Tăng trưởng 2017 khó đạt mức 6,7% đề ra
- ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm 2017
- Phân công chuẩn bị Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
- Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về thôi làm đại biểu Quốc hội với ông Võ Kim Cự
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng
Tăng trưởng 2016 chỉ đạt 6,21%
Tại Kỳ họp thứ 2 diễn ra vào tháng 10 năm ngoái, trên cơ sở kết quả thực hiện 9 tháng, Chính phủ đã báo cáo ước thực hiện cả năm 2016. Đến nay, kết quả đánh giá lại cho thấy không có sự thay đổi nhiều so với số liệu đã báo cáo. Trong số 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, có 11 chỉ tiêu đạt và vượt, 2 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 đạt 6,21% thấp hơn so với kế hoạch đề ra, thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 ước đạt 6,3-6,5%. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho rằng: Nguyên nhân căn bản khiến cho GDP đạt thấp là do cơ cấu kinh tế chưa có chuyển biến mạnh, thiếu liên kết và thực lực doanh nghiệp trong nước yếu, chưa đủ sức cạnh tranh. Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ làm rõ tính xác thực của các số liệu khi hầu hết các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường đều đạt và vượt, nhưng chỉ tiêu GDP lại đạt thấp.
Trong phiên làm việc này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng có báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách 2016 |
Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 9%, tuy cao hơn so với số báo cáo tại Kỳ họp thứ 2 (ước tăng khoảng 6-7%) nhưng vẫn thấp hơn theo Nghị quyết của Quốc hội (tăng khoảng 10%). Nguyên nhân được nhận định do khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam còn thấp, phụ thuộc vào FDI, xuất khẩu chưa tận dụng được các cơ hội mở cửa thị trường từ Cộng đồng kinh tế ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực.
Năm 2016 đã có 56 DNNN được phê duyệt phương án cổ phần hóa, được đánh giá là rất thấp so với trung bình 118 doanh nghiệp được cổ phần hóa mỗi năm trong giai đoạn 2011-2015. Ủy ban Kinh tế cho rằng cần thực hiện quyết liệt hơn nữa Đề án tái cơ cấu DNNN để sớm giải phóng nguồn lực của DNNN, nâng cao thực chất quản trị doanh nghiệp thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển.
Bài học từ sự cố môi trường của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra tại 4 tỉnh miền Trung cho thấy những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài, đặt ra cho các cơ quan chức năng, các địa phương cần đặc biệt lưu ý tiêu chí bảo vệ môi trường trong lựa chọn các dự án đầu tư, kiên quyết không đánh đổi, cho phép đầu tư các dự án, các loại hình sản xuất ô nhiễm. Tác động của biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều hiện tượng thiên tai khó lường đã gây thiệt hại nặng nề về người và sản xuất nông, lâm, thủy sản với mức thiệt hại ước tính trong năm 2016 lên đến 37.650 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD) - đây là con số cao nhất từ trước tới nay. Nhiều ý kiến đề nghị cần có đánh giá kỹ, toàn diện để chủ động có giải pháp kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là các giải pháp về nguồn lực.
Năng suất lao động xã hội năm 2016 ước đạt 84,5 triệu đồng/lao động (tương đương 3.853 USD/lao động) tăng 5,3% so với năm 2015 cho thấy tiếp tục có sự cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn ở mức thấp so với các nước ASEAN. Nguyên nhân chủ yếu là do chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động trong khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ lệ cao (41,9%) là khu vực có năng suất lao động thấp.
Cân nhắc kỹ việc tăng khai thác dầu hỗ trợ tăng trưởng
Nhận định tình hình 4 tháng đầu năm 2017, Ủy ban Kinh tế cho rằng kinh tế - xã hội vẫn bộc lộ một số khó khăn, thách thức. Tăng trưởng chưa thực sự bền vững, ước quý I/2017 tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây. Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình khoảng 7%, nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%.
Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng mà tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng tăng trưởng bảo đảm bền vững; cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động đến các chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách... Bên cạnh đó cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng trong nước nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.
Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm tăng 15,4% so với cùng kỳ và dự báo sẽ đạt chỉ tiêu tăng khoảng 6-7%. Tuy nhiên, tốc độ nhập khẩu 4 tháng tăng 24,9% so với cùng kỳ, đây là mức tăng rất cao so với các năm gần đây. Có ý kiến lo ngại con số nhập siêu quá cao, chiếm đến 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu đã cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao, vì vậy, cần phải xem xét kỹ những tác động đến tỷ lệ nhập siêu để có hướng điều chỉnh linh hoạt, giữ mức nhập siêu theo Nghị quyết của Quốc hội...