Thủ tướng dự lễ thượng cờ 2 tàu ngầm Kilo tại Quân cảng Cam Ranh
- Hải quân Việt Nam tiếp nhận tàu ngầm Kilo Bà Rịa - Vũng Tàu
- Tàu ngầm Kilo 187 Bà Rịa - Vũng Tàu về đến vịnh Cam Ranh
Đây là hai chiếc tàu ngầm do phía Nga cung cấp cho Việt Nam trong dự án 636 Varshavyanka do Nhà máy đóng tàu Admiraltei Verfi sản xuất theo hợp đồng ký kết với Việt Nam vào năm 2009 trị giá gần 2 tỷ USD sau chuyến thăm Liên bang Nga của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Sự hình thành đội hình 6 chiếc tàu ngầm đã đánh dấu bước phát triển hiện đại của Quân chủng Hải quân nói riêng và Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, đó là thành quả chứng minh sự quan tâm sâu sắc, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ quốc phòng đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát hiểu tại buổi lễ. |
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực tích cực, đoàn kết vượt khó, vươn lên làm chủ vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại của Quân chủng Hải quân nói chung và Lữ đoàn tàu ngầm 189 nói riêng.
Thủ tướng yêu cầu Quân chủng Hải quân tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về tình hình, nhiệm vụ, về quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong vấn đề giải quyết tranh chấp trên biển Đông, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bằng thiện chí và những nỗ lực của mình, Việt Nam kiên trì chủ trương giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước quốc tế về Luật Biển 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Luật Biển Việt Nam năm 1982 và hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC), để Biển Đông thực sự là vùng biển hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển, vì lợi ích của tất cả các nước trong khu vực, vì an ninh chung của khu vực và trên toàn thế giới.
Thủ tướng Chính phủ bắt tay thân mật với cán bộ - chiến sĩ Quân chủng Hải quân tại lễ thượng cờ hai tàu ngầm. |
Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở Quân chủng Hải quân thấm nhuần sâu sắc giá trị thiêng liêng chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, nhận thức đúng đắn chủ trương hiện đại hóa Hải quân, phát triển lực lượng tàu ngầm hiện đại là hoạt động bình thường của những quốc gia có biển, không phải là chạy đua vũ trang, mà là thực thi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong mọi tình huống.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Quân chủng Hải quân tập trung chỉ đạo, huấn luyện và khai thác hiệu quả thiết bị kỹ thuật tàu ngầm trong mọi điều kiện, tình huống để đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương Lữ đoàn tàu ngầm 189 đã làm chủ thiết bị kỹ thuật tàu ngầm. |
Sau lễ thượng cờ, hai chiếc tàu ngầm nêu trên chính thức được đưa vào biên chế đội hình 6 chiếc tàu ngầm của Lữ đoàn tàu ngầm 189. Theo đó, Quân chủng Hải quân đã có đủ “5 ngôi sao biển”, đó là: không quân hải quân, tàu ngầm, hải quân đánh bộ, tên lửa bờ và tàu mặt nước.
6 chiếc tàu ngầm của Lữ đoàn tàu ngầm 189 đều là tàu ngầm điện – diesel lớp Kilo 636 thứ 6, được mệnh danh là “hố đen đại dương”, đủ năng lực thực thi nhiệm vụ trinh sát và tuần tra trên biển. Tàu ngầm có chiều dài 73,8 m, rộng 9,9 m, có lượng giãn nước khoảng 3.000 tấn, lặn sâu tối đa 300m. Thời gian hoạt động độc lập của tàu 45 ngày đêm với thủy thủ đoàn 52 người.
Thủ tướng Chính phủ chụp ảnh lưu niệm với thuỷ thủ đoàn hai tàu ngầm HQ 186 Đà Nẵng và HQ 187 Bà Rịa-Vũng Tàu. |
Ngoài 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm, trên tàu ngầm còn có tên lửa chống tàu Club-S, 24 quả thủy lôi, tên lửa phòng không 9K34 Strela-3 hoặc 8 tên lửa 9K38 Igla.
Thủ tướng thị sát tàu ngầm sau lễ thượng cờ. |
Trước khi thượng cờ tàu ngầm HQ 186 Đà Nẵng và HQ 187 Bà Rịa-Vũng Tàu, các tàu ngầm HQ 182 Hà Nội, HQ 183 TP Hồ Chí Minh, HQ 184 Hải Phòng và HQ 185 Khánh Hoà đã được đưa về Quân cảng Lữ đoàn tàu ngầm 189 trong năm 2015-2016.