Phấn đấu tăng trưởng GDP của các tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên
- Quyết tâm đưa nền kinh tế vượt lên, phấn đấu đạt mục tiêu kép thành công
- Thủ tướng: Chúng ta lấy cung làm chủ đạo và đẩy mạnh cầu của nền kinh tế
- Thủ tướng: Vùng KTTĐ phải đi đầu phục hồi phát triển kinh tế sau dịch
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đồng chủ trì buổi làm việc.
Tham dự còn có lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo 12 tỉnh, thành phố miền Trung - Tây nguyên.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nước ta đã kiểm soát được COVID-19 với hơn 3 tháng không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Trong thiệt hại chung của cả nước do COVID-19, thiệt hại ở các tỉnh, thành phố ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên là rất lớn, đặc biệt là có 3 địa phương có tăng trưởng âm là Khánh Hòa, Đà Nẵng và Quảng Nam…
Hiện cả nước đang cùng thực hiện mục tiêu “kép” là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhờ phấn đấu kiên trì, liên tục nên đạt được mức tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm là 1,81%, đây là con số thấp nhất của nước ta trong 10 năm qua, nhưng là cao nhất trong khu vực và trên thế giới do tác động của COVID-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên.
|
Tiềm năng phát triển của 14 tỉnh, thành miền Trung – Tây Nguyên là rất lớn với 9 sân bay, 14 cảng biển, 9 khu kinh tế, nhiều khu công nghiệp có hạ tầng tốt, nhiều sản phẩm nông nghiệp có lợi thế so sánh, có bờ biển là sản phẩm du lịch đặc sắc… Con người miền Trung cần cù, chịu thương, chịu khó, mạnh mẽ trong hành động.
Toàn cảnh hội nghị. |
Thủ tướng cũng chỉ ra, cỗ máy kinh tế như cỗ xe tam mã với 3 con ngựa kéo gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Trước hết, phải có môi trường đầu tư tốt và cách xúc tiến thu hút đầu tư mạnh mẽ, có cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, tháo gỡ các khó khăn cho các dự án và doanh nghiệp để hoạt động.
Việc giải ngân vốn đầu tư công của các tỉnh, thành phố miền Trung – Tây Nguyên rất thấp. Chính vì vậy, yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành phố miền Trung – Tây Nguyên phải tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư ở địa phương để tăng giải ngân vốn đầu tư công.
Các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên phải làm sao để bứt phá trong 6 tháng cuối năm. Cụ thể, phải đề ra phương pháp chỉ đạo nào, tổ chức thực hiện ra sao để cuối năm nỗ lực đạt cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu đề ra cho từng địa phương.
Các địa phương phải đề xuất cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phát triển, nhất là các kết cấu hạ tầng quan trọng và những giải pháp đột phá kết nối các tỉnh, thành phố, vùng, liên vùng, khu công nghiệp, khu chế xuất, dịch vụ logistic…, đặc biệt là kết nối Tây Nguyên với miền Trung.
Cần quan tâm hỗ trợ đối tượng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 nhưng không thuộc đối tượng được tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.
Các bộ, ngành, địa phương, không để tình trạng trì trệ; thực thi ngay các chính sách đột phá, táo bạo. Các địa phương cần đưa ra cam kết khắc phục tồn tại, yếu kém trong chỉ đạo điều hành để phục vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp, thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế của địa phương cũng như cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự buổi làm việc. |
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương phải tập trung tăng trưởng kinh tế, phấn đấu tăng trưởng GDP của các tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên không thấp hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước.
Qua đó, Chính phủ cũng biểu dương những nỗ lực, cố gắng của cán bộ, nhân dân các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên trong thực hiện mục tiêu “kép”, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, sắp đến, các địa phương phải xây dựng các chương trình hành động, có các biện pháp đột phá; có các nghị quyết, chế tài cụ thể để các các cấp, các ngành phấn đấu thực hiện.
“Trong năm 2020, tăng trưởng GDP của các tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên phải không thấp hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước”, Thủ tướng chỉ đạo.
Về giải pháp thực hiện, Thủ tướng chỉ đạo, các địa phương khắc phục các khó khăn, tập trung tháo gỡ các rào cản, khắc phục các lực cản. Cạnh đó, cần chú trọng thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, cần phải tiếp tục tập trung cho công tác phòng, chống COVID-19. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng, chăm lo an sinh xã hội, triển khai công tác hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi COVID-19, nhất là ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế...
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, giám sát việc giải ngân vốn đầu tư công ở từng địa phương, kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn, bảo đảm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2020 và kiên quyết điều chuyển, cắt vốn ở các địa phương, các dự án trì trệ, không triển khai.
Nghiên cứu xây dựng dự án hỗ trợ đầu tư từ vốn đầu tư của Trung ương để đầu tư các công trình hạ tầng cấp bách ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên...
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tập trung giải quyết các kiến nghị của các tỉnh, thành phố.