Thủ tướng chủ trì họp về các giải pháp cấp bách phòng, chống thiên tai

08:06 02/09/2020
Chiều 1/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm với một số bộ, ngành bàn về tình hình thiên tai và giải pháp cấp bách cần triển khai thực hiện cũng như xử lý một số kiến nghị, không để tình trạng “nước đến chân mới nhảy”.

Tham dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, từ đầu năm 2020 đến nay, đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, đặc biệt là mưa lớn, giông lốc sét, mưa đá, động đất có xu hướng gia tăng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng, ổn định kinh tế, xã hội của đất nước. Thiên tai đã làm làm 78 người chết, mất tích; 2.109 nhà bị sập, 62.805 nhà bị hư hại, tốc mái; 4.601 nhà bị ngập; 121.852ha lúa, hoa màu bị ảnh hưởng. Thiệt hại khoảng 5.000 tỷ đồng. Trên khu vực và thế giới, diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia, ở Việt Nam, dự báo mùa mưa, bão đến muộn, khả năng xuất hiện từ 7-9 cơn bão, trong đó có từ 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, bão tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam; mưa lớn tập trung và kéo dài ở khu vực Trung Bộ. Lũ quét và sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng ở khu vực miền núi.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường nguồn lực, nâng cao nhận thức của nhân dân, các cấp, các ngành về phòng chống thiên tai tại đất nước “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”.

Trước những diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường đã, đang xảy ra trên thế giới, trong khu vực và ở nước ta, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các cấp, các ngành, các địa phương đề cao cảnh giác, không được lơ là, chủ quan; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác quan trọng này khi chúng ta bước vào mùa mưa lũ. Chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa đến phòng chống thiên tai để giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác phòng chống, khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ”. Muốn có hiệu quả thì phải phát huy vai trò cơ sở là chính. Dự báo chính xác, kịp thời, chủ động là rất quan trọng. Các địa phương phải tổng kiểm tra các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ảnh hưởng trực tiếp đến dân cư. Kiểm tra các công trình đê điều, hồ đập, nhất là các vị trí công trình trọng điểm, xung yếu bị hư hỏng. Đặc biệt, đề phòng mưa lũ lớn kéo dài nhiều ngày như ở một số nước, tránh bị động, bất ngờ.

Thủ tướng cũng lưu ý, công tác vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập. Các địa phương phải rà soát phương án sơ tán dân cư khi bão lũ để bảo đảm an toàn, phòng chống thiên tai cũng như phòng chống dịch bệnh.

Chỉ đạo giám sát, tổ chức vận hành an toàn hồ đập, nhất là hệ thống hồ chứa trên bậc thang thủy điện sông Đà, các hồ chứa nước có dung tích lớn, các hồ đập xung yếu. Tuyệt đối không cho tích nước đối với các hồ chứa không bảo đảm an toàn, tăng cường lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát; có hệ theo dõi, giám sát, thông tin cảnh báo an toàn cho vùng hạ du khi xả lũ.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương phải chủ động chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện theo chức năng, nhiệm vụ được giao, làm rõ trách nhiệm nếu tình huống đó xảy ra thì ai làm, nếu tình huống xấu, gây hậu quả thì ai chịu trách nhiệm chứ không phải “cha chung không ai khóc”.

Các cấp, các ngành tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực theo dõi, giám sát, dự báo thiên tai, năng lực cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã để làm tốt công tác phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Chủ động khắc phục nhanh hậu quả thiên tai khi có tình huống xấu xảy ra, nhất là với các công trình phòng chống thiên tai.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, tổng hợp, cân đối, đề xuất bố trí trong trung hạn, đặc biệt trong dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 và các nguồn vốn khác để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai.

Không chỉ Trung ương, các địa phương phải ưu tiên cân đối, bố trí các nguồn vốn, gồm cả đầu tư công trung hạn, nguồn dự phòng ngân sách, cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai và thực hiện một số nhiệm vụ phòng chống thiên tai cấp bách.

Về kiến nghị kinh phí hỗ trợ khắc phục thiên tai tại một số địa phương, Thủ tướng nhất trí về chủ trương, nhấn mạnh tinh thần: Làm chặt chẽ, kịp thời, chống thất thoát và bảo đảm hiệu quả.

Ngay sau cuộc họp, Thủ tướng cho biết, sẽ ra Chỉ thị về các biện pháp phòng chống thiên tai.

PV (Cổng thông tin điện tử Chính phủ)

Nhiều xe chữa cháy chuyên dụng cùng trang thiết bị hiện đại và hàng chục CBCS Cảnh sát PCCC và CNCH được huy động chiến đấu với "giặc lửa" tại hiện trường vụ hỏa hoạn ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). May mắn không có thiệt hại về người.

Ngày 9/1 (giờ địa phương), Tổng tư lệnh quân đội Lebanon Joseph Aoun đã được bầu làm Tổng thống nước này, chấm dứt tình trạng bế tắc khiến Lebanon không có nguyên thủ quốc gia kể từ tháng 10/2022.

UBND TP Hải Phòng vừa có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng UBND các quận, huyện liên quan nghiêm túc kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực đê điều và công trình thủy lợi theo kiến nghị của Thanh tra thành phố.

Chính phủ phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 đạt trên mức 8% và tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2026 - 2030 phấn đấu ở mức 2 con số. Như vậy, yêu cầu đặt ra là phải tăng trưởng điện gấp 1,5 lần, dự kiến bình quân hàng năm từ 12% đến trên 16%. Để đảm bảo cung ứng điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung nguồn lực, đẩy nhanh các dự án nguồn và lưới điện.

Không khí lạnh đã ảnh hưởng đến nhiều tỉnh thành ở miền Bắc khiến nền nhiệt xuống thấp, khu vực vùng núi nhiệt độ từ 11-14 độ, có nơi xuống dưới 5 độ C, trời rét đậm rét hại.

Ngày 9/1, Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: đơn vị vừa phá thành công chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ số ma túy lớn và nhiều vật chứng liên quan khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文