Thủ tướng chỉ đạo quyết tâm vượt khó, hoàn thành các chỉ tiêu năm 2019
Ngày 1-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2019.
Phiên họp tập trung vào một số nội dung: Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ, tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng từ đầu năm tới nay; vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và nhiều nội dung khác; cho ý kiến về Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025...
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu một số việc quan trọng của đất nước trong tháng 7, đó là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân đã tổ chức nhiều hoạt động trang trọng, có ý nghĩa kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ nhằm tri ân các anh hùng liệt sỹ, thương, bệnh binh, người có công đã đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngành Giáo dục và các cấp ủy chính quyền đã tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và xét tuyển cao đẳng, đại học khá thành công, nền nếp hơn, chất lượng hơn so với kỳ thi năm trước. Đội tuyển quốc gia dự kỳ thi Olympic quốc tế đạt nhiều kết quả xuất sắc.
Về kinh tế, ngân hàng thương mại lớn đều tuyên bố giảm lãi suất cho vay, góp phần giảm chi phí sản xuất cho hoạt động sản xuất kinh doanh (BIDV, VCB, Agribank, VietinBank đều công bố từ 1-8 sẽ giảm lãi suất 0,5%/năm, thấp hơn 1,0%/năm so với trần quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). Bên cạnh đó, các tổ chức uy tín quốc tế đánh giá tốt về triển vọng kinh tế Việt Nam. Trong đó, ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8%, IMF dự báo tăng 6,5%, HSBC dự báo tăng 6,7%...
Đây là thông tin tích cực trong bối cảnh các nước lớn trong khu vực và thế giới đang có xu hướng tăng trưởng thấp. Chỉ số phát triển bền vững năm 2019 của Việt Nam tăng 3 bậc, xếp 54/162, đứng thứ 2 trong ASEAN. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 3 bậc, xếp thứ 42/129 nước, đứng thứ 3 trong ASEAN. Thủ tướng cũng bổ sung thông tin: Chỉ số PMI (nhà quản trị mua hàng) của Việt Nam tháng 7 tăng so với tháng 6-2019 (từ 52,5 điểm lên 52,6 điểm). So sánh với các nước ASEAN, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 2 sau Myanmar (52,9 điểm), xếp trên Philippines (52,1 điểm), Thái Lan (50,3 điểm).
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7-2019 tăng 0,18% so với tháng trước, bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với cùng kỳ, là mức tăng bình quân 7 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá (9,4%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao 10,7%. Vốn FDI thực hiện đạt 10,6 tỷ USD, tăng 7,1%. Hơn 79.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; hơn 24.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng gần 30%. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 145 tỷ USD, tăng 7,5%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước 12,2%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực FDI là 5,6%. Xuất siêu 1,8 tỷ USD.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. Ảnh: TTXVN. |
Thủ tướng đánh giá, tình hình chung là tích cực, vĩ mô ổn định, các ngành, các lĩnh vực tiếp tục phát triển tốt, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Khu vực nông nghiệp tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó tăng đàn bò, gà, góp phần bù đắp thịt lợn do dịch tả lợn châu Phi.
Thủ tướng đánh giá, lĩnh vực du lịch tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng với tổng lượng khách quốc tế tháng 7 tăng gần 8%. Cùng với đó, công tác an sinh xã hội, việc làm, giảm nghèo, y tế, giáo dục được chú trọng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Số hộ phát sinh thiếu đói giáp hạt giảm gần 32% so với cùng kỳ, hỗ trợ thiếu đói gần 3.900 tấn gạo. Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều khó khăn đối với nền kinh tế, trong đó, sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều trở ngại.
Trong khi đó, bão số 3 sắp đổ bộ vào bờ với cường độ ngày càng cao hơn, ảnh hưởng lớn đến khu vực Bắc bộ. Nắng nóng gay gắt kéo dài ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Đặc biệt dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành làm đàn lợn giảm rất lớn. Thủ tướng cũng lưu ý, tăng trưởng kinh tế thế giới khó khăn, trong đó có nhiều nền kinh tế lớn, dẫn đến thương mại cũng giảm theo, trong đó có thị trường Trung Quốc, một thị trường lớn nhất hiện nay của Việt Nam, chỉ tăng 1%. Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng nông sản là thế mạnh xuất khẩu của nước ta giảm, trong đó có mặt hàng cá tra.
Trước bối cảnh một số công trình quan trọng của đất nước đang chậm tiến độ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo hết sức quyết liệt, cụ thể, nhưng còn nhiều công trình công nghiệp, năng lượng, giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ. Sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn; công tác cổ phần hoá và thoái vốn Nhà nước chậm. Phát sinh một số vấn đề về văn hoá xã hội, an ninh trật tự phải quan tâm, gần đây là một số vụ tai nạn giao thông lớn xảy ra. Cải cách hành chính còn chậm, vẫn còn tình trạng nợ đọng văn bản...
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương làm các biện pháp để kiểm soát lạm phát, tạo thêm dư địa để điều hành chính sách vĩ mô. Có phương án, kịch bản phòng vệ, đặc biệt trước ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Có chính sách đối phó kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ. Đồng thời siết chặt kỷ luật ngân sách Nhà nước; thực hiện quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tiếp tục kiểm soát, khống chế dịch tả lợn châu Phi; không để xảy ra tình trạng cháy rừng...
Kết luận phiên họp chiều cùng ngày, Thủ tướng nhấn mạnh đến “quyết tâm hoàn thành toàn diện tất cả các chỉ tiêu năm 2019. Trong đó, tăng trưởng GDP phấn đấu đạt 6,8%; kiểm soát lạm phát dưới 4%. “Tinh thần là càng khó khăn, ý chí vượt khó, quyết tâm của chúng ta càng cao, không thoái chí. Các cấp các ngành phải chỉ đạo quyết liệt hơn các nhiệm vụ năm 2019 để làm đà cho kế hoạch năm 2020”, Thủ tướng nói.
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tháo gỡ môi trường đầu tư kinh doanh. Cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong triển khai các dự án, nhất là dự án mới, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố lớn, khắc phục tâm lý “sợ rủi ro” sau khi quyết định đầu tư được phê duyệt. Các bộ, ngành, địa phương cần đề xuất với Chính phủ, với Thủ tướng các phương án để khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu nhất quán, không rõ ràng của các văn bản pháp luật và các cơ chế chính sách.
“Cần rà lại về các điều kiện kinh doanh, các giấy phép con còn núp bóng đâu đó gây cản trở” - Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị 20 ngày 13-7-2018 về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.
Đáng chú ý, Thủ tướng chỉ đạo xây dựng hành lang pháp lý, định hướng hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng lực ứng dụng thành quả cách mạng công nghiệp 4.0; sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, quản lý tài sản ảo, tiền ảo, công nghệ tài chính. Theo dõi, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế đối với các vấn đề về tỷ giá, lãi suất; có giải pháp kịp thời, đảm bảo ổn định lãi suất và tỷ giá, thị trường ngoại hối và tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, tạo bước đệm chống chọi các cú sốc bên ngoài.