Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)
- Thứ trưởng Lê Quý Vương giải trình về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)
- Bổ sung Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) vào chương trình năm 2020
- Bộ Công an đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)
Người sử dụng trái phép ma túy có trách nhiệm khai báo với Công an xã
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật do Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày cho biết: Có ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị quy định rõ đối tượng sẽ phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể; có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc việc xác định thời hạn quản lý căn cứ vào độ tuổi của người sử dụng trái phép chất ma túy; có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm khai báo về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của người sử dụng trái phép chất ma túy, trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức có liên quan trong quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.
tChủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra. |
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, đồng thời để quy định của Luật rõ ràng, bao quát đầy đủ, đảm bảo tính khả thi và tránh sự tùy nghi khi áp dụng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định về xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, trong đó xác định rõ các trường hợp phải xét nghiệm ma túy trong cơ thể (Điều 22); quy định thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là 1 năm mà không phân biệt độ tuổi (Điều 23); bổ sung quy định về trách nhiệm khai báo hành vi sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 24); trách nhiệm của gia đình, cơ quan, cộng đồng (Điều 25).
Theo đó, người sử dụng trái phép chất ma túy có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của mình với Công an cấp xã nơi cư trú; chấp hành việc quản lý của UBND cấp xã.
Người nghiện ma túy là người vi phạm pháp luật
Thảo luận tại hội trường, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đánh giá, dự thảo luật lần này được chuẩn bị, chỉnh sửa rất công phu, kỹ lưỡng, tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp có chất lượng của các ĐBQH, cơ bản đã bao quát hết các nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; các chương, các điều, các khoản trong dự thảo luật đã rất đầy đủ và chặt chẽ.
Đề cập đến quan điểm, thái độ của cơ quan lập pháp đối với người nghiện ma túy, đại biểu cho rằng, dự thảo luật không thể hiện rõ nhưng trong các báo cáo thẩm định của các Ủy ban tại Kỳ họp thứ 10 và trong nhận thức của nhiều ĐBQH vẫn coi người nghiện ma túy là người bệnh, không vi phạm pháp luật. ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị phải coi người nghiện ma túy là người vi phạm pháp luật, bởi thực tế một số người nghiện đã vin vào quan điểm này để đòi hỏi được hưởng các quyền và nghĩa vụ như người bệnh, quy định tại Chương 2, Luật Khám, chữa bệnh năm 2011.
Họ cho rằng, Trung tâm cai nghiện không phải là hình thức tổ chức, cơ sở khám chữa bệnh, từ đó gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình quản lý và làm tốt công tác tư tưởng cho người nghiện.
"Tôi đề nghị Quốc hội khẳng định rõ quan niệm này trong luật để thống nhất thực hiện. Đề nghị bổ sung vào khoản 5, Điều 3 chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma túy" - Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu lý giải.
ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu. |
Về việc quản lý đối tượng nghiện, nhiều đại biểu quan niệm, người nghiện khi đã xác định được tình trạng nghiện thì đưa đi cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và các trung tâm cai nghiện nên ta đã quản lý họ rồi. ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, nhận thức như thế sẽ sai lầm rất lớn trong quá trình áp dụng pháp luật. Trong tình hình hiện nay, khi tội phạm và tệ nạn ma túy đang tăng đột biến, chúng ta cần tăng cường, siết chặt hơn nữa việc quản lý người nghiện.
Theo đó, thực tế nước ta đang có 230.000 người nghiện, phần lớn người nghiện chưa được cai đang ở ngoài xã hội, nếu không quản lý sẽ rất khôn lường. Tình trạng ngáo đá, gây án nghiêm trọng diễn ra trong thời gian qua đang gióng lên hồi chuông báo động. Ông đề nghị ban soạn thảo quy định chặt chẽ, chi tiết hơn về công tác quản lý người nghiện ma túy, đưa nội dung này vào Điều 43 dự thảo luật.
