Tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo vệ ngư trường biển
Trong thời gian qua, ngành thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn với mức tăng trưởng nhanh, sản lượng khai thác thủy sản không ngừng tăng cao, góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển này, đã xuất hiện tình trạng ngư dân ta đưa tàu đi khai thác trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế nước ngoài.
Tình trạng này không những ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của ngư dân mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước, việc xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam sang các nước.
Để giảm thiểu tình hình tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18-5-2010, Công điện số 1329/CĐ-TTg ngày 30-8-2012 và gần đây nhất là Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28-5-2017.
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18-5-2010 của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương đã thành lập tổ công tác liên ngành Trung ương và địa phương, tham mưu sửa đổi chính sách, đề ra nhiều biện pháp quản lý.
Kết quả năm 2010 đến 2014 tình hình có giảm. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, tình hình vi phạm có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp nhằm kiềm chế, ngăn chặn tình trạng ngư dân vi phạm vùng đặc quyền kinh tế nước ngoài.
Trước mắt, Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố ven biển tiếp tục quán triệt, tập trung nguồn lực triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18-5-2010, Công điện số 1329/CĐ-TTg ngày 30-8-2012, Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế nước ngoài.
Cùng với đó, các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố phải tham mưu, sửa đổi ngay các quy định phù hợp với các cam kết quốc tế; rà soát sửa đổi các chính sách hiện hành, các quy định để siết chặt công tác quản lý, tăng cường thực thi pháp luật trong quản lý thủy sản để ngăn chặn, giảm thiểu tàu cá và ngư dân vi phạm.
Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn, hạn chế tàu cá vi phạm và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.
Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát bảo vệ ngư trường biển trên vùng đặc quyền kinh tế, vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam.
Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng có các biện pháp đàm phán với các nước về phân định các vùng biển chồng lấn, tiến hành bảo hộ công dân Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế, pháp luật Việt Nam và nước sở tại.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tiếp tục đàm phán, ký kết, thiết lập đường dây nóng giải quyết sự cố nghề cá, chống đánh bắt bất hợp lý với các nước; đàm phán, ký kết một số thỏa thuận hợp tác thủy sản với các nước trong và ngoài khu vực.