Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã: Cần tính toán, thận trọng

14:55 17/12/2019
 Sáng 17-12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc Phiên họp thứ 40 thảo luận, cho ý kiến về các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Long An và việc thành lập TP Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông.


3 đơn vị hành chính cấp huyện, 24 cấp xã đề nghị chưa sắp xếp

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày, sẽ có 324 đơn vị cấp xã và 4 đơn vị cấp huyện tiến hành sắp xếp theo Đề án của 11 tỉnh, thành phố. Đây đã là đợt thứ ba UBTVQH xem xét, thông qua các Nghị quyết về sắp xếp các huyện, xã của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngoài ra, Chính phủ cũng trình UBTVQH thông qua việc thành lập phường Quảng Thành thuộc thị xã Gia Nghĩa và thành lập TP Gia Nghĩa của tỉnh Đắk Nông.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ thì trong số 11 tỉnh, thành phố trình Đề án lần này, có 3 đơn vị hành chính cấp huyện (huyện đảo Cô Tô, huyện đảo Cồn Cỏ và thị xã Quảng Trị) và 24 đơn vị cấp xã thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 nhưng Chính phủ và địa phương đề nghị chưa thực hiện sắp xếp do những lý do đặc thù về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, trong số 11 tỉnh đề nghị sắp xếp lần này, số lượng các đơn vị hành chính sau sắp xếp chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định khá lớn, với 76 đơn vị. Cơ quan thẩm tra đề nghị UBTVQH yêu cầu Chính phủ lưu ý, quán triệt trong quá trình chuẩn bị Đề án trình UBTVQH phải hướng dẫn địa phương xây dựng phương án bảo đảm đạt tiêu chuẩn theo quy định, tránh trường hợp phải sắp xếp tiếp trong giai đoạn sau, gây ảnh hưởng, xáo trộn, mất ổn định của đơn vị hành chính.

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ủng hộ việc cần thận trọng, chưa nên nóng vội trong sắp xếp các huyện, xã tại một số địa phương thuộc diện phải sắp xếp như Hà Giang, Quảng Ninh, Quảng Trị. Bởi khác với các xã đồng bằng, một xã miền núi vùng cao như Hà Giang “đi cả ngày không hết”, còn liên quan phong tục tập quán, cộng đồng dân cư nên việc sắp xếp không đơn giản. Riêng đối với thị xã Quảng Trị chưa nên sắp xếp vì đây là địa danh gắn liền với yếu tố lịch sử, cách mạng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thảo luận tại phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị tính toán kỹ về vị trí đặt trung tâm xã, tên gọi của xã mới, việc sử dụng tài sản, cơ sở vật chất liên quan… sau khi sáp nhập các xã để không gây ra “tranh cãi”, lãng phí nguồn lực. 

“Quý 1-2020 các xã bắt đầu Đại hội Đảng cấp cơ sở rồi. Vậy khi hợp nhất thì quỹ thời gian có đủ cho việc chuẩn bị Đại hội hay không? Hai xã sáp nhập vào thì báo cáo chính trị ai làm, rồi hợp nhất HĐND, chính quyền địa phương trong thời gian ngắn như vậy có tác động gì không?”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn.

Ông cũng lo ngại việc sắp xếp cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập, điều động cán bộ xã này sang xã kia thì anh em có đi không. “Cần đánh giá kỹ vì anh em rất khó xử lý cái này. Chúng ta cho cộng dồn số biên chế nhưng còn phân công công việc. Bây giờ cứ một việc mà tới 2 người làm”, Tổng Thư ký Quốc hội lưu ý.

Cuối 2022 hoàn thành việc bố trí cán bộ dôi dư

Phát biểu giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, một số đơn vị nằm trong diện phải sắp xếp mà tỉnh đề nghị chưa sắp xếp trong giai đoạn này thì Bộ Nội vụ đều đã xuống làm việc với địa phương và thống nhất là chưa sắp xếp trong đợt này.

Đối với việc chọn trụ sở các huyện, xã sau sáp nhập, tên gọi, sử dụng cơ sở vật chất như trường học, trạm y tế… ông khẳng định đều đã có trong Đề án của các địa phương. “Hầu hết lấy cơ sở vật chất cũ để tiếp tục sử dụng chứ không xây dựng mới. Trong 2, 3 xã sáp nhập thì phương án là chọn vị trí trung tâm”, ông Tân thông tin.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Đối với với vấn đề giải quyết cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay đang thực hiện theo 4 chính sách gồm: Giải quyết chế độ cho thôi việc; không tái cử với cán bộ cấp xã; tinh giản biên chế và cho phép địa phương ban hành chính sách riêng từ nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ người thuộc diện sắp xếp.

