Thủ tướng đối thoại với 20 tập đoàn toàn cầu

10:39 12/09/2018
Sáng 12-9, trước thềm phiên toàn thể Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc đối thoại thẳng thắn với đại diện 20 tập đoàn toàn cầu.


Những câu hỏi từ Thủ tướng

Cùng dự có lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, các tập đoàn toàn cầu như: Standard Chatered,  Google, Facebook, Apple, Bloomberg, GE, Hitachi, Temasek, ThaiBev… và một số tập đoàn lớn trong nước.

Khác với thông lệ bình thường, mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng nêu thẳng các câu hỏi đối với các tập đoàn, những doanh nghiệp đã, đang và có dự định đầu tư vào Việt Nam mà theo Thủ tướng là “quý vị đến Việt Nam đầu tư dù nhiều hay ít, chỉ cần nghiêm túc đều rất quý”. 

Thủ tướng đặt vấn đề: Ai sẽ giúp các nhà đầu tư là người dự tính sẽ đầu tư vào Việt Nam từ 500 triệu lên đến 1 tỷ USD trong 3-5 năm tới? Các nhà đầu tư cần Chính phủ Việt Nam ủng hộ điều gì? Trong những người đầu tư vào Việt Nam, ai sẵn lòng mở rộng đầu tư? Các nhà đầu tư sẵn lòng mở rộng đầu tư hay không? Chính phủ cần điều chỉnh điều gì để các nhà đầu tư nhanh chóng thực hiện kế hoạch này?

Thủ tướng cũng mong muốn lắng nghe “điều gì làm quý vị tâm đắc nhất và có điều gì mà quý vị cho là băn khoăn nhất khi đầu tư làm ăn ở Việt Nam?” để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam có giải pháp tháo gỡ, giải quyết.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu câu hỏi với các nhà đầu tư. Ảnh: Vietnamnet

Thủ tướng đặt tiếp câu hỏi, “Ngoài vốn, các bạn có ý tưởng gì đột phá cho Việt Nam trước mắt và lâu dài không? Trong bất kỳ ngành, lĩnh vực nào, công nghiệp 4.0, giáo dục, y tế, bảo hiểm, nông nghiệp… không chỉ cần vốn đầu tư, chúng tôi muốn nghe ý tưởng của các bạn đối với sự phát triển của Việt Nam vì các bạn là người giỏi nhất mới kinh doanh thành công nhất”.

“Hãy chia sẻ ngắn gọn kỳ vọng của các bạn về nền kinh tế Việt Nam trong 10 năm tới để hai bên cùng thắng. Tôi đề nghị chúng ta không phân biệt nhà đầu tư trong nước, nước ngoài, hãy nói chuyện cởi mở, thẳng thắn như những thành viên trong đại gia đình ở Việt Nam”, Thủ tướng bày tỏ.

Khuyến nghị từ các tập đoàn

Lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu đều bày tỏ vui mừng dự Hội nghị WEF ASEAN tại Việt Nam, đồng thời đánh giá cao, bày tỏ tin tưởng vào Chính phủ Việt Nam trong việc cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, điều hành kinh tế vĩ mô. Trên tinh thần đó, các tập đoàn đều cam kết đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong các chính sách lớn như xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển nền kinh tế số...

Bà Judy Hsu, Giám đốc điều hành khu vực ASEAN và Nam Á, Tập đoàn Standard Chartered cho biết, Ngân hàng này đã có mặt tại Việt Nam 15 năm và cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ tại Việt Nam, nhất là khi mới đây Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận để Ngân hàng mở chi nhánh thứ 4 vào năm ngoái tại TPHCM, đưa tổng số nhân viên hiện có của ngân hàng tại Việt Nam là 1.500 người.

Ông Simon Milner, Phó Chủ tịch Facebook, Phụ trách chính sách công khu vực châu Á-Thái Bình Dương thì cam kết hiện diện lâu dài ở Việt Nam và muốn tham gia vào tầm nhìn của Chính phủ về quốc gia số, cam kết tham gia vào 4 lĩnh vực là công dân số, kinh tế số, chính phủ số và kết nối số. Ông Simon Milner cũng cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là hỗ trợ, hợp tác với doanh nghiệp nhỏ và vừa, các start-up.  

Trong khi đó, lãnh đạo Tập đoàn Thai Beverage (Thaibev) cho biết, năm ngoái đã đầu tư khoảng 5 tỷ USD mua cổ phần Sabeco và cam kết phát triển thương hiệu Sabeco ra thế giới, giúp quảng bá cả văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. 

