Bão cấp thảm họa, sẽ cưỡng chế nếu người dân, tàu cá không chịu di dời

19:19 24/12/2017
Chiều 24-12, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương để chỉ đạo ứng phó bão số 16, cơn bão có tên quốc tế Tembin đã khiến gần 200 người tại Philippines thiệt mạng.


Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan và 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, 5 tỉnh Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh.

Hướng đi dự kiến của cơn bão số 16.
Huy động máy bay trực thăng bay dọc bờ biển kêu gọi người dân di dời

Đánh giá về cơn bão, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, đây là cơn bão mạnh, trái quy luật (đổ bộ vào cuối năm), tốc độ di chuyển rất nhanh, khả năng bão đổ bộ vào vùng rất ít xảy ra bão, cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm ứng phó với bão còn rất hạn chế, tàu thuyền hoạt động trên sông trên biển nhiều, nhất là tàu thuyền ven bờ và trên sông.  

Bão đi qua khu vực ngư trường truyền thống, đang chính mùa khai thác, tàu thuyền đánh bắt hải sản rất đông, đồng thời rất nhiều tàu vận tải, tàu vãng lai. 

Cường độ cơn bão ngày càng mạnh, có thể tương đương bão Linda năm 1997, bão Durian năm 2006 với rủi ro thiên tai cấp 4 (cường độ lớn nhất xảy ra trong khu vực). 

Cách đây 20 năm, bão Linda đổ bộ vào Cà Mau đã gây ra thảm hoạ kinh hoàng khiến 3.000 người chết và mất tích. “Khu vực này có nhiều hoạt động kinh tế trên biển, nhất là các giàn khoan, nhà giàn. Trên đất liền, địa hình tương đối bằng phẳng với hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt vùng có nhiều nhà dân ở ven sông, ven biển, trên các cù lao không có khả năng chống chịu với bão, thiếu nơi khu trú; bờ biển, vùng cửa sông có 18 điểm đang có diễn biến sạt lở đặc biệt nguy hiểm, nhiều công trình đang thi công”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT báo cáo với Thủ tướng. 

Trước diễn biến của bão Tembin, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 9 huy động máy bay trực thăng bay dọc ven biển, hải đảo, khu vực cửa sông nhất là tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, kêu gọi tàu thuyền còn đang hoạt động ven bờ, người dân chủ động phòng tránh, di dời đến nơi an toàn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng công tác phòng chống bão Tembin

Tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh đã dừng tất cả các cuộc họp để tập trung cho công tác phòng chống bão. Trước mắt, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho 17.000 hộ nghèo mua dây chằng chống nhà cửa.

Tỉnh cũng đã có chủ trương cho học sinh nghỉ học từ sáng 25-12 đến hết ngày 26-12. Ông Hải lo ngại vẫn còn tình trạng người dân vẫn còn chủ quan, thờ ơ trước bão số 16. 

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh tỉnh Bạc Liêu báo cáo, bão cấp 9-10 mà vào Bạc Liễu thì với hạ tầng nhà cửa hiện có sẽ thiệt hại. Do đó Bạc Liêu chọn giải pháp ưu tiên di dời dân là chính. 

Ông Trung cho biết, Bạc Liêu đã di dời hơn 26.000 người trong kế hoạch hơn 350.000 người. Chúng tôi cố gắng sẽ di dời xong trước 10h ngày 25-12. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng thừa nhận ngay ở cấp cơ sở vẫn còn chuyện chính quyền chủ quan. 

Còn tại TP Hồ Chí Minh, ông Hứa Ngọc Thuận, phó chủ tịch UBND TP cho biết, đã di dời khoảng 5.000 dân ở những khu vực được xác định bị ảnh hưởng.

Dùng biện pháp cưỡng chế nếu người dân không chịu di dời

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý đây là cơn bão mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều tỉnh, vì vậy, từng địa phương phải rất quyết liệt với phương châm 4 tại chỗ. 

Phó Thủ tướng lưu ý, lực lượng tại chỗ là quyết định, nhưng phải có sự hỗ trợ của các đơn vị chủ lực, đặc biệt là lực lượng vũ trang. "Kể cả đưa vào nơi tránh trú rồi nhưng chưa chắc đã an toàn. Bão số 12 có số tàu lớn vào neo ở cảng Quy Nhơn, nhưng neo đậu không hợp lý nên vẫn có thiệt hại, vì vậy lần này phải chấn chỉnh. 

Đồng thời phải có phương án bảo vệ các giàn khoan, các cơ sở sản xuất trên biển, nhà giàn trên biển. Đặc biệt lưu ý việc di dời người dân lên bờ, rút kinh nghiệm từ bão số khi vào bờ nhưng ở Khánh Hoà vẫn còn người dân trên biển", Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói. 

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: "Bão mạnh, triều cường lớn đều nằm trong cấp thảm hoạ. Vì vậy, bão Tembin có thể gây thiệt hại lớn hơn nếu chủ quan". Thủ tướng lưu ý tất cả địa phương và người dân cần tiếp tục theo dõi sát thông tin dự báo về bão. 

Đặc biệt là tuyên truyền, quan triệt tới người dân về mức độ nguy hiểm, đảm bảo không để người dân chủ quan. Đối với các nhà giàn, giàn khoan đang hoạt động trên biển, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải có biện pháp đảm bảo an toàn giàn khoan, tàu biển. “Nếu cần thiết, đóng giàn khoan để đảm bảo an toàn cho công nhân”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu. Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung phòng chống bão.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại Hội nghị

"Bão Linda là bài học đau xót, vì vậy các địa phương không được chủ quan. Các tàu khi vào bờ thì ngư dân, người dân phải lên bờ, còn tàu giao lại cho các lực lượng quản lý, tránh những thiệt hại như đã từng xảy ra. Những hộ dân, những tàu không thực hiện mệnh lệnh di dời, phải thực hiện các biện pháp mạnh cưỡng chế", Thủ tướng kiên quyết. 

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin-truyền thông chỉ đạo các nhà mạng nhắn tin đến các thuê bao cảnh báo về cơn bão này.  "Tinh thần và trách nhiệm trong chỉ đạo, thực hiện đối phó với bão phải rất quyết liệt. Nếu bão suy yếu, đó là điều may mắn và đó cũng là lần thực hành cần thiết để chống chọi với thiên tai những lần sau. 

Vì vậy, tuyệt đối không thể chủ quan, không coi thường và phải hành động với tinh thần, trách nhiệm quyết liệt nhất của các cấp với nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh. 

Ngọc Yến

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文