Tăng phí thuê vỉa hè, tăng giá gửi xe: Ai hưởng lợi?

18:33 05/12/2017
Trong ngày làm việc thứ 2 (5-12), Kỳ họp thứ 5, HĐND TP Hà Nội khoá XV, nội dung được các đại biểu bàn luận và góp ý nhiều nhất là phương án tăng phí sử dụng diện tích trông giữ ô tô cao nhất là 300% và xe đạp cao nhất là 90.000 đồng/m2/tháng. Mặc dù 100% đại biểu tán thành và thông qua phương án này nhưng đa số đều cho rằng, UBND TP Hà Nội phải siết chặt quản lý để chấn chỉnh tình trạng lạm thu và thất thoát tiền của Nhà nước.

Theo Cục Trưởng cục thuế Hà Nội Nguyễn Thế Mạnh, phương án được UBND TP Hà Nội đề xuất, từ ngày 1-1-2018 tới, mức thu phí sử dụng lòng đường, hè phố để trông giữ tạm thời phương tiện giao thông sẽ được điều chỉnh cả về mức thu và hình thức thu. 

Cụ thể, mức phí sử dụng lòng đường hè phố sẽ tăng khoảng 300% đối với các tuyến cần hạn chế, hầu hết nằm trên 12 tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm. Khu vực này sẽ tăng từ 80.000 lên 240.000 đồng/m2/tháng sử dụng lòng đường trông giữ ô tô; từ 45.000 lên 135.000 đồng/m2/tháng đối với trông giữ xe máy. Ngoài ra, các khu vực tính từ trung tâm thành phố đến vành đai 3 cũng sẽ được điều chỉnh tăng từ 60.000 lên 150.000 đồng/m2/tháng đối với các tuyến phố từ Vành đai 1 đến đô thị lõi (250%); từ vành đai 2 đến vành đai 1 và từ vành đai 3 đến vành đai 2 tăng 130%; giữ nguyên mức phí từ ngoài vành đai 3 đến khu vực ngoại thành. Riêng đối với các điểm ứng dụng công nghệ trông giữ xe thông minh (iPaking), được đề xuất thu phí theo tỷ lệ 30% doanh thu.

Cùng đó, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt mức giá trông giữ phương tiện trên lòng đường, hè phố mới, sẽ được áp dụng chính thức từ ngày 1-1-2018. Cụ thể, xe máy tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/xe/lượt, ô tô tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/xe/lượt. Có những khu vực mức giá trông xe tháng sẽ tăng từ 1.700.000 đồng lên 2.600.000 đồng/ô tô/tháng.

Hà Nội tăng phí sử dụng lòng đường, vỉa hè nhằm hạn chế phương tiện cá nhân

 Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về vấn đề sử dụng khoản thu sau khi điều chỉnh tăng. Đại biểu Hoàng Huy Được, Tổ đại biểu huyện Ba Vì đặt câu hỏi: “Khi tăng phí ai là người sẽ được thụ hưởng và TP sẽ thu về được bao nhiêu tiền từ mức phí này?”. Đại biểu này cũng cho rằng, việc thu phí nhằm tái đầu tư cho lòng đường, vỉa hè là cần thiết nhưng nên cho đấu thầu sử dụng lòng đường, vỉa hè trông giữ phương tiện. Cũng như cần phải minh bạch trong quá trình tăng phí, giá, công khai cụ thể cho người dân tiếp cận, hiểu và đồng thuận. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hoài Nam, lại cho rằng, TP đã thông qua nhóm các giải pháp để giảm thiểu ùn tắc giao thông, trong đó có các biện pháp kinh tế.

 “Không nên đặt vấn đề là thu được bao nhiêu từ việc tăng giá phí mà nên coi đó như giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc cho khu vực trung tâm. Theo tôi, dùng biện pháp kinh tế để điều tiết giao thông là cần thiết”, ông Nam nhấn mạnh. 

Mặc dù vậy, ông Nam cũng cho rằng cần phải siết chặt quản lý để chấn chỉnh lạm thu, hay những tổ chức, cá nhân tự ý lập bãi trông giữ xe trái phép hoặc thu quá giá. Ông Nam cho rằng, việc doanh nghiệp khai thác các điểm trông giữ xe trên địa bàn trung tâm của TP thu nguồn tiền lớn nhưng lại nộp cho Nhà nước khoản tiền rất thấp là bất hợp lý. 

 “Vậy ai thụ hưởng? Xin khẳng định, chỉ những người hoạt động trông giữ xe trái phép thụ hưởng, người dân lưu hành không được thụ hưởng. Nhà nước, cụ thể là TP, cũng không thu được nhiều. Vì thế, TP dứt khoát phải quy hoạch lại điểm đỗ giao thông tĩnh; có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư giao thông tĩnh và giao thông thông minh; đồng thời dứt khoát chấn chỉnh sai phạm của những cá nhân tổ chức các bến bãi và thu trái phép", đại biểu Nguyễn Hoài Nam bày tỏ quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho rằng, doanh nghiệp khai thác các điểm trông giữ xe trên địa bàn trung tâm của TP thu nguồn tiền lớn nhưng lại nộp cho Nhà nước khoản tiền rất thấp là bất hợp lý.

