Phạm nhân lao động bên ngoài trại giam cần đảm bảo phù hợp, chặt chẽ

19:27 04/04/2019

Chiều 4-4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách thảo luận về các dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Tham dự Phiên họp có Thượng tướng Lê Quý Vương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.




Cho phạm nhân lao động là biện pháp quản lý hiệu quả

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) cho biết: Nhiều ý kiến tán thành việc dự thảo Luật bổ sung quy định cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động và có thể tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam, đồng thời cần quy định chặt chẽ các điều kiện để đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam.

Toàn cảnh hội nghị

UBTVQH nhận thấy, đối với người bị phạt tù thì lao động, học tập (bao gồm cả học nghề) là nghĩa vụ và là một trong những yêu cầu quan trọng của công tác giáo dục người chấp hành án phạt tù. Việc giam giữ tập trung phạm nhân với số lượng lớn trong một thời gian dài, nếu không tổ chức cho họ lao động thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nguy cơ mất an ninh, an toàn tại các trại giam. 

Vì vậy, công tác tổ chức lao động cho phạm nhân vừa nhằm giáo dục cải tạo, dạy nghề, cải thiện chế độ ăn, tạo thêm khoản thu nhập, chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời cũng là biện pháp quản lý hiệu quả. 

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, hiện nay, cả nước có 54 trại giam do Bộ Công an quản lý, hầu hết đều được đóng tại các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, nhất là về giao thông. Phần lớn các trại giam tại khu vực miền Bắc và miền Trung có diện tích đất hạn chế, phân tán, thổ nhưỡng xấu, rất khó khăn trong việc phát triển sản xuất, dạy nghề cho phạm nhân. 

Lao động trong các trại giam từ trước đến nay vẫn chủ yếu chỉ làm nông nghiệp mang tính “tự cấp, tự túc”, năng suất, hiệu quả lao động và các khoản thu được để lập các quỹ theo quy định là thấp, Nhà nước vẫn phải đầu tư khoản ngân sách lớn cho các trại giam. Điều này đã hạn chế rất lớn tới các mục tiêu đặt ra trong công tác giáo dục cải tạo phạm nhân.

7.000 phạm nhân ra ngoài lao động chỉ 1 phạm nhân bỏ trốn

Theo báo cáo của Bộ Công an, để giải quyết tình trạng khó khăn nêu trên, thời gian qua, các trại giam đã liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân. Tại một số địa bàn có tình hình an ninh trật tự (ANTT) tốt và được chính quyền địa phương đồng ý, Bộ Công an đã tiến hành thí điểm, cho phép các trại giam được tổ chức “Khu sản xuất” và được liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tổ chức các “Điểm lao động” ngoài trại giam. 

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo tóm tắt

Tiêu chí để lựa chọn các phạm nhân ra ngoài lao động gồm: Loại tội phạm, mức án, thời gian phải chấp hành hình phạt tù còn lại, nhân thân, thái độ chấp hành án, giới tính, sức khỏe... Trại giam chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh, an toàn khu vực phạm nhân lao động. Tổng kết thực tiễn cho thấy, trong tổng số gần 7.000 phạm nhân ra ngoài lao động chỉ có 1 phạm nhân bỏ trốn.

Từ thực tiễn nêu trên, UBTVQH nhận thấy, việc đổi mới công tác tổ chức lao động tại các trại giam theo đề nghị của Chính phủ, tạo điều kiện để phạm nhân có thể tham gia lao động phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cho phép của các trại giam là cần thiết. 

Tiếp thu ý kiến đa số ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý Điều 33 của dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam cho phạm nhân theo nguyên tắc: Trại giam chịu trách nhiệm bảo đảm về ANTT và giám sát việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam. 

Việc phối hợp tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam không đầu tư từ ngân sách nhà nước; không tổ chức khu sản xuất, điểm lao động trong khu vực đông dân cư và tại những địa bàn phức tạp về ANTT hoặc có thể ảnh hưởng xấu tới công tác quản lý phạm nhân. Việc đưa phạm nhân ra lao động tại khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam phải có sự đồng ý của phạm nhân và phải bảo đảm các điều kiện cần thiết về an toàn, vệ sinh lao động.

