Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc phê phán phát ngôn của ông Lý Hiển Long
Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 22-6, theo đề nghị của phía Singapore, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Thủ tướng Lý Hiển Long. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê phán phát biểu ngày 31-5 của Thủ tướng Lý Hiển Long phần liên quan đến Việt Nam và Campuchia giai đoạn 1979 – 1980.
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34
- Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN
- Singapore nói gì sau phát biểu "lấy làm tiếc" của Thủ tướng Lý Hiển Long ?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lịch sử đã chứng minh những nhận định của phía Singapore về vai trò của Việt Nam vào thời điểm đó là không đúng và việc nêu lại những định kiến này làm tổn thương sâu sắc tới Việt Nam và Campuchia, đặc biệt là thân nhân của hàng trăm nghìn quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh xương máu để mang lại hòa bình, giúp giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ Khmer Đỏ tàn bạo và cả quá trình xây dựng đất nước đầy khó khăn, gian khổ sau này.
Thủ tướng Lý Hiển Long giải thích Singapore không có ý làm tổn thương Việt Nam, chỉ nhắc lại một chương đau buồn trong lịch sử Đông Dương để nhấn mạnh hoà bình, ổn định và thịnh vượng hôm nay không mặc nhiên mà có, và bối cảnh hiện nay đòi hỏi ASEAN tiếp tục duy trì đoàn kết, gắn bó và tăng cường hợp tác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lý Hiển Long. Ảnh: VGP. |
Thủ tướng Lý Hiển Long cũng nhấn mạnh, Singapore hết sức coi trọng quan hệ hữu nghị và tin cậy với Việt Nam, đánh giá cao vai trò và những đóng góp quan trọng của Việt Nam từ trước tới nay trong việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định và phát triển của khu vực cũng như trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và tự cường.
Hai Thủ tướng đánh giá cao cuộc gặp đã giúp hai bên hiểu nhau hơn, nhất trí tinh thần hướng tới tương lai, tập trung thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Singapore trên tất cả các lĩnh vực.
Với việc Viêt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021, hai bên nhất trí sẽ tăng cường hơn nữa trao đổi, tham vấn và phối hợp lập trường về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, nhất là giữ vững đoàn kết, đồng thuận và quan điểm của ASEAN vì hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
*Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp song phương với Thủ tướng Thái Lan Prayth Chan-o-cha và Tổng thống Indonesia Jokowi Widodo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thái Lan Chan-o-cha. Ảnh: VGP. |
Tại cuộc gặp Thủ tướng Thái Lan Prayth Chan-o-cha, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa chúc mừng ông Chan-o-cha mới được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan. Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về sự phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy của quan hệ song phương thời gian qua, nhất trí phối hợp sớm xây dựng Chương trình hành động làm cơ sở tiếp tục triển khai hiệu quả, thực chất và toàn diện quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam - Thái Lan trong giai đoạn mới. Hai bên nhất trí phối hợp thúc đẩy triển khai các cơ chế hợp tác song phương quan trọng trong năm 2019, đặc biệt là cuộc họp Nội các chung lần thứ tư tại Việt Nam.
Hai Thủ tướng khẳng định quyết tâm thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế - thương mại, hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 20 tỷ USD vào năm 2020 và cán cân thương mại cân bằng hơn giữa hai nước. Hai Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối giữa Việt Nam và Thái Lan cũng như với các nước khác trong tiểu vùng Mekong thông qua các dự án kết nối đường bộ, đường thủy nhằm phục vụ hợp tác giao thương, giao thông vận tải, du lịch và giao lưu nhân dân giữa các nước trong khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn chủ nhà Thái Lan đã dành cho đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 34 sự đón tiếp chu đáo, trọng thị, bày tỏ tin tưởng Thái Lan sẽ đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2019, đóng góp tích cực vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết, tự cường và bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Indonesia Jokowi Widodo. Ảnh: VGP. |
Tại cuộc gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng ông Joko Widodo tái đắc cử Tổng thống Cộng hoà Indonesia. Hai nhà Lãnh đạo khẳng định quyết tâm phối hợp thực hiện hiệu quả Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Indonesia giai đoạn 2018 - 2023 và các thoả thuận đạt được trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Joko Widodo tháng 9-2018.
Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, trên tất cả các kênh, đẩy mạnh giao lưu nhân dân, nhằm không ngừng củng cố tình hữu nghị, hiểu biết và tin cậy giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước. Hai nhà Lãnh đạo khẳng định quyết tâm thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư cho tương xứng với tiềm năng và tầm vóc quan hệ hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên tạo thuận lợi hơn nữa cho hàng hoá xuất khẩu của nhau, hạn chế áp dụng rào cản thương mại.
Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác biển và nhất trí phối hợp triển khai hiệu quả các nội dung liên quan trong Chương trình hành động giai đoạn 2018 - 2023, trong đó có việc tiếp tục thúc đẩy đàm phán phân định Vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Indonesia xử lý thoả đáng vấn đề tàu cá, ngư dân của Việt Nam trên tinh thần hữu nghị, nhân đạo, theo luật pháp, thông lệ quốc tế.
Hai nhà Lãnh đạo cũng trao đổi về một số vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm, nhất trí tăng cường phối hợp lập trường tại các diễn đàn đa phương, nhất là ASEAN và Liên hợp quốc, đặc biệt trong năm 2020 khi hai nước cùng là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo Thái Lan, Indonesia, Singapore nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác biển, phối hợp thúc đẩy thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả và bảo đảm lợi ích của cộng đồng quốc tế.