Tai nạn giao thông khiến Việt Nam thiệt hại khoảng 2,9% GDP
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, việc giảm TNGT vẫn chưa bền vững, vẫn còn xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, năm 2017 vẫn có gần 8.300 người chết và trên 17.000 người bị thương vì TNGT. Theo ước tính của ADB, thiệt hại kinh tế vì TNGT của Việt Nam hàng năm chiếm khoảng 2,9% GDP, đây thực sự là một thách thức, một gánh nặng đối với nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội.
Vì vậy, việc thực hiện các giải pháp nhằm giảm TNGT, hướng tới một xã hội không còn tử vong do TNGT không những là nhiệm vụ có tính quốc tế, nhiệm vụ của mỗi quốc gia và các cơ quan chuyên môn về an toàn giao thông, mà còn là nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân và của mỗi người dân.
Đại sứ Daniel Kritenbrink cũng chia sẻ: “Thương vong do TNGT là một trong những rủi ro, nguy hiểm lớn nhất (theo WHO là rủi ro thứ 4 đối với người dân). Ở Việt Nam, thương vong chủ yếu rơi vào thế hệ trẻ, là những nhân lực chính của tương lai”.
Theo ngài Đại sứ, ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, rất nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, trong đó đặc biệt là ý thức người tham gia giao thông, có rất nhiều người vừa lái xe vừa nghe điện thoại, không chấp hành Luật Giao thông, lái xe sau khi sử dụng rượu, bia…
Để có thể thay đổi văn hóa lái xe ở Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung cần rất nhiều thời gian và biện pháp khác nhau. Trong đó, chúng ta có thể sử dụng những công nghệ mới để góp phần kéo giảm TNGT, bảo vệ người dân khỏi TNGT.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các báo cáo về chính sách quản lý của nhà nước giúp tăng cường an toàn đường bộ tại Việt Nam hiện nay; Tình hình TNGT đường bộ và các giải pháp quản lý tại Hoa Kỳ; Công nghệ giúp giảm tỷ lệ tử vong do TNGT đường bộ, đề xuất cho Việt Nam.
Các đại biểu cũng tham gia thảo luận thực tiễn việc triển khai công tác ATGT tại Việt Nam và thế giới…