Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan
- Việt Nam – Thái Lan tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm
- Việt Nam – Thái Lan tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh
Quốc hội Việt Nam tham gia tích cực, có trách nhiệm với AIPA
Chủ đề chung của Đại hội đồng AIPA 40 là: “Thúc đẩy quan hệ đối tác nghị viện vì Cộng đồng bền vững”, phù hợp với chủ đề chung của ASEAN năm nay: “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững”. Chủ đề thể hiện thông điệp xuyên suốt của AIPA và mong muốn của nước chủ nhà Thái Lan là phát triển AIPA trở thành một đối tác quan trọng cùng ASEAN trong tiến trình xây dựng Cộng đồng vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng.
Để thực hiện chủ đề nêu trên, Thái Lan, Chủ tịch ASEAN 2019 tích cực triển khai gói sáng kiến toàn diện bền vững gồm xây dựng tầm nhìn của các lãnh đạo ASEAN về đẩy mạnh quan hệ đối tác bền vững, phúc lợi xã hội, tuổi già năng động và sáng tạo, thúc đẩy Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc năm 2030.
Những hoạt động này là cơ sở để Đại hội đồng AIPA 40 đưa ra một số chủ đề trong chương trình nghị sự gắn kết với những sáng kiến về phát triển bền vững trong ASEAN như: Thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì Cộng đồng ASEAN, hợp tác ASEAN cho Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong ASEAN.
Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu tham dự AIPA 40 nhằm tiếp tục khẳng định sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam đối với các hoạt động của AIPA, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại của Việt Nam. Trọng tâm hoạt động lần này là việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp nhận chức Chủ tịch AIPA từ Chủ tịch Hạ viện Thái Lan theo nguyên tắc luân phiên, tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 vào năm 2020 và các hoạt động khác trong khuôn khổ Năm Chủ tịch AIPA.
Quan hệ Việt Nam-Thái Lan phát triển tốt đẹp
Với dân số trên 69 triệu người, thu nhập bình quân đầu người ở mức 7.588 USD (năm 2018), Thái Lan hiện là nước công nghiệp mới. Chính phủ Thái Lan thực hiện chính sách "hướng xuất khẩu" và ASEAN, Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu là các thị trường xuất khẩu chính. Ngành du lịch cũng đóng vai trò tích cực trong nền kinh tế Thái Lan.
Thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1976, quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt năm 2013, Việt Nam và Thái Lan đã chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai bên đã triển khai hiệu quả Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan giai đoạn 2014-2018 và đang gấp rút hoàn tất nội dung Chương trình hành động giai đoạn 2019-2024.
Về thương mại, Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN trong khi Việt Nam là đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 của Thái Lan trong ASEAN và thứ 7 trên thế giới. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt 17,2 tỷ USD. Hai nước đề ra mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 20 tỷ USD vào năm 2020. Thái Lan là nhà đầu tư lớn thứ 9/126 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với 521 dự án đầu tư có hiệu lực trị giá 10,38 tỷ USD vốn đăng ký. Việt Nam hiện có 17 dự án đầu tư tại Thái Lan với tổng giá trị 29,2 triệu USD.
Thái Lan coi trọng hợp tác trong ASEAN. Việt Nam và Thái Lan phối hợp tốt trong ASEAN, có chung lập trường trong việc xây dựng ASEAN, trong đó có việc giữ vững đoàn kết, nhất trí trong ASEAN, cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực và trong quan hệ với các nước đối tác.
Việt Nam và Thái Lan cùng là thành viên của nhiều cơ chế hợp tác tiểu vùng và là thành viên tham gia tích cực nhất trong các cơ chế hợp tác tiểu vùng. Ngoài ra, trong các lĩnh vực hợp tác khác như lao động, văn hóa, thể thao, du lịch và giao lưu nhân dân... hai nước tăng cường hợp tác chặt chẽ. Hiện nay, Việt kiều tại Thái Lan có khoảng hơn 100.000 người, bà con luôn đoàn kết, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam, có nhiều đóng góp quan trọng cho kinh tế-xã hội sở tại và tích cực hướng về quê hương, đất nước.
Thúc đẩy quan hệ giữa cơ quan lập pháp hai nước
Quan hệ giữa cơ quan lập pháp hai nước không ngừng được thúc đẩy và phát triển tốt đẹp. Hai bên duy trì trao đổi nhiều đoàn cấp lãnh đạo các ủy ban và nghị sỹ, đóng góp tích cực cho quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Thái Lan nói chung.
Về phía Thái Lan, Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện đã thăm Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã thăm Thái Lan trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Hai bên hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn liên nghị viện quốc tế như: Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF), Hội đồng liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA).
Hai nhóm nghị sỹ hữu nghị hai nước cũng có sự giao lưu, trao đổi đoàn và hoạt động hiệu quả. Các nghị sỹ trong Nhóm nghị sỹ hữu nghị Thái Lan-Việt Nam có tình cảm tốt đẹp, thường xuyên vận động Quốc hội và Chính phủ Thái Lan tăng cường quan hệ nhân dân hai nước; có tiếng nói tích cực trong việc vận động Quốc hội, Chính phủ Thái Lan, tạo điều kiện để bà con người Thái gốc Việt định cư, sinh sống và làm ăn ổn định tại Thái Lan; xây dựng và bảo tồn các khu di tích về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Lan.
Trong những lần tiếp xúc gần đây, các nghị sỹ Thái Lan bày tỏ quan tâm thúc đẩy hợp tác trong xuất khẩu gạo; hợp tác đầu tư kinh tế, thương mại, văn hóa-giáo dục, khoa học-kỹ thuật giữa hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng AIPA 40 và thăm chính thức Vương quốc Thái Lan có ý nghĩa quan trọng, thể hiện vai trò của Quốc hội Việt Nam trong diễn đàn AIPA; góp phần khẳng định đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng khu vực và quốc tế, củng cố, tăng cường hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan.