Quốc tế đánh giá cao nỗ lực bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền của Việt Nam

09:19 23/01/2019
Tại phiên đối thoại về Báo cáo Quốc gia của Việt Nam theo UPR chu kỳ III, nhiều nước đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, bảo đảm việc tiếp cận y tế, giáo dục của người dân.


Ngày 22-1, tại trụ sở Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sĩ), đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung dẫn đầu đã tham gia phiên đối thoại về báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Theo TTXVN, Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định Việt Nam nhìn nhận việc rà soát theo cơ chế UPR là thực hiện nghĩa vụ của một quốc gia thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, đồng thời là cơ hội giới thiệu với cộng đồng quốc tế về chính sách nhất quán, nỗ lực và thành tựu về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam, đối thoại với các đối tác quốc tế để thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung. Ảnh: TNO

Với chủ trương coi con người là mục tiêu và động lực của quá trình đổi mới toàn diện và phát triển đất nước, kể từ lần rà soát trước (năm 2014), Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên các lĩnh vực xây dựng Nhà nước pháp quyền, kiện toàn hệ thống pháp luật về quyền con người, xây dựng chính phủ kiến tạo, phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, báo chí và hội nhập quốc tế.

Tăng trưởng kinh tế được duy trì liên tục trên 6%/năm đã giúp tạo thêm hàng triệu việc làm cho người dân, duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm mạnh từ 9,9% năm 2015 xuống 7,7% năm 2017, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Việt Nam đã và đang tham gia tích cực và có những sáng kiến được ghi nhận tại các cơ chế liên quan đến quyền con người của Liên hợp quốc, đón nhiều Thủ tục Đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền; gia nhập thêm 2 công ước nhân quyền cơ bản là Công ước chống tra tấn (CAT) và Công ước về quyền của người khuyết tật (CRPD).

Phiên rà soát UPR về Việt Nam đã được các nước quan tâm cao với 122 nước tham gia đối thoại và phát biểu. Các nước ghi nhận các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị UPR, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, bảo đảm an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo và quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, bảo đảm các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

Các nước đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong đảm bảo tiếp cận giáo dục cho trẻ em ở mọi vùng miền. 

Nhiều nước đang phát triển đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, bảo đảm việc tiếp cận y tế, giáo dục của người dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Phiên họp diễn ra trong không khí đối thoại cởi mở, thẳng thắn và thực chất. Các nước hoan nghênh và mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục các nỗ lực đối thoại và hợp tác quốc tế về quyền con người, qua đó đóng góp hơn nữa vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên phạm vi quốc tế.

Nhiều nước cũng đánh giá Báo cáo quốc gia và phần trình bày của đoàn Việt Nam có chất lượng tốt, cung cấp thông tin đầy đủ, toàn diện về tình hình đảm bảo quyền con người ở Việt Nam; cho rằng Việt Nam đã có cách tiếp cận tích cực, cởi mở và minh bạch trong quá trình soạn thảo Báo cáo UPR.

Đoàn Việt Nam đã trả lời nhiều câu hỏi, cung cấp thêm nhiều thông tin về chính sách, luật pháp, thực tiễn bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam, những nỗ lực đóng góp vào hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này và trên các vấn đề được các quốc gia thành viên quan tâm.

Kết thúc Phiên đối thoại, Việt Nam nhận được các khuyến nghị, với nội dung đa dạng, đề cập đến tất cả các lĩnh vực quyền con người. Nhiều khuyến nghị thể hiện sự đánh giá tích cực về những thành tựu Việt Nam đạt được trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, vì vậy đề nghị Việt Nam tiếp tục phát huy các chính sách, biện pháp đã thực hiện; đề xuất thêm một số vấn đề được quan tâm.

Tại một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Ảnh: UN

Dự kiến, Nhóm công tác về UPR sẽ nhóm họp trở lại vào chiều 25-1 để xem xét thông qua Báo cáo về kết quả rà soát UPR đối với Việt Nam trình Hội đồng Nhân quyền chính thức thông qua vào tháng 6-2019.

Bản Báo cáo quốc gia của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 17-10-2018 và nộp lên Hội đồng nhân quyền sau đó 5 ngày, là sản phẩm của quá trình xây dựng một cách công phu, với sự tham gia tích cực của 18 Bộ, ngành, cơ quan có liên quan đến việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người ở Việt Nam, đồng thời tuân thủ đầy đủ các quy định và hướng dẫn của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc về tiến trình UPR. Bản Báo cáo mô tả đầy đủ những thành tựu cũng như thách thức, tồn tại, đồng thời đề xuất các hướng ưu tiên trong thời gian tới để đảm bảo sự thụ hưởng tốt nhất các quyền và tự do cơ bản của mỗi người dân.

Tại UPR chu kỳ thứ II (tháng 2-2014), Việt Nam đã chấp thuận 182 khuyến nghị trong tổng số 227 khuyến nghị nhận được từ các thành viên. Từ đó đến nay, Việt nam đã thực hiện được 175 khuyến nghị, chiếm 96,2%. Để triển khai các khuyến nghị này, Việt Nam đã xây dựng một kế hoạch tổng thể, với trách nhiệm cụ thể được phân công cho từng Bộ, ngành liên quan.

UPR là cơ chế do Hội đồng Nhân quyền thành lập từ năm 2008 nhằm rà soát định kỳ tình hình bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc trên tinh thần bình đẳng, đối thoại xây dựng.


Thiện Minh

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文