Thể chế có kẽ hở, tiêu cực còn nảy sinh

11:55 30/03/2014
Thêm một sự kiện gây chấn động dư luận bởi nghi án nhận hối lộ 80 triệu yên (khoảng 16 tỷ đồng) từ Công ty Tư vấn giao thông JTC (Nhật Bản) của một số quan chức ngành đường sắt. Người ta không quá hoài nghi tính xác thực của sự việc, bởi trước đó đã có một sự thật nhận hối lộ từ Công ty Tư vấn quốc tế PCI khi triển khai dự án đại lộ Đông-Tây tại TP HCM, cũng từ nguồn vốn ODA. Từ đó ngộ ra rằng, vì sao đầu tư cầu, đường bộ ở Việt Nam thuộc hạng đắt trên thế giới nhưng chất lượng xuống cấp ngay sau đó, còn đường sắt thì kém chất lượng như những năm qua...
>> Đình chỉ Trưởng ban Quản lý dự án đường sắt vụ hối lộ 80 triệu yên

Chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” tuần này dành cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về những “ẩn số” dẫn đến thất thoát trong đầu tư và tiêu cực.

Phóng viên (PV): Thưa Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nghi án hối lộ 80 triệu yên trong khi triển khai tuyến đường sắt đô thị là lần thứ hai tiêu cực nảy sinh trong sử dụng vốn ODA, sau vụ nhận hối lộ trong dự án đại lộ Đông-Tây (TP Hồ Chí Minh). Ông có bình luận gì về công tác quản lý hiện nay của ta?

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Đây mới là thông tin từ phía nước ngoài, cụ thể là các cơ quan chức năng của Nhật Bản, nhưng có liên quan đến sử dụng vốn ODA trong dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội. Để hiểu rõ bản chất vụ việc, chúng ta phải có những tài liệu chứng cứ xác thực. Nhưng, sở dĩ dư luận lên án mạnh đến như vậy, là bởi vì tính chất của hành vi đó rất nguy hiểm, không chỉ biểu hiện suy thoái đạo đức rất nặng của một số cán bộ, mà còn ảnh hưởng tới cam kết của ta trong việc sử dụng đồng vốn vay đó. Mặt khác, nó cũng cho thấy việc thực thi Luật Phòng, chống tham nhũng phát huy hiệu quả trong thực tiễn rất hạn chế. Vấn đề này có liên quan đến tổ chức bộ máy, cơ chế giám sát còn thiếu chặt chẽ, nhất là sự tha hóa đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ được giao nhiệm vụ.

PV: Rất nhiều chuyên gia và người dân phản ánh, chi phí đầu tư đường sá ở nước ta đắt gấp nhiều lần Mỹ, Trung Quốc, có con đường “đắt nhất hành tinh". Cách rút ruột ở dự án đại lộ Đông-Tây, sai phạm tại cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ (không được nghiệm thu vì kém chất lượng), đội giá tiền tỷ ở tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình... có phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới chất lượng cầu, đường bộ đầu tư đắt mà xuống cấp nhanh không, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Cái này thì rõ rồi, chi phí đầu tư cầu, đường bộ của ta chưa bao giờ thấp hơn phần đông các nước. Tất nhiên, phải tính tới đặc thù riêng của ta như chi phí giải phóng mặt bằng cao, công nghệ của ta lạc hậu... Nhưng, quan trọng và có ý nghĩa quyết định là quản lý đầu tư của ta lỏng nên dễ nảy sinh tiêu cực, thất thoát. Các vụ PMU18, Vinaline... các đối tượng chiếm đoạt cả triệu USD, thì chỉ bằng cách mua ụ nổi kém chất lượng, rồi làm cọc bê tông lõi tre... để rút tiền. Rút lõi công trình kiểu “bên B là chùm khế ngọt” từ khâu thiết kế, thẩm định, thi công, giám sát... bây giờ là "đáp số”, là nguyên nhân của chất lượng đường sá xuống cấp nhanh, chứ không còn là "ẩn số” như trước đây người ta vẫn nói. Vì thế, cá nhân tôi đồng tình với quan điểm quyết liệt của Bộ trưởng Đinh La Thăng, rà soát lại toàn bộ hệ thống, kiện toàn văn bản quy phạm pháp luật trong ngành theo tinh thần Hiến pháp sửa đổi 2013, chấn chỉnh từng khâu, xử lý nghiêm sai phạm, kể cả cách chức những cán bộ kém phẩm chất đạo đức hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.

Nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra có liên quan đến sự thiếu trách nhiệm của nhân viên.

PV: Người dân băn khoăn trước thực tế, nghi án hối lộ trong ngành đường sắt mới đây cũng như tiêu cực nói chung chủ yếu do báo chí phát hiện (kể cả báo chí nước ngoài), trong khi chúng ta có cả hệ thống cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán hùng hậu từ thấp đến cao lại không nhận thấy vấn đề. Theo ông, vì sao lại có chuyện như vậy?

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Vấn đề này liên quan đến hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy thực thi pháp luật. Hệ thống pháp luật của ta (trong đó có pháp luật phòng, chống tham nhũng) hiện khá đầy đủ, được nhiều nước đánh giá cao. Nhưng thực thi pháp luật thì đang còn nhiều vấn đề rất đáng bàn, đặc biệt là chất lượng đội ngũ cán bộ thực thi. Tôi cho rằng, những vụ việc tiêu cực như Vinashin, Vinaline, vụ PCI trước đây hay JTC (nếu đúng) đều có nguyên do từ cơ chế giám sát của ta chưa tốt. Chúng ta duy trì khá lâu cơ chế giám sát theo hình chóp nón (trên giám sát dưới). Trên thực tế kiểu tư duy này không phù hợp và không hiệu quả. Vì trên giám sát dưới, thì ai giám sát cơ quan phòng chống tham nhũng ở trên cùng? Chủ tịch Quốc hội đã có lần đặt câu hỏi: Có tham nhũng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng không là vì vậy. Điều này trả lời câu hỏi vì sao chúng ta có cả hệ thống các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán... mà tiêu cực vẫn nảy sinh, không phát hiện được. Tất nhiên, còn vấn đề thứ hai, dư luận rất bức xúc, thuộc về đạo đức của những người thi hành công vụ. Không chỉ do năng lực thanh tra, kiểm tra... của cán bộ trong các cơ quan đó còn hạn chế, mà có vẻ còn vì nền tảng đạo đức của không ít cán bộ trong các cơ quan đó chưa đủ tin cậy. Cái này cần phải có một nghiên cứu nghiêm túc, toàn diện để chỉ ra nguyên nhân, mới tìm cách khắc phục. Có phải vì đói kém không mà tiêu cực? Có phải lương thấp mà ăn cắp giờ hành chính?... Tôi tin, những người vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong vụ Vinashin, Vinaline... hay trong ngành Giao thông vận tải gần đây thì không phải lương thấp, thu nhập thấp mà vì đạo đức bị tha hóa nên người dân bức xúc.

PV: Cùng với nghi án hối lộ ở Công ty Tư vấn giao thông JTC, mới đây nghi vấn “bôi trơn” 2,8 triệu USD do một công ty tại TP Hồ Chí Minh thực hiện để làm dự án lại rộ lên đang được cơ quan chức năng xác minh. Có vẻ thực trạng tiêu cực không dừng lại mà thủ đoạn thực hiện còn tinh vi hơn. Theo Tiến sĩ, điều gì cần phải điều chỉnh, sửa đổi ngay trong thể chế quản lý để ngăn chặn hậu quả xấu trên?

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Điều đáng quan tâm hơn cả là phải khẩn trương xây dựng Luật Đầu tư công. Có nó sẽ có cơ sở để thực hiện minh bạch trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư, hạn chế tiêu cực lãng phí. Đồng thời, có căn cứ để xác định và xử lý sai phạm. Nếu như hiện nay, từ cơ quan thiết kế, thẩm định thiết kế, giám sát thi công, giám định chất lượng, thậm chí cả thi công ở cùng một Bộ, như anh em một nhà, thì khó mà tránh "móc ngoặc”, chưa nói đến sức mạnh của lợi ích chi phối. Thứ hai, phải phân quyền ngân sách, đừng để chạy nơi này nơi kia xin-cho dự án. Thứ nữa, phải sớm hoàn thiện các văn bản pháp luật theo tinh thần của Hiến pháp sửa đổi 2013. Riêng vấn đề ngân sách, cần phải xác lập được ưu tiên cấp ngân sách một cách khoa học, sát với yêu cầu đầu tư trong thực tiễn. Như thế, tránh được chạy chọt, xin-cho.

