Tăng tuổi nghỉ hưu nhưng không được giữ chức vụ lãnh đạo

09:07 07/08/2019
Chiều 6-8, Bộ LĐ-TB&XH đã có tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).  Nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến người lao động, được xã hội quan tâm như: điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, tăng giờ làm thêm… trong dự án Bộ luật Lao động sửa đổi đã được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra phương án cụ thể.


Nhiều nghề đặc thù có quyền nghỉ hưu sớm

Trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi được trình Quốc hội vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu là: Phương án 1, kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Với phương án 2, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Một số nghề đặc thù như giáo viên mầm non có quyền nghỉ hưu sớm.

Sau khi thẩm tra, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo phương án 1 (kể từ 1-1-2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035, tuổi nghỉ hưu của của nam là 62 vào năm 2028).

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tuy nhiên một số ý kiến đề nghị Ban Soạn thảo phải có phương án quy định cụ thể về những trường hợp nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn và những trường hợp nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung; một số ý kiến băn khoăn về tuổi nghỉ hưu của những nghề đặc thù như giáo viên mầm non. Trước ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi trình Quốc hội tại kỳ họp tới sẽ chỉ quy định phương án 1 về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ này đang tiến hành tổng rà soát các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để ban hành một danh mục thống nhất các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm thuộc trường hợp đặc biệt mà người lao động có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn (dự kiến tháng 9-2019 hoàn thành).

“Đối với một số công việc có tính chất đặc thù như xiếc, thể thao, nghệ thuật sân khấu, giáo viên mầm non… sẽ được quy định theo hướng: Khi hết tuổi nghề làm công việc đặc thù thì người lao động sẽ được đào tạo để chuyển đổi sang nghề nghiệp khác phù hợp, trường hợp không chuyển đổi nghề nghiệp được thì có quyền nghỉ hưu sớm”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Theo Bộ LĐ-TB&XH về quy định nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn, thực chất đang áp dụng cho khu vực Nhà nước và được thực hiện theo quyết định, chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành Nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu cao hơn cho những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý, và đảm bảo theo 3 nguyên tắc: Chỉ làm công việc chuyên môn, không giữ các chức vụ, chức danh lãnh đạo; Cơ quan có nhu cầu sử dụng; Cá nhân có nguyện vọng và có đủ sức khỏe đáp ứng yêu cầu công việc.

Làm thêm tối đa 40 giờ/tháng

Khung giờ làm thêm cũng là một vấn đề được xã hội hết sức quan tâm bởi sự ảnh hưởng đến hàng triệu lao động. Theo Bộ LĐ-TB&XH, đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm 100 giờ/năm như đề xuất trong dự thảo Bộ luật.

Tuy nhiên nhiều đại biểu cũng có ý kiến đề nghị tiếp tục quy định trần làm thêm giờ tối đa theo tháng; có danh mục những nghề, công việc thuộc “trường hợp đặc biệt” được làm thêm giờ đến mức 400 giờ/năm và phải quy định mức lương lũy tiến làm thêm giờ. Trước những vấn đề được nêu ra, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Ban Soạn thảo đề nghị tiếp thu theo hướng: Quy định trần tối đa làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ và sẽ có quy định các trường hợp đặc biệt được làm thêm đến 400 giờ/năm.

“Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết việc tổ chức làm thêm giờ để tránh lạm dụng, bảo vệ sức khỏe của người lao động, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo tính tuân thủ pháp luật. Về quy định mức lương lũy tiến làm thêm giờ, Ban Soạn thảo đề nghị quy định mức tiền lương làm thêm giờ ít nhất bằng 150% - 200% - 300% và việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn mức trên thì do hai bên thỏa thuận”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết.

Đối với những ý kiến băn khoăn đề nghị làm rõ một số vấn đề về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, tờ trình và dự thảo Bộ luật đã trình bày và thể hiện rõ sự khác biệt giữa tổ chức đại diện người lao động và tổ chức công đoàn, theo đó chỉ có công đoàn thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới có vị thế và chức năng chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị và được quy định tại Luật Công đoàn.

Các tổ chức đại diện người lao động chỉ là tổ chức xã hội đơn thuần và hoạt động trong phạm vi quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Chỉ có hệ thống công đoàn mới tham gia vào các cơ chế, thiết chế ở cấp ngoài doanh nghiệp như Hội đồng tiền lương quốc gia, Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh (Điều 93, Điều 185 dự thảo Bộ luật).

“Bộ luật Lao động (sửa đổi) chỉ quy định hoạt động của tổ chức đại diện người lao động trong phạm vi thực hiện chức năng đại diện trong quan hệ lao động. Về mặt này, tổ chức đại diện người lao động và tổ chức công đoàn bình đẳng về quyền và nghĩa vụ theo đúng tinh thần các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Phan Hoạt

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文