Tăng trưởng kinh tế 2018 còn nhiều thách thức
- Tăng năng suất có vai trò quyết định đối với tăng trưởng GDP
- GDP tăng vượt bậc nhưng chúng ta phải thận trọng!
- Thủ tướng: Bảo đảm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP
GDP tăng cao nhất trong 7 năm gần đây
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016. Trong mức tăng 6,81% của toàn nền kinh tế, khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản phục hoofi đáng kể với mức tăng 2,9%, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8% và khu vực dịch vụ tăng 7,44%. “Mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu đề ra 6,7% và cao hơn mức tăng của 7 năm gần đây (tính từ năm 2011 đến nay).
Điều này khẳng định tính kịp thời, hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo các ngành, địa phương nỗ lực thực hiện”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê cho biết.
DDiểm sáng trong nền kinh tế năm 2017 là thu hút vốn FDI đạt mức cao kỷ lục. |
Cơ cấu kinh tế năm 2017, khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 15,34%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,34% và khu vực dịch vụ chiếm 41,3%.
Tăng trưởng kinh tế năm 2017 tăng trưởng cao nhờ sự phục hồi của ngành nông nghiệp sau những ảnh hưởng nặng nề của thiên tai năm 2016 tiêu biểu như ngành thuỷ sản tăng 5,54%, lâm nghiệp tăng 5,14%...
Đồng thời, năm 2017, ngành nông nghiệp cũng chứng kiến xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành theo hướng đầu tư vào sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Dù ngành khai khoáng giảm sâu với mới 7,1%, mức giảm sâu nhất kể từ năm 2011 nhưng khu vực công nghiệp và xây dựng vẫn tăng 7,85% nhờ vào mức tăng kỷ lục 17,8% của công nghiệp chế biến, chế tạo.
Một số tập đoàn sản xuất công nghiệp lớn như Samsung ra mắt các sản phẩm mới đã giúp kéo chỉ số phát triển công nghiệp tăng lên. Khu vực dịch vụ, ngành bán buôn và bán lẻ đạt mức tăng 8,36% so với năm trước, số khách du lịch đến Việt Nam tăng cao.
Quy mô nền kinh tế đạt hơn 5 triệu tỷ đồng, với GDP bình quân đầu người ước tính 53,5 triệu đồng (tương đương 2.385 USD) tăng 170 USD so với năm 2016. Chỉ số giá bình quân năm 2017 tăng 3,53%, dưới mục tiêu của Quốc hội đặt ra, lạm phát tăng 1,41%.
Đặc biệt, điểm sáng trong nền kinh tế năm 2017 là thu hút vốn FDI đạt mức cao kỷ lục, tổng số vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm đạt 29,7 tỷ USD, tăng 44,2%. Trong đó, vốn thực hiện ước đạt 17,5 tỷ đồng. Đây thực sự là dòng tiền đóng góp vào nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.
Tăng trưởng kinh tế 2018 còn nhiều thách thức
Tuy đạt được kết quả khả quan, nhưng theo ông Lâm bước sang năm 2018 Việt Nam đứng trước hàng loạt thách thức. Việt Nam bị ảnh hưởng lớn bởi 10 nguy cơ rủi ro hàng đầu của quốc tế do tổ chức quốc tế nêu ra như xung đột quốc tế, thời tiết cực đoan, thất nghiệp, gian lận thương mại, đánh cắp dữ liệu…
Năng suất Việt Nam rất thấp và khoảng cách chênh lệch với các nước tiếp tục gia tăng.
“Cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 tạo ra xu hướng tự động hoá, trao đổi dữ liệu trong sản xuất và khiến Việt Nam có nguy cơ tụt hậu mãi so với các nước phát triển. Các nhà kinh tế đánh giá, nếu Việt Nam không cố gắng vượt bậc sẽ không bao giờ đuổi kịp các nước phát triển, đây là một trong những thách thức lớn nhất với Việt Nam”, ông Lâm nói.
Để đạt được mục tiêu GDP tăng 6,5-6,7%, chỉ số giá tiêu dùng 4%, xuất nhập khẩu tăng 7-8%, Tổng cục Thống kê cho rằng, cơ quan quản lý, các bộ ngành, lãnh đạo địa phương tiếp tục cải cách thể chế, môi trường kinh doanh. Đặc biệt giải pháp để nâng cao năng suất lao động phải đặt lên hàng đầu. Đồng thời, nghiên cứu kỹ các nội hàm, phương thức vận hành của Cách mạng 4.0 để hoà chung vào dòng chảy thế giới.
Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần tăng cường, phát triển các hoạt động dịch vụ phục vụ xuất nhập khẩu như: dịch vụ vận tải, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ tài chính... nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu dịch vụ như hiện nay.