Ông Alex Dimitrief, Chủ tịch Kiêm Giám đốc điều hành, Tổ chức tăng trưởng toàn cầu, Tập đoàn GE, Tập đoàn có 300.000 nhân viên toàn cầu, 2.000 nhân viên tại Việt Nam, thì nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nhất của GE trên toàn cầu. “Chúng tôi đã giúp Việt Nam sản xuất điện từ các thiết bị của GE, nâng cấp hàng nghìn đường dây truyền tài điện. Khoảng 55% số các bệnh viện Việt Nam sử dụng ít nhất một trong những thiết bị, công nghệ của GE. Động cơ máy bay của chúng tôi đang có mặt trong máy bay của Vietnam Airlines và Vietjet Air. Tập đoàn GE có một nhà máy đẳng cấp thế giới ở Hải Phòng sản xuất tuabin với công nghệ 4.0. Tập đoàn hoạt động rất thành công ở Việt Nam và mong là có thể kỷ niệm 125 năm có mặt ở Việt Nam”, ông nói.

Khuyến nghị chính sách với Chính phủ Việt Nam, ông Yasuo Tanabe, Phó Chủ tịch cấp cao, Công ty Hitachi cho rằng, trước vấn đề Việt Nam làm thế nào có thể duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh trong thời gian tới, thì có 3 yếu tố là phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế số, thương mại số.

Do đó, theo ông, hiện nay, nhu cầu để xây thêm cơ sở hạ tầng ở khắp Việt Nam rất lớn và Hitachi hiện đang tham gia dự án tuyến tàu điện ngầm ở TPHCM. Ông nhấn mạnh cam kết hoàn tất tốt dự án này bởi đây là biểu tượng của mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản. Về kinh tế số, ông cho biết, sẽ tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực internet kết nối vạn vật cho ngành chế tạo. Ông cũng mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo môi trường thương mại thông thoáng, cởi mở.

Thủ tướng Chính phủ đến từng bàn để gặp gỡ đại diện các tập đoàn

Và cam kết của Chính phủ

Hoan nghênh lãnh đạo các tập đoàn thế giới tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF-ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng các nhà đầu tư và đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn nữa, giúp các nhà đầu tư làm ăn hiệu quả tại Việt Nam.

Tán thành với những cam kết mở rộng đầu tư tại Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Thaibev, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Thaibev sẽ xây dựng Sabeco thành công ty lớn, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, giữ thương hiệu bia Sài Gòn và mở rộng các sản phẩm thức uống khác. “Chính phủ bảo vệ và có biện pháp cần thiết theo kinh tế thị trường để các bạn hợp tác thành công”, Thủ tướng nói.

Đánh giá cao góp ý của ông Yasuo Tanabe, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều FTA. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào thương mại toàn cầu.

H.Chi-L.Đan

Điều này nhằm quy định rõ trách nhiệm của Cơ quan Trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và khắc phục "khoảng trống" của Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) năm 2007 khi không quy định về cơ quan có trách nhiệm lập yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dẫn đến việc Việt Nam không thể chủ động trong vấn đề này.

Sau nhiều năm dồn phần lớn lượng rác thải sinh hoạt về Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (bãi rác Đa Phước) để chôn lấp, tháng 3 vừa qua TP Hồ Chí Minh đã cho khởi công nhà máy rác điện với công suất 2.000 tấn/ngày. Đây mới chỉ là nhà máy rác điện thứ 2 trong khi từ lâu lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày tại thành phố đã ở mức 8.000 - 9.000 tấn...

Sau hai ngày TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 8 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ Tổng Công ty Chè Việt Nam (Vinatea) trong vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Vinatea, gây thiệt hại của Nhà nước số tiền hơn 38 tỷ đồng, chiều 15/4, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã nêu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án đối với các bị cáo.  

Ngày 15/4, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Thị Minh Huệ (SN 1980, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hành vi của Huệ thể hiện qua việc chị ta khoe quen biết ngân hàng thu gom USD giá rẻ, sau đó lừa những người nhiều tiền để chiếm đoạt hơn 140 tỷ đồng.

Ngày 15/4, thông tin từ Công an phường Nam Sơn (quận An Dương, TP Hải Phòng) cho biết, đơn vị vừa phát đi thông báo đề nghị cung cấp thông tin, hình ảnh liên quan đến vụ việc cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi tử vong trước công chùa trên địa bàn, để phục vụ công tác điều tra.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文