Phòng chống COVID-19 trong cộng đồng và cơ sở y tế là nhiệm vụ trọng tâm

13:22 06/01/2021
Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên của ngành y tế trong năm 2021 là tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng và trong các cơ sở y tế.

Sáng 6/1, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Y tế toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị có nhiều lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị và nhấn mạnh, năm 2021 là năm mà ngành y tế phải thực hiện nhiều nhiệm vụ nặng nề

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, với những thành quả trong công tác phòng, chống dịch gần một năm qua, Việt Nam là điểm sáng phòng chống COVID-19 thành công. Nước ta đã cơ bản ngăn chặn và kiểm soát được dịch COVID-19, điều trị có hiệu quả các ca bệnh nặng, hiểm nghèo, được các tổ chức quốc tế và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

 Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ban ngành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia: Lực lượng quân đội đã tham gia ngay từ phút đầu tiên trong ngăn chặn, cách ly từ Tết Canh tý đến nay; lực lượng công an trong truy vết, cách ly, phong tỏa… và nhiều lực lượng các bộ ngành đã làm lên chiến thắng trong cuộc chiến này.

Bên cạnh phòng, chống dịch COVID-19, ngành y tế chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt là dịch bệnh bạch hầu ở khu vực Tây nguyên, bệnh Whitmore ở miền Trung, bệnh sốt mò ở một số tỉnh miền Bắc, không để xảy ra "dịch chồng dịch". 

Năm 2020, ngành y tế cũng thực hiện đạt các chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội, Chính phủ giao là đạt số giường bệnh trên vạn dân (28); tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,85% (giao 90,7%); đạt 6/7 chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực được Chính phủ giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2020. Trong 45 ngày, ngành y tế đã kết nối 1.000 điểm khám, chữa bệnh từ xa, và đến nay đã kết nối được khoảng 1.500 cơ sở y tế trên cả nước, phát huy hiệu quả, cứu sống nhiều bệnh nhân ở tuyến cơ sở.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, kết quả đạt được của ngành y tế trong năm 2020. Thủ tướng biểu dương 6 thành tựu nổi bật của ngành y tế, trong đó thành tựu được toàn Đảng, toàn dân ghi nhận, trân trọng và đánh giá cao, đó là góp phần quan trọng trong thành công chung của Việt Nam khống chế đại dịch COVID-19.

Thủ tướng nhấn mạnh ông hoan nghênh quyết định đình chỉ công tác của Sở Y tế Hà Nội đối với ông Tạ Văn Thiềng, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ trong việc để người chưa đủ kết quả âm tính trong 14 ngày rời khỏi khu cách ly. “Chúng ta quyết xử lý nghiêm về hành chính và hình sự các hoạt động sai phạm trong phòng, chống dịch. Một thái độ dứt khoát như vậy để ngăn dịch không lây ra cộng đồng”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, thế giới nói  chúng ta là nước thần tốc và công nhận Việt Nam phòng chống đại dịch thành công. Chúng ta đã ngăn chặn được khủng hoảng về y tế rất sớm, từ đó ngăn cản khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng xã hội, trước hết là đảm bảo công việc cho người lao động.

Năm 2020, chúng ta được thế giới công nhận khi thương hiệu Việt Nam đã tăng lên 30%, trong đó bao gồm phát triển toàn diện đất nước. Tuy nhiên, phòng, chống đại dịch thành công trong khi toàn cầu còn nhiều thách thức là điều đáng chú ý. Chúng ta liên tục đưa ra những chủ trương mạnh mẽ từ trước Tết Canh tý và có quyết định quan trọng là “chống dịch như chống giặc” với quan điểm thần tốc. Nhờ vậy, Việt Nam đã thành công.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại Hội nghị 

Thủ tướng khẳng định ngành y tế đã hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt là ngoại giao y tế - một khái niệm rất mới. Trong đó, đáng chú ý là WHO đã công nhận ngày chống dịch bệnh toàn cầu do Bộ Y tế đề xuất. Chúng ta đã cố gắng vượt qua dịch SARS-CoV-2 hoành hành. Chống dịch COVID-19 là một ví dụ đẹp về ý Đảng, lòng dân, tổng hòa của ý chí và hành động của cả hệ thống chính trị với vai trò tham mưu của ngành y tế và tất cả nỗ lực của chúng ta.