Thảo luận tại phiên họp, các ĐBQH: Nguyễn Mai Bộ (An Giang), Đặng Thuần Phong (Bến Tre), Trần Văn Mão (Nghệ An)… bày tỏ phân vân về tính khả thi của việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam; để nghị cần tính toán, cân nhắc việc này bởi trong quá trình thực hiện dễ bị lạm dụng, lợi dụng; cũng như lo ngại việc phạm nhân ra bên ngoài lao động sẽ mang chất cấm, ma tuý vào trại và nguy cơ phạm nhân bỏ trốn…

Các nước đều cho phạm nhân lao động

Thay mặt Ban soạn thảo, Trung tướng Hồ Thanh Đình, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng Bộ Công an đã giải trình thêm một số vấn đề mà đại biểu nêu. Theo ông, ở trại giam phải có trừng trị, quản chế phối hợp cải tạo, giáo dục; và ngoài cải tạo về chính trị còn có cải tạo lao động. 

ĐBQH Đặng Thuần Phong phát biểu tại hội nghị

Việc tổ chức lao động cho phạm nhân là điều bắt buộc, tất cả phạm nhân vào trại đều phải học tập, phải lao động. Trung tướng Hồ Thanh Đình cho hay, qua tham gia Hiệp hội nhà tù của Châu Á – Thái Bình Dương và tham khảo kinh nghiệm của các nước thì tất cả đều tổ chức cho phạm nhân lao động, kể cả Mỹ, Nhật, Australia, Malaysia…

Thậm chí ở Singapore nhà tù còn sản xuất, cung cấp thức ăn cho sân bay quốc tế Changi. Hệ thống giặt là trong sân bay và các khách sạn cũng do nhà tù lo. “Hiện ở ta chưa lo được công ăn việc làm để giáo dục, cải tạo phạm nhân nên các trại buộc phải bằng mọi cách khắc phục. Từ khi Luật Thi hành án hình sự được thực hiện thì việc giáo dục cải tạo, tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân được quan tâm hơn”, đồng chí Cục trưởng nói.

Về ý kiến ĐBQH lo sợ rằng, kết quả lao động của phạm nhân không biết được sử dụng như thế nào, Trung tướng Hồ Thanh Đình khẳng định, Thông tư liên tịch số 12 đã quy định rất rõ và có giám sát, Kiểm toán Nhà nước đều kiểm toán vấn đề này. 

“Chúng tôi có đội ngũ kế toán lập ra để theo dõi, được lãnh đạo Bộ duyệt kế hoạch lao động sản xuất và kết quả lao động sản xuất thì đều được phân chia theo quy định, có sổ sách cụ thể và không có lợi ích nhóm ở đây” – ông chia sẻ thông tin từ kinh nghiệm của người làm trong lĩnh vực trại giam 25 năm.

Không có chuyện phạm nhân được đi đánh golf

Đối với băn khoăn của đại biểu về việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam, Trung tướng Hồ Thanh Đình lý giải đây không phải là điểm làm kinh tế, mà là điểm tổ chức cho phạm nhân lao động thực hành sau khi đã học lý thuyết, học nghề. Theo ông, trại giam cũng không có đất để cho doanh nghiệp vào làm nhà xưởng, đó là đất an ninh quốc phòng. 

Trung tướng Hồ Thanh Đình giải trình một số vấn đề đại biểu nêu

Mà doanh nghiệp đó có đất, có nhà xưởng, có đủ điều kiện ăn ở, sinh hoạt, lao động và giam giữ thì mới ký hợp đồng với họ để đưa phạm nhân ra lao động. Phạm nhân được xét duyệt, lựa chọn các ngành nghề đã được học như xây dựng, chăn nuôi, làm mộc… chứ không làm công việc độc hại. Đồng thời, số phạm nhân ra lao động sản xuất khi mãn hạn tù mà có tay nghề thì được các doanh nghiệp thu nhận làm công nhân lao động.

Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng cũng thông tin, việc phân loại, sắp xếp, chia tách phạm nhân được quản lý chặt chẽ, kể cả số phạm nhân phạm tội tham nhũng, kinh tế. Ông cho biết, trại giam trước đây có tổ chức sân bóng đá mini nhưng sau đó nhận thấy có phức tạp nên đã nghiêm cấm, hiện chỉ còn sân bóng chuyền và cầu lông.

“Còn ý kiến cho rằng phạm nhân ra ngoài đánh golf thì chúng tôi khẳng định không có, nếu có thì sẽ xử lý rất nghiêm. Phạm nhân ra khỏi trại phải có lệnh trích xuất, Giám thị phải ký mới ra được, không bao giờ có chuyện đi đánh golf. Tất cả phạm nhân đều được tạo điều kiện bình đẳng trong quản lý, giáo dục” – Trung tướng Hồ Thanh Đình nhấn mạnh.


Quỳnh Vinh

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文