Giải đáp những thắc mắc của đại biểu,  Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải Hà Nội, ông Vũ Văn Viện khẳng định: “Điều chỉnh giá trông giữ phương tiện là để hạn chế phương tiện cá nhân, đặc biệt là khu vực lõi đô thị. Để điều tiết nguồn thu từ giá trông giữ về ngân sách TP, tránh tình trạng người trông giữ trục lợi từ chính sách nên cần thiết phải tăng phí sử dụng hè, đường”, ông Viện cho hay. 

Ông Viện cũng thừa nhận, cho biết hiện giá trông giữ xe theo quy định của TP chỉ là 2.000 đồng đối với xe đạp, 5.000 đồng đối với xe máy và 20.000 - 30.000 đồng đối với ô tô. Tuy nhiên thực tế là các điểm trông giữ đã thu cao hơn từ lâu. Việc tăng giá trông giữ lên tiệm cận với giá thực tế trên thị trường hiện nay là cần thiết.

 Giám đốc Sở Giao thông Vận tải khẳng định, các doanh nghiệp trông giữ xe không được hưởng lợi từ phần tăng phí mà phần này sẽ được điều tiết về ngân sách Nhà nước. Giám đốc Sở cũng nhấn mạnh, phần phí tăng lên không phải lấy mục tiêu thu ngân sách là chính,  mà nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, hướng người dân sử dụng phương tiện giao thông cộng cộng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các điểm đỗ xe tập trung, giảm dần phương tiện đỗ tại hè phố.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện giải trình trước HĐND TP

"Với mức thu hiện nay, tổng số tiền thu được trong năm 2017 là 38,4 tỷ đồng. Nếu mức thu mới được thông qua, số tiền thu được dự kiến sẽ đạt 113 tỷ đồng. Đây là lần tăng để tiệm cận mức giá thị trường. TP sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình tăng phí trong thời gian tới để thực hiện Nghị quyết 04 của HĐND TP với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông", ông Vũ Văn Viện thông tin. 

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có tổng cộng 1.436 điểm trông giữ phương tiện, trong đó Sở Giao thông Vận tải cấp phép 241 điểm; các quận cấp 416 điểm. Các điểm trông giữ phương tiện tại các khu đất, trung tâm thương mại là 751 điểm. Nghị quyết HĐND TP thông qua chỉ quy định tăng phí đối với khu vực lòng đường, vỉa hè được cấp phép, có thu phí. Tất cả các điểm trông giữ trong toà nhà, trung tâm thương mại vẫn giữ mức phí cũ, không tăng thêm. 

Ngọc Yến

Dư luận ở Khánh Hòa đang quan tâm đến thông tin Cơ quan CSĐT Công an TP Nha Trang khởi tố, bắt tạm giam về tội danh “Gây rối trật tự công cộng” đối với Nguyễn Thanh Bình, biệt danh Bình “con” (SN 1972, trú ở 04 Bùi Thị Xuân, phường Tân Tiến, TP Nha Trang) – người đàn ông mặc veston đi xe Mercedes rút kiếm đe dọa công nhân môi trường đô thị ở phố biển Nha Trang.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngày 14/1, tại Hà Nội, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng Đoàn công tác của Bộ đến thăm hỏi, chúc Tết Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an và gia đình.

Sáng 14/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 8 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” xảy ra tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN).

Là doanh nghiệp khai thác, sản xuất nước khoáng thiên nhiên, nhưng khi thực hiện thuế tài nguyên, La Vie xác định ưu đãi thuế và tính thuế chưa đúng, dẫn đến số tiền bị truy thu lên tới trên 61,5 tỷ đồng cho giai đoạn từ năm 2016 đến 2020.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2025, lực lượng chức năng liên tục thu giữ số lượng lớn thực phẩm “bẩn” như nội tạng động vật, thịt bò, xúc xích... thu mua trôi nổi đang được tập kết tại các kho hàng, xưởng sản xuất để đưa ra thị trường tiêu thụ. Hầu hết những loại thực phẩm này đều đã bốc mùi hôi thối thậm chí lên mốc, đổi màu, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe người tiêu dùng. 

Sau khi thu hồi đất phục vụ dự án đường cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ qua địa bàn, Ban giải phóng mặt bằng (GPMB) các huyện Gio Linh, Cam Lộ và Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã khẩn trương xây dựng các khu tái định cư (TĐC) cho người dân bị ảnh hưởng. Những ngày này, bà con đang gấp rút hoàn thiện nhà mới, chuẩn bị đón Tết Ất Tỵ…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.