Bước sang năm 2021, Thủ tướng đề nghị nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên của ngành y tế là tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng và trong các cơ sở y tế.

Tết Nguyên đán sắp tới với nhiều sự kiện quan trọng, trong đó, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra, vì vậy Thủ tướng chỉ đạo, ngành y tế, lực lượng quân đội, công an và các địa phương phải nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, không để dịch bệnh xâm nhập, bùng phát và lây lan; đồng thời đảm bảo công tác y tế phục vụ Đại hội Đảng tuyệt đối an toàn.

Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi mỗi người dân hãy nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh với biểu hiện lơ là, chủ quan, coi thường lợi ích cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để đón Tết lành mạnh, an toàn.

Thủ tướng nhấn mạnh, dịch bệnh COVID-19 còn tiếp tục kéo dài, chưa xác định được thời điểm kết thúc nên chúng ta phải thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch, thông điệp 5K của Bộ Y tế, đồng thời phải đẩy nhanh việc nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu vaccine đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, các dịch bệnh như sốt xuất huyết, bạch hầu vẫn tồn tại và có nguy cơ bùng phát thành dịch. Do đó, chúng ta phải tiếp tục nâng cao năng lực của hệ thống y tế để ứng phó với các tình huống khẩn cấp, phòng chống dịch bệnh chủ động, phát hiện sớm, khống chế kịp thời.

Thủ tướng cũng đề nghị ngành y tế quan tâm đến phòng, chống các bệnh không lây nhiễm đang chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật và 73% số ca tử vong.

Ngành y tế và các cấp phải đẩy mạnh công tác phòng chống, tăng cường truyền thông, sàng lọc phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm, chủ động phòng ngừa với những bệnh đã có vaccine, tăng cường chuyên môn, trang thiết bị trong việc tầm soát, điều trị bệnh cũng như chăm sóc giảm nhẹ trong cộng đồng. 

Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành y tế tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số, cải thiện nâng cao tầm vóc của người Việt Nam; Chính phủ cũng như Bộ Y tế quyết tâm cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện; chỉ đạo chống tham nhũng, tiêu cực và công khai, minh bạch bằng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc; chỉ đạo việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế đạt mục tiêu trên 95%...



Trần Hằng

Từ ngày 1-5/10, Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng làm Trưởng đoàn đã có chuyến thăm, làm việc tại Nhật Bản để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước và xây dựng pháp luật về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).

“Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp cho thấy sự gắn bó sâu sắc của Việt Nam với cộng đồng Pháp ngữ, đồng thời khẳng định Việt Nam rất coi trọng quan hệ song phương với Pháp", Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet nhấn mạnh.

Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến trình Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới. Để hiểu rõ hơn về những nội dung cơ bản và những điểm mới mà dự thảo luật đề cập nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác PCCC và CNCH hiện nay, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Hoàng Ngọc Huynh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an.

Tại các địa phương trong cả nước không tồn tại các cơ sở băm gỗ dăm trái phép thì ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, các cơ sở băm gỗ dăm trái phép mọc lên như nấm sau mưa, trong đó Nghệ An chiếm số lượng lớn nhất và “công khai” nhất. Ai đã đứng sau “chống lưng” cho các cơ sở này hay chính quyền và các cơ quan chức năng bất lực?

Sau một thời gian tạm lắng, chiêu lừa thông qua “tặng quà tri ân” gần đây lại rộ trở lại theo kiểu “bình mới, rượu cũ”. Các đối tượng giả mạo nhân viên các sàn thương mại điện tử, hệ thống siêu thị và một số thương hiệu để gọi điện thoại thông báo và gửi quà tặng quà tri ân miễn phí. Sau đó, từng bước tiếp cận và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nạn nhân thông qua hình thức làm nhiệm vụ online.

Dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoàn thiện, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 tới đây. Theo đó, nhiều “nút thắt” trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được kỳ vọng sẽ được tháo gỡ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文