Rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng

07:44 19/12/2018
Ngày 18-12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã họp, cho ý kiến về việc ban hành Chỉ thị của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp.


*Cần tránh khuynh hướng cầu toàn hay nóng vội trong thực hiện Nghị quyết số 18, 19 Khóa XII.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Kế hoạch số 04-KH/TW của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Chỉ thị của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng”.

Trong quá trình xây dựng Chỉ thị, Ban Tổ chức Trung ương đã nghiên cứu báo cáo của 68 tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương để hoàn thiện dự thảo.

Trong những năm qua, các cấp ủy đảng đã quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng, phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên. Tính đến ngày 31-12-2017, toàn Đảng có 4.921.129 đảng viên, sinh hoạt ở 270.046 chi bộ thuộc 57.794 tổ chức cơ sở đảng.

Đại đa số đảng viên có ý chí rèn luyện, chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công tác kết nạp đảng viên đã đạt nhiều kết quả quan trọng, số đảng viên mới được kết nạp tăng nhanh.

Từ năm 2011 đến năm 2017, toàn Đảng kết nạp được 1.461.701 đảng viên, bình quân mỗi năm kết nạp 209.572 đảng viên. Chất lượng và cơ cấu đảng viên chuyển biến theo hướng tích cực, tỷ lệ đảng viên trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số, người theo tôn giáo ngày càng tăng; trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ được nâng lên.

Việc rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng được các cấp ủy tiến hành thường xuyên, nghiêm túc. Từ năm 2011 đến năm 2017, toàn Đảng đã sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng bằng hình thức xóa tên 50.938 đảng viên, trong đó xóa tên do vi phạm 38.519 đảng viên, chưa kể 12.499 đảng viên bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng.

Việc rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng có chiều hướng gia tăng: Năm 2011 là 6.005 đảng viên, năm 2013 là 7.413 đảng viên, năm 2015 là 6.458 đảng viên, năm 2017 là 9.822 đảng viên...

Các ý kiến phát biểu tại phiên họp cơ bản nhất trí việc ban hành Chỉ thị về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đảng viên; nhấn mạnh cần coi trọng chất lượng đảng viên, kiên quyết xóa tên những đảng viên không còn thiết tha với đảng, thường xuyên vắng mặt ở nơi cư trú, chuyển sinh hoạt đảng nhưng không nộp hồ sơ vào nơi đến…

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Công tác đảng viên có nhiều khâu: Giáo dục, rèn luyện, quản lý, sàng lọc. Lâu nay, công tác cán bộ đã được bàn nhiều, nhưng công tác đảng viên còn ít bàn đến, mặc dù đó là công tác rất quan trọng. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dân số nước ta có 25 nghìn người thì có 5 nghìn đảng viên, vậy mà Đảng đã lãnh đạo cách mạng thành công. Bây giờ cả nước có hơn 90 triệu dân, trong đó có khoảng 5 triệu đảng viên, đông nhưng không mạnh chính là vì chất lượng đảng viên.

Trước hết là về tư tưởng chính trị, có trung thành tuyệt đối với Đảng, với đất nước, với nhân dân không; phẩm chất đạo đức có gương mẫu đi đầu, đi trước thiên hạ, vui sau thiên hạ hay không... Chính vì vậy, Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII đã đặt vấn đề nâng cao chất lượng đảng viên, đây là vấn đề rất cần thiết, cấp bách. “Đảng viên tốt mới có cán bộ tốt, chi bộ tốt thì đảng mới mạnh, mới lãnh đạo đất nước phát triển”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chính vì vậy, cần nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên; sàng lọc, rà soát, kiên quyết đưa ra khỏi đảng những đảng viên không còn đủ tư cách, động cơ mục đích không trong sáng, vào đảng không phải để chiến đấu hy sinh, mà để được đề bạt, lên lương, thăng quan tiến chức…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Nội dung Chỉ thị phải sắc sảo, mạnh mẽ, có tính chiến đấu cao, phân tích rõ bối cảnh tình hình hiện nay, những tác động mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường; sự chống phá của các thế lực thù địch; tình trạng đảng viên đông mà không mạnh; từ đó thấy rõ sự cần thiết ban hành Chỉ thị.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ: Muốn đảng mạnh, trước hết mỗi đảng viên phải tốt; muốn vậy phải làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên, sàng lọc, xử lý những đảng viên vi phạm, chống cho được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, thà ít mà tốt còn hơn đông nhưng không mạnh, hữu danh vô thực…        

l Cùng ngày, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã họp, cho ý kiến về kết quả 5 đoàn của Ban Bí thư kiểm tra việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII và Kết luận số 64 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp.

Thực hiện chương trình kiểm tra năm 2018, Ban Bí thư đã cử 5 đoàn kiểm tra tại 15 cấp ủy và tổ chức đảng về việc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 18 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19 về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập, gắn với Kết luận số 64 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra của 5 đoàn cho thấy, các cấp ủy, tổ chức đảng hoan nghênh Nghị quyết số 18, 19 của Trung ương, cho rằng việc ban hành 2 nghị quyết này là đúng đắn, kịp thời và đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện gắn với Kết luận số 64, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Sau một năm thực hiện, các cấp ủy, tổ chức đảng đã thí điểm thực hiện một số mô hình tổ chức bộ máy, cán bộ kiêm nhiệm chức danh; sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và đầu mối bên trong hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp công lập, giảm được nhiều đơn vị trung gian, bước đầu khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý… Các cấp ủy, tổ chức đảng đã quyết liệt vào cuộc triển khai thực hiện nghị quyết và đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc giảm biên chế, giảm đầu mối tổ chức.

Hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập cơ bản đã được quy hoạch, hướng tới tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập và chủ trương xã hội hóa cung ứng dịch vụ công đã có tác dụng tích cực… Công tác xây dựng đề án vị trí việc làm, tinh giản biên chế được quan tâm và đạt nhiều kết quả khả quan. Công tác kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện nghị quyết được quan tâm, kịp thời phản biện, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện.

Kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhất trí với các ý kiến phát biểu trước đó, đánh giá cao ý nghĩa của việc ban hành các Nghị quyết và kết quả đạt được theo báo cáo của 5 đoàn kiểm tra. Nhìn chung, các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện các Nghị quyết, Kết luận đúng kế hoạch, kịp thời. Báo cáo kết quả của 5 đoàn kiểm tra đã tổng hợp tình hình, nêu các kiến nghị, đề xuất để Ban Bí thư cho ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, làm tốt hơn trong thời gian tới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: Tinh gọn bộ máy, biên chế là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, nên phải có thời gian để thực hiện. Việc kiểm tra bước đầu có tính chất thúc đẩy công việc, tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động khẩn trương, quyết liệt, cho một số kết quả cụ thể, qua đó phát hiện một số vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ, uốn nắn để làm tốt hơn.

Qua kiểm tra ở 15 cấp ủy, tổ chức đảng cho thấy có những việc còn đúng trong thực tế, có những việc cần điều chỉnh uốn nắn. Việc quán triệt nghị quyết, nâng cao nhận thức cần tiếp tục làm tốt hơn, ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể, cần thiết, tháo gỡ vướng mắc…

Thực tế đã bộc lộ hai khuynh hướng: cầu toàn và nóng vội; cần tránh hai khuynh hướng này trong quá trình chỉ đạo thực hiện, phải làm chắc chắn, bài bản, hiệu quả cụ thể, không để xảy ra lộn xộn. Cần tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị, giảm trung gian, giảm biên chế, giảm cấp phó…; đồng thời tính toán giải quyết, cán bộ dôi dư thì đi đâu? sáp nhập thì cơ sở vật chất thế nào? Tinh thần là cái gì đã chín, đã rõ thì làm, cái gì khó khăn, vướng mắc thì tiếp tục tháo gỡ, giải quyết.

Ban Bí thư đã thống nhất ra Thông báo kết luận về kết quả kiểm tra ở 15 cấp ủy, tổ chức đảng, trong đó nêu rõ những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề nổi cộm cần giải quyết, từ đó rút kinh nghiệm chung, lưu ý cảnh báo cho các địa phương khác.

Ban Bí thư giao Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục làm đầu mối, chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng, theo dõi, đôn đốc, tham mưu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến quá trình tổ chức thực hiện các Nghị quyết.

PV

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文