PV: Thực tế cho thấy, dù pháp luật hoàn thiện đến đâu cũng cần con người có phẩm chất (nhất là phẩm chất đạo đức) và năng lực để vận hành mới mang lại hiệu quả. Cái khó hiện nay là làm thế nào để nâng cao và kiểm soát được chất lượng làm việc của những người thi hành công vụ, hạn chế tiêu cực tham nhũng. Ý kiến của ông để khắc phục điều này?

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Khi đã tổ chức bộ máy khoa học, có khả năng và điều kiện để giám sát lẫn nhau, thì không phải ai muốn làm gì là được. Vì thế, tôi cho rằng gốc của vấn đề là phải hoàn thiện thể chế quản lý. Nhưng cái quan trọng hơn, sâu xa hơn là phải coi trọng giáo dục đạo đức của con người trước khi nói đến đạo đức công vụ. Lâu nay, chúng ta đề cập đến làm ăn, đến lợi ích nhiều hơn mà chưa thực sự coi trọng giáo dục nền tảng đạo đức. Điều này lý giải vì sao trước đây dù làm công nhân, nhân viên nghèo khó nhưng không ai ăn cắp, rất ít tham ô... Bên cạnh đó, cần có sự động viên khích lệ bằng vật chất, tạo động lực phấn đấu thì những tấm gương mẫu mực có sức cảm hóa cũng có khả năng lôi cuốn con người hướng tới cái thiện, sống trung thực, tránh xa tiêu cực, tham lam.

PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Thanh Phong (thực hiện)

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat (group), giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia hội nhóm kín trên mạng xã hội, cài đặt website, app, gửi tiền đầu tư chứng khoán. Khi nạn nhân không còn khả năng gửi thêm tiền hoặc phát giác, nghi ngờ, các đối tượng khóa tài khoản, chiếm đoạt số tiền của bị hại. Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã có những thông tin khuyến cáo đối với người dân và nhà đầu tư.

Sau nhiều tháng trời nắng như đổ lửa, trong ngày 3 và 4/5, tại một số quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những cơn mưa giải nhiệt. Tuy nhiên, do mưa nhỏ, lượng nước ít kèm theo dông lốc nên đã xảy ra một số sự cố…

Nhà đạo diễn kiệt xuất Roman Carmen đã cùng các đồng nghiệp Xôviết đến Việt Nam năm 1954 và làm bộ phim “Việt Nam”, ghi lại chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử của dân tộc ta.

Những suất quà chứa đựng nhiều tình cảm của cán bộ, chiến sĩ Báo CAND và nhà hảo tâm, với mong muốn đồng hành cùng các em học sinh và giáo viên trường Tiểu học Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; qua đó cùng chung tay, góp sức nâng bước các em đến trường.

Khi biết Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh (Trung tâm CNSH) triển khai dự án trên 425 tỉ đồng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã làm quen, mua chuộc những lãnh đạo chủ chốt, bằng cách thường xuyên thăm hỏi, biếu quà. Khi đã thân thiết, Nhàn nhờ các lãnh đạo nâng giá thiết bị, nâng dự toán theo ý Nhàn. Sau đó, Nhàn lập liên danh dự thầu, bày "quân xanh" , thâu tóm các gói thầu, để AIC ngồi không hưởng lợi hàng trăm tỉ đồng.

Chính trị nội bộ của đảng Cộng hòa Mỹ lại trở nên bất ổn do nghị sĩ Marjorie Taylor Greene quyết tâm phế truất Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson sau khi ông này thuyết phục Hạ viện thông qua gói viện trợ quân sự cho nước ngoài, trong đó có Ukraine.

Ngày 4/5, Công an TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đơn vị đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Đức Bình, SN 1994, trú tại xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, để điều tra về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ khiến 1 người tử vong.

Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đánh giá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12 do Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá mới đây là rất kịp thời, thể hiện sự chính quy, tinh nhuệ của các lực lượng tham gia phá án.

Lê Phương Nam đã lừa của các bị hại xin vào làm việc tại các Chi cục Kiểm ngư với giá 200-250 triệu đồng/suất; xin chuyển công tác trong lực lượng Công an có giá từ 200 - 450 triệu đồng/suất; xin vào học tại Trường Trung cấp Cảnh sát có giá từ 450-700 triệu đồng/suất…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文