ĐBQH Phan Thái Bình (Quảng Nam) nhận thấy, từ khi chúng ta bỏ điều luật về tội "Sử dụng trái phép chất ma túy" trong Bộ luật Hình sự năm 1999 thì tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy diễn ra rất nhiều, tỷ lệ người nghiện tăng lên. "Đồng thời, như đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đã phân tích, chúng ta không thể xem người nghiện ma túy như người bệnh được. Cai nghiện tại cộng đồng, gia đình là cần thiết nhưng hiệu quả không cao. Cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung theo hướng cho bổ sung trở lại tội danh "Sử dụng trái phép chất ma túy", với nhiều giải pháp mạnh hơn", ông nói, đồng thời lấy ví dụ, đã xử lý hành chính mà tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, hay đã đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà tiếp tục tái phạm là xử lý hình sự...
Quy trách nhiệm quán karaoke, khách sạn tổ chức sử dụng ma túy
Về trách nhiệm phòng, chống ma túy ở Chương 2, ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định trách nhiệm của các chủ thể kinh doanh trong công tác này. "Thực tế vừa qua các nhà hàng, quán karaoke, khách sạn để xảy ra tình trạng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy rất lớn. Cần làm rõ trách nhiệm của các chủ thể này trong phòng, chống ma túy", đại biểu lưu ý.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí. |
Bày tỏ sự đồng tình với những nội dung cơ bản của dự thảo luật và thống nhất với sự tiếp thu, chỉnh lý của báo cáo giải trình, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) cũng đề cập thực trạng lái xe sử dụng ma túy hiện nay rất nghiêm trọng, nhiều vụ TNGT xảy ra do tài xế sử dụng ma túy là hết sức nặng nề, thảm khốc, nên trong luật cần có quy định nghiêm khắc để ngăn chặn điều này.
Theo ông, chúng ta đã có Nghị định số 100 về tập trung phát hiện, xử lý những lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy, Công văn số 437 về triển khai nhiệm vụ đảm bảo TTATGT trong Quý 2-2020, trong đó yêu cầu Bộ Y tế phối hợp Bộ Giao thông vận tải tổ chức khám định kỳ đối với tài xế kinh doanh vận tải, xét nghiệm ma túy đối với toàn bộ lái xe được khám sức khỏe định kỳ.
"Như thế là tốt nhưng chưa đủ, vì ma túy đời sống trong cơ thể không dài, nếu chỉ xét nghiệm qua kiểm tra sức khỏe định kỳ thì người sử dụng ma túy dễ dàng trốn tránh đc. Đề nghị nghiên cứu, đưa ra quy định tổ chức xét nghiệm đột xuất, với địa điểm lấy mẫu thay đổi, có thể tại cơ sở y tế, tại cơ quan, hoặc trên đường", đại biểu nêu giải pháp.
Huy động sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống ma túy Phát biểu giải trình thêm tại phiên thảo luận, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trân trọng cảm ơn các ĐBQH đã quan tâm và có những ý kiến tham gia đối với dự thảo dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Theo Bộ trưởng, ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIV, Phiên họp thứ 51 của UBTVQH cho ý kiến về việc chỉnh lý, tiếp thu dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Bộ Công an - Cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan liên quan của Quốc hội, các bộ, ngành có liên quan tổ chức nghiên cứu một cách khoa học, toàn diện ý kiến của các ĐBQH về dự án luật. Tất cả các ý kiến của ĐBQH đã được nghiêm túc tiếp thu tối đa và có giải trình thấu đáo, qua đó đã hoàn chỉnh các quy định trong dự thảo luật, đảm bảo tính khả thi khi luật được ban hành.
Trước các ý kiến của ĐBQH về việc quản lý tiền chất, quản lý người nghiện ma túy, kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, quy định trách nhiệm quản lý các cơ quan, cơ sở cai nghiện ma túy, chấp hành hình phạt tù của người từ 12 tuổi đến 18 tuổi, công tác cai nghiện ma túy cho người từ 12 tuổi đến 18 tuổi, trách nhiệm người sử dụng trái phép chất ma túy, các hình thức cai nghiện ma túy..., Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp với các cơ quan thẩm định và cơ quan liên quan tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa và sẽ báo cáo UBTVQH xem xét, báo cáo Quốc hội quyết định việc thông qua dự luật này theo đúng quy định. Đồng thời, Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện công tác phòng, chống ma túy trong những năm qua, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong thời gian tới, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân và cộng đồng quốc tế trong công tác phòng, chống ma túy. |