1.019.599 tỷ đồng, trong đó dự toán 321.354 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Quốc hội giao Chính phủ phân bổ vốn cho các chương trình, dự án có hiệu quả, có kế hoạch cắt giảm vốn đối với dự án triển khai chậm, bổ sung vốn cho dự án có khối lượng hoàn thành cao, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật, bảo đảm không dư thừa nguồn vốn. Tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải |
Phân bổ chi tiết vốn đầu tư phát triển của các chương trình mục tiêu và kinh phí sự nghiệp còn lại của chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu Ứng phó với Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh, chương trình mục tiêu Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích, đảm bảo yêu cầu thời gian phân bổ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Trong giai đoạn 2018-2020, thực hiện phân chia giữa NSTW và ngân sách địa phương nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô theo tỷ lệ tương ứng là 65% và 35% để chi cho quản lý, bảo trì đường bộ. Điều hành kinh phí chi trả phí phát hành trái phiếu Chính phủ trong phạm vi dự toán chi trả nợ lãi của NSTW năm 2019 được Quốc hội quyết định.
Trước đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo Tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH về phương án phân bổ NSTW năm 2019 và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ NSTW năm 2019 cho biết:
Có ý kiến cho rằng phân bổ NSTW năm 2019 còn bình quân, dàn đều, cần tập trung quan tâm đối với các địa phương khó khăn, thu ngân sách thấp, các địa phương vùng cao, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, cần đầu tư cho các dự án, công trình trọng điểm, các trọng điểm kinh tế để tạo sự lan tỏa, tạo động lực phát triển.
Các đại biểu tham gia biểu quyết |
UBTVQH xin báo cáo giải trình như sau: Thực hiện quy định của Luật NSNN năm 2015, năm 2019 là năm thứ ba trong thời kỳ ổn định ngân sách, định mức phân bổ chi ngân sách địa phương được xây dựng theo nghị quyết của UBTVQH và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, định mức phân bổ chi thường xuyên cho các địa phương đã có ưu tiên cho các địa phương vùng núi cao và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, các địa phương có diện tích trồng lúa lớn cũng được phân bổ thêm kinh phí đối với diện tích trồng lúa lớn và kinh phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa.
“Năm 2019, Chính phủ trình Quốc hội tăng thêm 2% số bổ sung cân đối so với năm 2017 cho các địa phương. Đồng thời, NSTW đã ưu tiên đầu tư cầu, đường giao thông, kênh, cảng, cũng như phân cấp cho địa phương nguồn thu tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết để dành cho chi đầu tư phát triển” – Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách nói.
Đối với các dự án, công trình trọng điểm, trong phương án phân bổ NSTW, Chính phủ đã thực hiện theo nguyên tắc bố trí chi đầu tư phát triển trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt và khả năng cân đối NSTW; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm. Như vậy, trong phương án phân bổ vốn đầu tư phát triển từ NSTW, Chính phủ đã chú trọng ưu tiên bố trí vốn đối với các dự án, công trình trọng điểm.
Đồng thời, tiếp thu ý kiến ĐBQH, để nhấn mạnh điều này, UBTVQH quy định trong dự thảo Nghị quyết tại khoản 2 Điều 3 về việc giao Chính phủ “Tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang” để bảo đảm các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia được sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội.