Thủ tướng: "Vaccine có sẵn của Việt Nam là tinh thần kiên cường, vượt khó của dân tộc"
- Thủ tướng yêu cầu tạm hoãn công tác nước ngoài để tập trung phòng, chống COVID-19
- Thủ tướng: “Đảm bảo tiến độ, chất lượng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận”
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội
Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Cà Mau.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chính quyền 7 tỉnh ven biển của ĐBSCL đã nỗ lực chống hạn hán, xâm nhập mặn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dự báo năm nay tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến gay gắt hơn năm 2016.
Do đó, từ tháng 9-2019, Thủ tướng đã chủ trì Hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, mặn, vì thế đến nay, đã hạn chế tối đa thiệt hại, như chỉ đạo cấy sớm vụ Đông Xuân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là cây lúa ở vùng có khả năng nhiễm mặn. Diện tích lúa bị thiệt hại khoảng 39.000 ha, chỉ bằng 9,6% so với năm 2016 (có trên 405.000 ha lúa bị thiệt hại).
Đây là thành công quan trọng. Tuy nhiên, dự báo tình hình gay gắt hơn năm 2016 nên mức thiệt hại gây ra còn lớn. Nhân dân trong vùng có bước chuyển nhận thức rất rõ, coi hạn mặn là một thực tế phải đối mặt, để cùng với chính quyền có giải pháp thích ứng bằng cách thay đổi phương thức sản xuất, dự trữ nước ngọt…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn công tác khảo sát công tác phòng, chống hạn, mặn tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre |
Trước thách thức lớn, khốc liệt của biến đổi khí hậu, thay đổi thượng nguồn, sụt lún tại châu thổ, việc áp dụng đồng bộ các giải pháp cứng, kết hợp với giải pháp mềm, “biến thách thức thành cơ hội” đã thể hiện rất rõ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Qua mùa khô hạn mặn khắc nghiệt năm 2020, cần rút ra phương châm, “một vấn đề khó, thậm chí rất khó nhưng Chính phủ, chính quyền các cấp, các thành phần kinh tế và toàn dân cùng tập trung, quyết tâm cao nhất, chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề và thành thắng lợi. Vaccine có sẵn của Việt Nam là tinh thần kiên cường, vượt khó của dân tộc. Trong khó khăn, càng mạnh mẽ, càng tiến lên. Ý chí của chúng ta là như thế và chúng ta làm được điều đó tại nơi có nhiều tiềm năng và đối diện thiên nhiên khắc nghiệt”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với một số tỉnh khu vực ĐBSCL về hạn hán, xâm nhập mặn. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu). |
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương liên quan tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 04 của Thủ tướng về giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, giảm thiệt hại hơn nữa cho sản xuất, ổn định đời sống, không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Tiếp tục theo dõi, dự báo nguồn nước thượng nguồn sông Mê Kông, nguồn nước về ĐBSCL để thông tin kịp thời tới các cấp, các ngành. Phối hợp với địa phương đánh giá hiện trạng nguồn nước trên địa bàn để cân đối nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Không để hộ nào có nguy cơ thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là hộ nghèo, gia đình chính sách.
Thủ tướng đồng ý hỗ trợ một kinh phí từ ngân sách trung ương cho 5 tỉnh ĐBSCL theo quy định để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn (như bơm nước; nạo vét cửa lấy nước, kênh rạch; đắp đập tạm ngăn mặn trữ ngọt; đào ao, giếng trữ nước; khoan giếng, kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt; hỗ trợ thiết bị trữ nước, lọc nước, chi phí chở nước sinh hoạt,...).
Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát các nội dung cấp bách cần hỗ trợ, đề xuất mức hỗ trợ cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sớm. Các địa phương phải chủ động bố trí ngân sách, hỗ trợ đúng người, đúng việc, không để thất thoát, chống tiêu cực. Bộ Xây dựng khẩn trương phối hợp với Bộ NN&PTNT rà soát, có kế hoạch triển khai các công trình bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho vùng ĐBSCL, nhất là đối với vùng ven biển, vùng bán đảo Cà Mau, không để tình trạng bị động, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hàng năm.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu Đoàn công tác khảo sát đập tạm trữ nước ngọt Ba Lai, cống ngăn mặn An Hiệp (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Đây là những giải pháp cấp bách ứng phó xâm nhập mặn sau khi tỉnh Bến Tre có quyết định tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn.
Qua khảo sát thực tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Tỉnh Bến Tre và các ngành liên quan phải quyết tâm thực hiện với tinh thần đến năm 2023, Bến Tre sẽ không còn mặn và đủ nước sạch, nước ngọt phục vụ sản xuất và đời sống của người dân đảm bảo 100%. Đây là quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước. Đồng thời tỉnh cần rút kinh nghiệm thực tế từ đập tạm trữ ngọt Ba Lai, từ đó có tính toán căn cơ lâu dài để tạo nguồn nước ngọt phục vụ dân sinh trong những năm tiếp theo”.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh từ tháng 12-2019 và liên tục tăng cao cho đến nay, hiện đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ở ĐBSCL (trừ An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ). Đối với tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn bao phủ toàn bộ phạm vi của địa phương, trong các kỳ triều cường, hầu như không có nguồn nước ngọt cung cấp cho sản xuất và dân sinh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tháng 3, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục tăng cao, đặc biệt đợt từ ngày 7-3 đến 15-3 ở cửa các sông Cửu Long. Cụ thể tại các cửa sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây), phạm vi ảnh hưởng sâu nhất từ 100-110 km, sông cửa Tiểu, cửa Đại, phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 60 km, sông Hàm Luông khoảng 78 km, sông Hậu khoảng 70 km…
Trong thời gian tiếp theo của mùa khô, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục lên cao theo các kỳ triều cường; do các hồ chứa ở thượng nguồn chưa tăng lượng xả, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến tháng 4-2020. Hiện có khoảng 95.600 hộ dân đang gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn, mặn về nước sinh hoạt (tổng số hộ dân bị gặp khó khăn năm 2015-2016 là 210.000 hộ). Các hộ gặp khó khăn về nước sinh hoạt đang được các địa phương tăng cường giải pháp để cung cấp đủ nước. |