Quốc hội trở lại chất vấn theo nhóm vấn đề
Chiều nay, 17-5, tại Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi Họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV.
- Nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình của Thường trực HĐND
- Thủ tướng trả lời chất vấn về ổn định đời sống cho dân di cư tự do
- Quốc hội bắt đầu chất vấn các vấn đề "nóng" tất cả các thành viên Chính phủ
- Đại biểu Quốc hội kỳ vọng gì tại phiên chất vấn lần này?
Tập trung công tác xây dựng pháp luật
Giới thiệu tóm tắt dự kiến chương trình và nội dung của kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV là kỳ họp giữa năm 2019 – năm thứ tư của nhiệm kỳ, năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.
Tại kỳ họp này, theo thông lệ của chương trình nghị sự kỳ họp giữa năm, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (12 ngày, chiếm tỷ lệ gần 60% tổng thời gian của kỳ họp).
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại họp báo. |
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác (8 ngày, trong đó có 2,5 ngày dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội).
Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ dành khoảng 12 ngày để xem xét, thông qua 7 dự án luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác.
Các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Đoàn giám sát sẽ báo cáo bằng hình ảnh trước Quốc hội
Về hoạt động giám sát tối cao, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.
“Điểm đáng chú ý là tại kỳ họp này sẽ có đổi mới trong việc báo cáo kết quả giám sát trước Quốc hội. Tham gia các Đoàn giám sát có phóng viên của Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức ghi hình, biên tập xây dựng phóng sự phục vụ Đoàn giám sát sử dụng hình thức báo cáo bằng hình ảnh trước Quốc hội, góp phần chuyển tải sinh động về kết quả giám sát chuyên đề”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng trình bày báo cáo. |
Theo ông, phiên họp thảo luận về nội dung này tuy không được phát thanh, truyền hình trực tiếp nhưng là phiên thảo luận mở, các phóng viên báo chí được trực tiếp theo dõi, đưa tin tại Trung tâm Báo chí kỳ họp.
Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019. Việc xem xét báo cáo này sẽ được kết hợp thảo luận với các nội dung về: việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; xem xét, quyết định việc bổ sung danh mục dự án mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020.
Quốc hội cũng sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Dự kiến phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, tiến hành theo quy định chất vấn theo nhóm vấn đề, được lựa chọn dựa trên ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV sẽ khai mạc ngày 20-5; dự kiến bế mạc ngày 14-6.
Chất vấn 2,5 ngày như thông lệ
Tại buổi họp báo, các phóng viên báo chí đã đặt câu hỏi đối với Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc về những nội dung nổi bật của kỳ họp lần này? Hình thức chất vấn trong 2,5 ngày và theo nhóm vấn đề thì có gì thay đổi so với kỳ họp gần đây nhất?
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây là kỳ họp đầu năm, cho nên trọng tâm liên quan đến vấn đề lập pháp. Theo đó, Quốc hội dành 60% thời lượng kỳ họp cho vấn đề lập pháp, thông qua 7 dự án Luật, 2 Nghị quyết và cho ý kiến 9 dự án luật khác. “Khối lượng dự án luật khá nhiều, do đó đây là trọng tâm của kỳ họp. Thời gian còn lại liên quan đến chất vấn, giám sát chuyên đề và quyết định các vấn đề quan trọng”, ông Phúc nói.
Tổng Thư ký Quốc hội trả lời báo chí. |
Về hình thức chất vấn, theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định chỉ kỳ họp cuối năm và ở giữa nhiệm kỳ, hoặc kỳ họp cuối năm và cuối nhiệm kỳ thì mới tổ chức chất vấn như Kỳ họp thứ 6 vừa qua: Tất cả các thành viên Chính phủ đều trả lời khi các ĐBQH có hỏi về những nội dung xem xét việc thực hiện Nghị quyết chất vấn của các thành viên Chính phủ; xem xét giám sát các báo cáo của TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước, thực hiện các Nghị quyết giám sát của Quốc hội, tức chất vấn không giới hạn.
“Ngoài ra các kỳ họp khác thì tổ chức chất vấn như thông lệ. Do đó, Kỳ họp thứ 7 này cũng vậy, trên cơ sở những vấn đề thực tiễn, bức xúc, ý kiến của ĐBQH đề xuất các nhóm vấn đề thì Quốc hội lựa chọn ra 4 nhóm vấn đề. Vấn đề liên quan đến thành viên Chính phủ nào thì thành viên đó trả lời trước Quốc hội. Sau đó Quốc hội sẽ ra Nghị quyết về chất vấn…”, Tổng Thư ký Quốc hội cho hay.
Bàn Nghị quyết xử lý lái xe sử dụng rượu bia
Phóng viên báo chí cũng đặt câu hỏi, liệu Quốc hội có xem xét việc ra Nghị quyết để xử lý lái xe sử dụng rượu bia như đề xuất của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tại Phiên họp UBTVQH gần đây hay không? Đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội cung cấp thêm thông tin về các phần mềm mà Quốc hội và ĐBQH sẽ sử dụng trong kỳ họp lần này?
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định trong kỳ họp tới Quốc hội sẽ bàn về đề xuất của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển để xử lý được ngay đối với những người uống rượu bia trong quá trình lái xe. “Về hình thức có thể là Nghị quyết riêng, cũng có thể là Nghị quyết chung”, ông Phúc nói.
Toàn cảnh buổi họp báo |
Về phần mềm cung cấp cho ĐBQH tại kỳ họp này, ông Nguyễn Hạnh Phúc thông tin, đã có những phần mềm hữu ích giúp cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội. Có công ty ủng hộ cho Quốc hội phần mềm phục vụ kỳ họp, bao gồm cung cấp tài liệu kỳ họp, chỗ ngồi, vận tải… cho ĐBQH, nhưng quan trọng nhất là phần mềm giúp ích trong công tác lập pháp.
“Tra cứu phần mềm có thể biết luật này hiện trên thế giới đã có bao nhiêu nước làm rồi. Và so sánh khi luật thông qua thì có điều gì giống nhau, khác nhau với các luật khác”, ông Phúc lấy ví dụ. Phần mềm cũng cung cấp ý kiến cử tri, những nội dung mà Quốc hội đã giải quyết ý kiến cử tri, biết được vấn đề này ý kiến cử tri như thế nào. Về giải quyết ý kiến cử tri, các ý kiến đã được trả lời hết chưa, còn bao nhiêu ý kiến nữa… Do đó không chỉ giúp ích tại kỳ họp mà còn giúp ĐBQH khi đi tiếp xúc cử tri.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, ứng dụng này chỉ có thể sử dụng bằng 1 điện thoại Iphone. Ngồi trong hội trường các đại biểu có thể trao đổi với nhau được, hay có thể yêu cầu cung cấp tài liệu ở thư viện Quốc hội. “Tuy nhiên đây chỉ là phần mềm thí điểm nên vẫn sử dụng song song bản giấy. Việc vận hành phần mềm như thế nào thì phải xem trong thực tế, cuối kỳ họp ĐBQH sẽ có đánh giá, đề nghị điều chỉnh cho hữu ích, khoa học và chúng tôi sẽ tiếp thu”. – ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu.