Đổi mới giáo dục-đào tạo để phát triển nguồn nhân lực

17:01 05/11/2015
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo suy cho cùng chính là đổi mới trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, yếu tố có vai trò quyết định trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh yêu cầu này tại phiên họp toàn thể Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục-đào tạo và Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2011-2015, sáng 5/11 tại Trụ sở Chính phủ.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, phát triển nguồn nhân lực cùng tham dự phiên họp.

Phiên họp tập trung đánh giá, thảo luận 5 nội dung chính, gồm: Tình hình triển khai và kết quả đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; hệ thống giáo dục quốc dân; các hoạt động về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015; khung trình độ quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục-đào tạo và Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2011-2015 nhấn mạnh, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã xác định rõ mục tiêu tổng quát là tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ  về chất lượng, hiệu quả giáo dục-đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân.

Ngay sau khi có Nghị quyết, Chính phủ đã hết sức nỗ lực triển khai thực hiện, cụ thể hóa thành chương trình, hành động cụ thể từ Chính phủ cho tới các bộ, ngành hữu quan.

Nhìn lại sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29, nền giáo dục nước ta có những bước phát triển tích cực, nhất là những kết quả đạt được trong đổi mới chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo; đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh; đổi mới công tác quản lý giáo dục-đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới cơ chế tài chính và tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục…

Ngoài ra, chúng ta tiếp tục công tác giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hoá, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục-đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc.

Thủ tướng nêu rõ tinh thần chung là phải thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết số 29. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ tinh thần chung là phải thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo, một trong những công tác có ý nghĩa quyết định trong phát triển con người, nguồn nhân lực, yếu tố có vai trò quyết định trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đề cập đến hệ thống giáo dục quốc dân và khung trình độ quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đây là hai nội dung có sự gắn bó chặt chẽ với nhau. Bộ GD&ĐT cần tiếp thu đầy đủ ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành tại cuộc họp, đồng thời tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành hữu quan, các hiệp hội hoàn thiện báo cáo về hệ thống giáo dục quốc dân cũng như về khung trình độ quốc gia.

Trong đó cần đặc biệt lưu ý làm rõ những hạn chế của hệ thống giáo dục quốc dân hiện tại để đề xuất hệ thống giáo dục quốc dân mới cũng như phương án thực hiện đảm bảo được tính khả thi, đồng thời làm rõ sự cần thiết xây dựng khung trình độ quốc gia, nhất là về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn; phạm vi và cấu trúc của khung trình độ quốc gia.

“Tôi đề nghị các đồng chí thảo luận kỹ, lắng nghe để hoàn thiện hệ thống và khung chương trình, tinh thần là phải bám sát Nghị quyết của Trung ương, bám sát thực tiễn đã được tổng kết và những vấn đề phù hợp với Việt Nam, đồng thời tiếp thu những xu thế chung của thế giới”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Về đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trước hết phải xây dựng, xác định được chương trình, sau đó mới có sách giáo khoa. Đây là hai yếu tố không thể tách rời mà phải luôn gắn bó chặt chẽ, hữu cơ với nhau.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm thực hiện hiệu quả công tác đổi mới chương trình và sách giáo khoa, đảm bảo phù hợp, sát  thực tế, theo đúng tinh thần và chủ trương của Trung ương về đổi mới giáo dục và đào tạo.

Liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết kỳ thi đã được đánh giá sơ bộ. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã trình bày trước phiên họp thường kỳ của Chính phủ về những mặt được, những mặt còn hạn chế của kỳ thi với tinh thần hết sức cầu thị, nghiêm túc. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đã báo cáo về nội dung này trước Trung ương.

Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT xây dựng báo cáo đánh giá cụ thể, chặt chẽ, tổ chức hội nghị tổng kết để tiếp tục làm tốt kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016 tới.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Phải hết sức cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân và các địa phương, các trường, nhất là vấn đề tuyển sinh và phát huy quyền làm chủ của các trường để có đánh giá tổng thể những mặt tích cực và hạn chế gắn với các biện pháp khắc phục và từ tổng kết thực tiễn. Những gì đã làm tốt thì phải làm tốt hơn, những gì còn hạn chế, yếu kém so với yêu cầu đặt ra thì phải ra sức khắc phục, ra sức sửa đổi, bổ sung; đề xuất phương án tốt nhất, hiệu quả nhất cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016”.

Theo Chinhphu

Hà Nội dự kiến triển khai thực hiện sắp xếp, tinh gọn đầu mối tổ chức bên trong của các sở và tương đương giảm tối thiểu 15%-20% đầu mối, không bao gồm các tổ chức thuộc diện hợp nhất, sáp nhập do trùng lắp chức năng, nhiệm vụ khi thực hiện phương án sáp nhập các sở.

Báo cáo số 3003/KQLĐBIII-QL,TCGTĐB ngày 16/12 của Khu Quản lý đường bộ III gửi Cục Đường bộ Việt Nam về khắc phục thiên tai gây hư hỏng trên các tuyến quốc lộ ở địa bàn miền Trung – Tây Nguyên, có đề cập thông tin chi tiết về sự cố sạt lở ở đèo Khánh Lê gây ách tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 27C như Báo CAND đã thông tin.

Ngày 16/12, Phòng Cảnh sát hình sự, Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh Gia Lai) phối hợp với Viện KSND tỉnh và Công an huyện Kông Chro, Ia Pa tiến hành thực nghiệm hiện trường để điều tra Đinh Văn Ten (SN 1996), Đinh Toc (SN 2003, cùng trú ở làng Tkắt, xã Đăk Kơ Ning, huyện Kông Chro) về hành vi giết người.

Chiều 16/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) cho biết, vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Đoàn Đức Vinh (SN 1996, cư trú: xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) để điều tra về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文