Tọa đàm khoa học "Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cách mạng Việt Nam”

17:07 23/08/2016
Ngày 23-8, nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cách mạng Việt Nam”.

Tại hội thảo, các học giả đã tập trung thảo luận và làm rõ những hoạt động và cống hiến của đồng chí Võ Nguyên Giáp trên một số nội dung trọng yếu: Người cộng sản kiên cường; Người xây dựng và lãnh đạo Quân đội Nhân dân Việt Nam; Người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh;…Trong đó, những đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực giáo dục, báo chí, ngoại giao, lịch sử… của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những nội dung quan trọng, được nhiều học giả nghiên cứu và thảo luận.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tên tuổi lớn trong lịch sử dân tộc.

Trong Báo cáo đề dẫn đọc tại Tọa đàm khoa học, PGS. TS Phạm Ngọc Anh - Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng khẳng định, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tên tuổi lớn trong lịch sử dân tộc. Đại tướng không chỉ là một vị Tổng Tư lệnh lừng lẫy của quân đội nhân dân Việt Nam mà trong các lĩnh vực khác như giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật, báo chí, ngoại giao, văn hóa, lịch sử… đồng chí đều có nhiều đóng góp quan trọng.

Trên lĩnh vực giáo dục, tại trường tư thục Thăng Long, thầy giáo Võ Nguyên Giáp đã cùng các đồng nghiệp của mình, tiếp nối truyền thống ông cha, đào tạo lớp trẻ đi đúng hướng. Với bầu nhiệt huyết cách mạng, thầy giáo Võ Nguyên Giáp qua các môn lịch sử, địa lý, quốc văn, đã truyền cho học sinh lòng yêu nước thương dân, khơi dậy lòng nhiệt tình và lối sống có trách nhiệm với chính mình, với quê hương, với dân tộc. Khi đất nước bước vào thời kỳ kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế, đồng chí đã nhiều lần phát biểu những ý kiến tâm huyết của mình để chấn hưng nền giáo dục nước nhà.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh TL

Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, trong đó có khoa học - kỹ thuật, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều đóng góp cho việc phát triển khoa học - kỹ thuật trong giai đoạn đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại tướng đã dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên (1980) và Dự thảo chiến lược kinh tế và quốc phòng biển (1985), thể hiện nhận thức sâu sắc của Đại tướng về yêu cầu đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học - kỹ thuật để phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên và vùng biển nước ta.

Trên lĩnh vực báo chí, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà báo chính luận xuất sắc. Ngày 24 - 3 - 1927, bài báo đầu tiên của đồng chí bằng tiếng Pháp được gửi đăng trên tờ báo L’ Annam của Luật sư Phan Văn Trường ở Sài Gòn làm chủ nhiệm với tựa đề “Đả đảo tên tiểu bạo chúa ở trường Quốc học!”, lúc đó đồng chí 16 tuổi, học khóa đệ nhị niên tại trường Quốc Học tại Huế.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Tại Đại hội báo giới Bắc Kỳ lần thứ nhất họp ngày 24-4-1937, nhà báo Võ Nguyên Giáp được bầu là Chủ tịch Báo giới Bắc Kỳ. Là một trí thức cách mạng, hiểu biết sâu rộng, những bài báo của đồng chí mang hàm lượng trí tuệ rất lớn. Đây chính là kho tàng văn hóa lớn vô cùng quý báu cần được giữ gìn, sưu tầm, bổ sung, khai thác, phát huy cho ngày nay và các thế hệ mai sau.

Trên lĩnh vực ngoại giao, sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945,  đất nước đứng trước những khó khăn bộn bề của nước Cộng hòa non trẻ, vận mệnh dân tộc được ví như “ngàn cân treo sợi tóc”, đồng chí Võ Nguyên Giáp trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ (bao gồm nội chính và Công an) được Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc này là Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) giao cho nhiều nhiệm vụ đối ngoại đặc biệt.

Đại tướng đã tiếp xúc với Phái bộ Mỹ mới sang Việt Nam cùng những người Pháp trong máy bay, hay cuộc “chạm trán” với Sainteny tại phòng lớn của Phủ Toàn quyền, chuẩn bị tiến tới Hiệp định ngày 6-3-1946, cũng như gặp gỡ tướng Leclerc sau khi ký Hiệp định Sơ bộ, hay cuộc đấu trí và đấu lý ở Hội nghị Đà Lạt… Đồng chí đã không bỏ một cơ hội hòa bình nào, chỉ khi nào hòa đàm không xong, đồng chí mới phải chọn giải pháp đấu tranh bằng vũ lực để giữ vững đến cùng mục tiêu cao cả: độc lập và thống nhất đất nước.

Học giả tham dự buổi tọa đàm.

Trên lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, đồng chí Võ Nguyên Giáp có nhiều cống hiến nổi bật. Cuộc đời đồng chí là một tấm gương phản chiếu gần trọn thế kỷ XX, nhiều ý kiến cho rằng, đồng chí là “người làm nên lịch sử” rồi cũng là “nhà tổng kết lịch sử” hàng đầu của nền sử học đương đại Việt Nam.

Từ những bài viết về dân cày, về cách mạng tư sản Pháp và nhiều vấn đề có liên quan đến lịch sử trên các tờ báo đến những bài dạy sử trên bục giảng trường Thăng Long cho đến hàng trăm bài nói về lịch sử vào những dịp kỷ niệm các danh nhân hoặc sự kiện lịch sử hay các hội thảo khoa học.

Những bài nói của Đại tướng về các sự kiện lịch sử như Cách mạng Tháng Tám, Điện Biên Phủ, Hội Truyền bá Quốc ngữ… và đặc biệt là những bài nói, bài viết về những đồng đội, như các tướng lĩnh Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Sơn, Đinh Đức Thiện, Nguyễn Hữu An, Nguyễn Chánh, Phạm Kiệt, Vương Thừa Vũ… nếu tập hợp lại cũng đáng coi là một pho sử quý giá.

Từ những bài tổng kết chiến tranh đến những công trình lý luận về quân sự, về tư tưởng Hồ Chí Minh, về hai cuộc kháng chiến và đặc biệt là bộ Tổng tập “Hồi ký” đến nay đã công bố gần trọn vẹn cuộc đời của Đại tướng cũng là gần trọn vẹn những sự kiện lịch sử quan trọng nhất của nửa sau thế kỷ XX.

Cảnh Thảo

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa phối hợp Công an tỉnh Nam Định triệt xóa thành công nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài khoản cá nhân, dữ liệu người dùng trên địa bàn toàn quốc và các quốc gia trên thế giới, bắt giữ 22 đối tượng.

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 6/5, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Ninh Thuận cho biết, cơ quan này đang phối hợp UBND, Công an huyện Ninh Hải và Đồn biên phòng Vĩnh Hải tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý vụ việc nữ du khách đến từ Hà Nội bị hành hung tại bãi Kinh ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Trong lúc đang đánh cá trên biển, do lốc xoáy, sóng to đã làm 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn, trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc. Hiện 11 ngư dân vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân mất tích đang được triển khai rất khẩn trương

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文