Thủ tướng Pháp Édouard Philippe sắp thăm chính thức Việt Nam
- Vietjet nhận bàn giao tàu bay mang biểu tượng 45 năm quan hệ Việt–Pháp
- Chuyến thăm của Tổng Bí thư góp phần nâng cao hợp tác Việt-Pháp
- Hợp tác kinh tế là trụ cột ưu tiên trong quan hệ song phương Việt - Pháp
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Pháp diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp. Sau lễ đón chính thức dự kiến diễn ra vào chiều 2-11, Thủ tướng Pháp Philippe sẽ hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; chào xã giao Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Thủ tướng Pháp Édouard Philippe. Ảnh:EPA |
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Philippe cũng sẽ có các hoạt động ý nghĩa khác như dự lễ khánh thành cơ sở mới của Trường Pháp Quốc tế Alexandre Yersin tại Hà Nội, trò chuyện với thanh niên Pháp cũng như Việt Nam nói tiếng Pháp về những thách thức khí hậu, kinh tế và xã hội trong tương lai..
Ngoài ra, Thủ tướng Pháp cũng dự kiến đặt vòng hoa tại Nghĩa trang Điện Biên Phủ, thăm Đồi A1 vào ngày 3-11. Ngày 4-11, ông sẽ gặp Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, dự Diễn đàn Doanh nghiệp French Tech Viet, sau đó rời Việt Nam.
Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ ngày 12-4-1973 và 40 năm sau (năm 2013) hai nước đã ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp. Trong những năm qua, hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực đều phát triển mạnh mẽ. Hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao; phối hợp nhiều cơ chế hợp tác.
Về thương mại, Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam (sau Đức, Anh, Hà Lan, Italy). Năm ngoái, trao đổi thương mại hai chiều đạt 4,6 tỷ USD (tăng 11,6% so với năm 2016), trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Pháp đạt 3,35 tỷ USD (chủ yếu là giày dép, dệt may, sản phẩm gốm, sứ, mây, tre đan, thủy sản và máy móc thiết bị, linh kiện điện tử).
Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Pháp đạt 1,27 tỷ USD (chủ yếu là thiết bị hàng không, máy công nghiệp, dược phẩm, sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, hóa chất và mỹ phẩm). Trao đổi thương mại hai nước 6 tháng đầu năm 2018 đạt 2,3 tỷ USD.
Về đầu tư, năm 2017, Pháp đứng thứ 3 trong các nước châu Âu (sau Hà Lan và Anh) và đứng thứ 16 trong tổng số 114 quốc gia, lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 512 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 2,8 tỷ USD.
Trong lĩnh vực hợp tác về văn hoá, xã hội, giáo dục, khoa học& cộng nghệ cũng như giao lưu giữa các địa phương, hai nước đều có những bước đi cụ thể nhằm ngày càng làm sâu sắc hơn các mối quan hệ này.
Chuyến thăm lần này sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ chính trị-ngoại giao, mở rộng quan hệ kinh tế-thương mại, đồng thời đẩy mạnh hợp tác an ninh-quốc phòng, giáo dục, đào tạo, khoa học-công nghệ, năng lượng giữa hai nước.