Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân

13:59 09/01/2017
Sau thắng lợi hào hùng của cuộc Cách mạng Tháng Tám, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - một nhà nước kiểu mới, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại luôn vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tiếp thu có chọn lọc những giá trị tinh hoa của nhân loại về nhà nước pháp quyền nhằm xây dựng, hoàn thiện Nhà nước. Chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 1946, tiếp đến là trong các Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và Hiến pháp năm 2013. Mỗi bản hiến pháp là một dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước ta.

Trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, Nhà nước ta không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, đã làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ khi tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, nhất là sau khi thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) về “Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh”, công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước ta đã có những tiến bộ to lớn.

Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội đã có bước đổi mới vừa bảo đảm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy trách nhiệm, tính chủ động của các cơ quan nhà nước. Bản chất giai cấp công nhân, tính dân tộc, tính nhân dân của Nhà nước được giữ vững và củng cố. Hệ thống quan điểm, nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân từng bước được hoàn chỉnh.

Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 cùng nhiều bộ luật, luật, pháp lệnh được ban hành, tạo khuôn khổ pháp lý để Nhà nước quản lý mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, trước hết là các cơ quan hành chính nhà nước đã được đổi mới và hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước được phân định rõ hơn và trong tổ chức thực hiện đã có những bước tiến tích cực. Dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được phát huy trên nhiều lĩnh vực, tác động mạnh mẽ đến việc giải phóng sức sản xuất, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Dân chủ về chính trị có bước tiến quan trọng, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Chính phủ và các bộ tập trung hơn vào quản lý nhà nước, điều hành vĩ mô và giải quyết những vấn đề chiến lược liên quan đến quốc kế dân sinh. Cải cách hành chính tiếp tục được chú trọng, tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp. Nhiều chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp được thể chế hóa trong Hiến pháp, pháp luật và được triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt những kết quả bước đầu quan trọng. Tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, tổ chức luật sư, các cơ quan bổ trợ tư pháp tiếp tục được kiện toàn, chất lượng hoạt động được nâng cao, bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, hạn chế được tình trạng oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

Hiện nay, đất nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, yêu cầu, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đặt ra rất cấp bách. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nhấn mạnh “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị... Xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tiến hành đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; gắn với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội”.

Để Nhà nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh, quản lý, điều hành đất nước hiệu lực, hiệu quả, trước hết cần quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước: “Tính chất nhà nước là vấn đề cơ bản của Hiến pháp. Đó là vấn đề nội dung giai cấp của chính quyền. Chính quyền về tay ai và phục vụ quyền lợi của ai? Điều đó quyết định toàn bộ nội dung của Hiến pháp... Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ nhân dân, dựa trên nền tảng liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo”[1]. Gắn kết chặt chẽ bản chất giai cấp của Nhà nước với tính dân tộc, tính nhân dân, thể hiện sâu sắc ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bởi lợi ích căn bản của giai cấp công nhân, của dân tộc và của nhân dân là thống nhất. Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu và con đường xã hội chủ nghĩa; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, như Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đề ra. Xây dựng Nhà nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh, gần dân, sâu sát dân, bảo đảm trên thực tế mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Tổ chức nhiều hình thức phù hợp để nhân dân tích cực tham gia hoạch định chính sách, pháp luật và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của các cơ quan nhà nước, coi đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta. Chính quyền có trong sạch, được dân tin yêu, ủng hộ thì mới vững mạnh, giữ vững được quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, tạo động lực to lớn để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là phương hướng cơ bản để phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ cương, siết chặt kỷ luật; quyền đi đôi với trách nhiệm, nghĩa vụ; dân chủ được thể chế hóa thành pháp luật, dân chủ trong khuôn khổ pháp luật. Tăng cường tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra, coi đó là công cụ quan trọng và hữu hiệu để bảo đảm hiệu lực quản lý nhà nước, thiết lập kỷ cương xã hội. Đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra trong nội bộ các cơ quan, tổ chức nhà nước; đề cao trách nhiệm kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới, của các cấp chính quyền đối với mọi cơ quan, tổ chức trên địa bàn, lãnh thổ. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự, khắc phục tình trạng vô kỷ luật, dân chủ cực đoan, lợi dụng dân chủ để gây rối an ninh, trật tự; làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo” để chống phá chế độ ta.

Hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp) để các cơ quan này thực sự là cơ quan đại diện của nhân dân và là cơ quan quyền lực nhà nước trong việc xem xét và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương. Hoàn thiện và phân định rõ mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo luật định. Tăng cường hơn nữa sự gắn kết giữa giám sát của Quốc hội với kiểm tra, giám sát của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và sự giám sát của nhân dân. Các cơ quan hành chính nhà nước phải nghiêm túc chấp hành các quyết định của cơ quan dân cử trong trách nhiệm, quyền hạn được pháp luật quy định và chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của nhân dân. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách đối với cán bộ, công chức theo hướng khuyến khích cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ; chú trọng tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực, hiệu quả thực thi nhiệm vụ để đánh giá, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút, trọng dụng nhân tài.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và đời sống nhân dân; xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, quản lý nhà nước có hiệu quả, giảm mạnh, bãi bỏ các thủ tục hành chính gây phiền hà, đáp ứng tốt nhất yêu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Phân định rõ hơn vai trò và hoàn thiện cơ chế giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Quy định rõ trách nhiệm và cơ chế giải trình của các cơ quan nhà nước, đề cao đạo đức công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Thông qua các công cụ quản lý vĩ mô và vai trò của kinh tế nhà nước để quản lý thị trường, điều tiết thu nhập, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội, thúc đẩy sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền và các tầng lớp dân cư. Kiểm soát việc phân bổ, quản lý và sử dụng vốn, tài sản công, khắc phục tình trạng vô chủ, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Xác định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền, thủ trưởng cơ quan nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Xử lý nghiêm minh các hành vi trì hoãn, làm sai lệch, can thiệp trái pháp luật hoặc lẩn tránh trách nhiệm đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Xây dựng, hoàn thiện những quy định để người dân trình bày nguyện vọng, thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, tạo sự đồng thuận trong xã hội; đồng thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những hành vi lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để xuyên tạc, vu khống, gây rối an ninh, trật tự.

Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trên cả ba lĩnh vực: Xây dựng pháp luật, chấp hành pháp luật và bảo vệ pháp luật. Tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, hiện đại với tính công khai, minh bạch cao, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng. Chỉ đạo chặt chẽ quá trình chuẩn bị và thông qua các dự án luật, bảo đảm quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, tổng kết thực tiễn, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp tiên tiến của nước ngoài; tập hợp trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia, ý kiến đóng góp của nhân dân, nhất là các đối tượng có liên quan đến việc thi hành pháp luật. Các bộ luật, luật ban hành cần bảo đảm tính khả thi, dễ hiểu, quy định cụ thể để giảm tình trạng phải chờ đợi văn bản hướng dẫn mới thi hành được. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, giải thích, giáo dục pháp luật để nhân dân hiểu và tự giác chấp hành. Tổ chức thực hiện và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, đấu tranh chống các biểu hiện coi thường pháp luật, kỷ cương, phép nước.

Cùng với tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật, đề cao tinh thần “thượng tôn pháp luật”, cần coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, văn hóa, kết hợp sức mạnh của pháp luật với sức mạnh đạo đức, văn hóa và dư luận xã hội. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên trong việc xây dựng, bảo vệ chính quyền, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thu hút sự tham gia ngày càng rộng rãi của nhân dân vào công việc quản lý nhà nước, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các hiện tượng tiêu cực khác trong bộ máy nhà nước cũng như trong đời sống xã hội.