“Thời gian sắp xếp cán bộ là 5 năm từ ngày Nghị quyết của UBTVQH có hiệu lực. Theo Đề án mà các địa phương xây dựng trình lên thì tới cuối năm 2022 hoàn thành việc sắp xếp cán bộ tại các đơn vị sáp nhập” – Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Tại phiên họp, UBTVQH đã đồng ý thông qua 12 Nghị quyết phê duyệt Đề án sắp xếp các huyện, xã của 11 tỉnh gồm: Hòa Bình, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Long An và đề án thành lập thành lập phường Quảng Thành thuộc thị xã Gia Nghĩa và thành lập TP Gia Nghĩa của tỉnh Đắk Nông.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu giải trình thêm.

Theo đó, tỉnh Hòa Bình sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của huyện Kỳ Sơn với TP Hòa Bình và sắp xếp 106 đơn vị cấp xã, giảm 59 xã sau sáp nhập. Tỉnh Hà Giang sẽ sắp xếp 4 đơn vị cấp xã, giảm 2 đơn vị (còn 12 xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng đề nghị chưa sắp xếp trong giai đoạn 2019-2020).

Tỉnh Phú Thọ sắp xếp 80 đơn vị, giảm 52 đơn vị. Tỉnh Hà Nam sắp xếp 12 đơn vị cấp xã, giảm 7 đơn vị đồng thời thành lập thị xã Duy Tiên và thị trấn Tân Thanh thuộc huyện Thanh Liêm.

Tỉnh Quảng Ninh nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long và sắp xếp 16 đơn vị cấp xã, giảm 9 đơn vị cấp xã. Riêng huyện đảo Cô Tô thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 nhưng tỉnh Quảng Ninh đề nghị không sắp xếp do nằm biệt lập với đất liền.

Tỉnh Nghệ An sắp xếp 39 đơn vị, giảm 20 đơn vị cấp xã. Tỉnh Thừa Thiên – Huế sắp xếp 14 đơn vị cấp xã, giảm 7 đơn vị. Tỉnh Lâm Đồng sắp xếp 10 đơn vị cấp xã, giảm 5 đơn vị so với hiện nay. Tỉnh Đồng Tháp sắp xếp 2 đơn vị, giảm 1 đơn vị.

Tỉnh Quảng Trị sắp xếp 33 đơn vị để giảm 16 đơn vị cấp xã. Tỉnh này có huyện đảo Cồn Cỏ và thị xã Quảng Trị đề nghị không sắp xếp trong đợt này do huyện đảo Cồn Cỏ nằm biệt lập với đất liền, còn thị xã Quảng Trị có các yếu tố đặc thù như truyền thống lịch sử, cách mạng, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội… Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị đã có chủ trương trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ xem xét mở rộng địa giới hành chính thị xã Quảng Trị.


An Quỳnh

Đối tượng mạo danh là “Trưởng phòng Công an TP Đà Nẵng”, sau đó thông báo số điện thoại của nạn nhân liên quan đến việc làm ăn phi pháp; đồng thời đe dọa, yêu cầu nạn nhân cầm sổ đỏ và chuyển tiền để chứng minh mình không vi phạm. Hậu quả, nạn nhân sập bẫy Công an giả sau 2 lần chuyển tổng cộng mất hơn 2 tỷ đồng...

Tại cơ quan điều tra, Luận khai nhận, 1 quả thận được Luận mua với giá từ 380 triệu đến 450 triệu đồng, sau đó môi giới bán cho người mua có nhu cầu ghép thận với giá dao động từ 1 tỷ đến 1,45 tỷ đồng. Trong khi Luận đang tổ chức ca môi giới ghép thận vào ngày 20/12/2024 thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.

Đây là ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ tại Hội nghị triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; triển khai bệnh án điện tử, thúc đẩy kết nối, liên thông dữ liệu giữa Bệnh viện Bạch Mai với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và đẩy mạnh triển khai các nội dung của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chiều 23/12.

Trước những dấu hiệu bất thường liên quan đến việc lập, phê duyệt quy hoạch, thực hiện dự án Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Lâm Bình (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu địa phương này làm rõ, đồng thời có văn bản báo cáo Thanh tra Bộ trước ngày 25/12/2024.

Nam thanh niên khai tên là Nguyễn Trần Huy, SN 2007, trú tại thôn Lê, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang trên đường chở pháo về thì bị CSGT phát hiện, bắt giữ.

Ngày 24/12, tại Công an tỉnh Tuyên Quang, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện xu hướng dịch chuyển của tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự lên không gian mạng”. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Bộ Công an chủ trì Hội thảo.

Năm 2024 ghi dấu mốc quan trọng với việc 19 tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh (SXKD), bảo đảm vai trò của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong việc phục hồi phát triển kinh tế, xã hội (KTXH), bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cung ứng điện, than, xăng dầu... cho phát triển KTXH, bảo toàn vốn và các nguồn lực Nhà nước giao.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文