Sự gian giả nấp sau ngôn từ phúc trình
Trước hết, nói về chủ đề mà HRW đề cập: vấn đề nhục hình trong hoạt động tiến hành tố tụng. Bức cung, nhục hình, cũng như các hình thức tra tấn, xâm hại đến quyền con người (dù đó là người bị pháp luật hạn chế một số quyền công dân) đều là hành vi phạm pháp. Hiến pháp và nhiều đạo luật của Việt Nam đã quy định rõ điều này; các cơ quan lập pháp, tư pháp ở Việt Nam cũng nhìn thẳng những thực tại để chấn chỉnh. Hôm 11-9, tức trước thời điểm HRW công bố bản phúc trình gần 1 tuần thì Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng tổ chức phiên giải trình đề cập vấn đề này, những tồn tại được “mổ xẻ” làm rõ. Vậy thì lĩnh vực mà HRW đề cập cũng là vấn đề các cơ quan lập pháp, tư pháp ở Việt Nam quan tâm, không hề có “vùng cấm” như một số ngữ điệu họ đưa ra.
Nhưng cách liệt kê để làm “dẫn chứng” và quy kết của HRW lại trái ngược với sự thật khi đưa cả những vụ việc mà cơ quan chức năng đã làm rõ can phạm chết là do tự sát chứ không liên quan đến bức cung, nhục hình. Còn những vụ việc can phạm chết có liên quan đến việc Công an dùng nhục hình thì trên thực tế đã được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và xử lý (như vụ 5 sĩ quan Công an ở Phú Yên dùng nhục hình dẫn tới cái chết của ông Ngô Thanh Kiều). Liên quan vấn đề này, các cơ quan tư pháp ở Việt Nam cũng đã nhìn nhận rõ thực trạng, nguyên nhân, trong đó ở từng vụ việc cụ thể đã được cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, những cá nhân phạm pháp phải chịu các hình phạt tương ứng. Các cơ quan tư pháp, trong đó có cơ quan điều tra đã nghiêm túc nhìn thẳng thực trạng này, xác định rõ những yêu cầu cần khắc phục, chấn chỉnh chứ không phải là việc “né tránh” hay bao che, dung túng như vu cáo của HRW.
Tại phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp về việc chấp hành pháp luật trong thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình của cơ quan điều tra chuyên trách trong hoạt động điều tra vụ án hình sự, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại này: “Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình và việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm của cơ quan điều tra các cấp trong CAND cũng còn một số hạn chế, thiếu sót, cá biệt ở nơi này, nơi khác còn xảy ra một số trường hợp oan, sai, bức cung, nhục hình, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng, gây bức xúc trong dư luận”. Bộ trưởng cũng khẳng định, đối với những trường hợp cán bộ, chiến sĩ Công an có hành vi vi phạm trong hoạt động điều tra tội phạm, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án và các cơ quan chức năng xem xét, làm rõ và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật...
Việc HRW nói rằng chính luật lệ của Việt Nam đã tiếp tay gây ra tệ trạng “công an bạo hành” càng cho thấy sự quy chụp nghiêm trọng. Hay HRW tù mù về luật pháp Việt Nam, dù những văn bản này có đủ trên mạng. Khoản 1, Điều 20 Hiến pháp 2013 ghi rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Bộ luật Hình sự cũng quy định rõ tội danh dùng nhục hình với chế tài xử phạt nghiêm khắc. Trên bình diện quốc tế, cam kết của Nhà nước Việt Nam là chống lại mọi hành vi tra tấn, nhục hình và đối xử tàn bạo trong điều tra, xét xử được thể hiện rõ qua việc ký kết Công ước Liên hiệp quốc về chống tra tấn từ tháng 11 năm ngoái. Theo đó, một khi có hành vi tra tấn hay nhục hình thì sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật Việt Nam và điều này được làm rõ trong thực tế.
HRW để được mọi người tôn trọng thì trước nhất cần tôn trọng người khác, tôn trọng tổ chức, quốc gia khác. Xa lộ thông tin giờ ngụy biện sao giấu mãi được mặt, nhất là khi sự gian giả lại nấp sau các chữ có tính khoa học như phúc trình, báo cáo...