Chú trọng phân định rành mạch thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền tư pháp trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp. Cụ thể hóa đầy đủ các nguyên tắc hiến định về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân. Tiếp tục kiện toàn tổ chức cơ quan điều tra, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan điều tra. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp đối với từng lĩnh vực hoạt động tư pháp; thường xuyên cập nhật thông tin hợp tác quốc tế về tư pháp và các lĩnh vực liên quan. Tích cực chuẩn bị đội ngũ luật sư, cán bộ các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp có đủ khả năng tham gia tố tụng trong các vụ, việc có yếu tố nước ngoài và giải quyết các tranh chấp quốc tế, bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia, quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tăng cường tổng kết thực tiễn, bổ sung và hoàn thiện lý luận, rút ra những bài học kinh nghiệm về cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Trên cơ sở đó, cung cấp những luận cứ khoa học để tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; Nhà nước hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả; nhân dân ngày càng tham gia nhiều hơn vào các công việc của Nhà nước.

Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ sự nghiệp đổi mới đất nước, tận dụng mọi thời cơ, vượt lên mọi khó khăn, thách thức, nhất định công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân sẽ giành được những thành tựu to lớn hơn nữa, đưa đất nước ta phát triển nhanh, bền vững, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 9, tr. 586.
GS.TS. Trần Đại Quang Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam

Đối tượng mạo danh là “Trưởng phòng Công an TP Đà Nẵng”, sau đó thông báo số điện thoại của nạn nhân liên quan đến việc làm ăn phi pháp; đồng thời đe dọa, yêu cầu nạn nhân cầm sổ đỏ và chuyển tiền để chứng minh mình không vi phạm. Hậu quả, nạn nhân sập bẫy Công an giả sau 2 lần chuyển tổng cộng mất hơn 2 tỷ đồng...

Tại cơ quan điều tra, Luận khai nhận, 1 quả thận được Luận mua với giá từ 380 triệu đến 450 triệu đồng, sau đó môi giới bán cho người mua có nhu cầu ghép thận với giá dao động từ 1 tỷ đến 1,45 tỷ đồng. Trong khi Luận đang tổ chức ca môi giới ghép thận vào ngày 20/12/2024 thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.

Đây là ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ tại Hội nghị triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; triển khai bệnh án điện tử, thúc đẩy kết nối, liên thông dữ liệu giữa Bệnh viện Bạch Mai với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và đẩy mạnh triển khai các nội dung của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chiều 23/12.

Theo truyền thông địa phương, các lính cứu hỏa được cho là gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận khu vực hỏa hoạn tại tháp Eiffel. Cơ quan dịch vụ khẩn cấp Paris đã phải sơ tán hơn 1200 khách du lịch đang thăm quan công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Thủ đô nước Pháp. 

Chiều 24/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Trịnh Thành Đức (SN 1996, biệt danh là Lil Ken) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Lan (vợ cũ Đức, SN 1998, ngụ quận Bình Tân) cùng về hành vi trên.

Đăng tải thông tin sai sự thật về vụ việc phóng hỏa quán cafe ở số 258 đường Phạm Văn Đồng (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lên các hội nhóm trên mạng xã hội, chị  H.T.L đã bị Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) triệu tập làm việc và ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật”.

Trước những dấu hiệu bất thường liên quan đến việc lập, phê duyệt quy hoạch, thực hiện dự án Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Lâm Bình (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu địa phương này làm rõ, đồng thời có văn bản báo cáo Thanh tra Bộ trước ngày 25/12/2024.

Nam thanh niên khai tên là Nguyễn Trần Huy, SN 2007, trú tại thôn Lê, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang trên đường chở pháo về thì bị CSGT phát hiện, bắt giữ.

Ngày 24/12, tại Công an tỉnh Tuyên Quang, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện xu hướng dịch chuyển của tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự lên không gian mạng”. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Bộ Công an chủ trì Hội thảo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文