Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì phiên họp về chống tham nhũng

18:36 26/07/2019
Trong 6 tháng đầu năm, các địa phương đã khởi tố 176 vụ án/425 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, tăng 13,5% về vụ và 32,8% về số bị can so với cùng kỳ năm 2018.


Ngày 26-7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Phiên họp thứ 16 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo, để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2019 và đề ra nhiệm vụ trọng tâm công tác những tháng cuối năm 2019.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận phiên họp. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Công tác phòng, chống tham nhũng được duy trì, đẩy mạnh

Sáu tháng đầu năm, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh theo hướng có chiều sâu, đạt kết quả toàn diện, đồng bộ, rõ nét hơn. 

Ban Chỉ đạo đánh giá công tác điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án được đẩy mạnh với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn; nhiều vụ án được mở rộng điều tra, chứng minh làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng; khởi tố thêm nhiều bị can, trong đó có nhiều trường hợp là cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý, qua đó tiếp tục khẳng định quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan tiến hành tố tụng trong Công an, Quân đội, Viện kiểm sát, Tòa án, Nội chính, cơ quan giám định, định giá tài sản... đã nỗ lực cố gắng, phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp, tập trung chỉ đạo khắc phục nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp hồ sơ, tài liệu, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, thu hồi tài sản... giúp cho việc xử lý các vụ án, vụ việc có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm tiến độ theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo, có vụ vượt yêu cầu đề ra.

Khởi tố 176 vụ án/425 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ

Các cơ quan chức năng đã kết thúc xác minh, giải quyết 24 vụ việc, mở rộng điều tra, khởi tố mới 5 vụ án, phục hồi điều tra 4 vụ án, khởi tố thêm 26 bị can; kết thúc điều tra 3 vụ/19 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 6 vụ/27 bị can, xét xử sơ thẩm 9 vụ/21 bị cáo, xét xử phúc thẩm 10 vụ/149 bị cáo. 

Cơ quan chức năng đã xét xử kịp thời, nghiêm minh 4 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm: vụ án "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Vinashin; vụ án "Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; đánh bạc..." xảy ra ở Phú Thọ và một số địa phương; vụ án "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á, Thành phố Hồ Chí Minh (DAB); vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"xảy ra tại Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố; mở rộng điều tra, làm rõ hành vi đưa, nhận hối lộ trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ, khởi tố điều tra vụ án xảy ra tại dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên... 

Lực lượng chức năng tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch, chuyển nhượng tài sản liên quan các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo với giá trị tài sản trên 10.000 tỷ đồng. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các địa phương có nhiều tiến bộ, dần khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh."

Trong 6 tháng đầu năm, các địa phương đã khởi tố 176 vụ án/425 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, tăng 13,5% về vụ và 32,8% về số bị can so với cùng kỳ năm 2018; tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý nghiêm minh, kịp thời các tổ chức đảng, đảng viên sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Từ đầu năm tới nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 123 tổ chức đảng và 7.923 đảng viên vi phạm, trong đó có 256 đảng viên bị kỷ luật do có hành vi tham nhũng, cố ý làm trái, tăng 21 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018. 

Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật đối với 1 tổ chức đảng, 13 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu. 

Tính từ đầu nhiệm kỳ tới nay, đã thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Cơ quan Thanh tra, Kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý 61.392 tỷ đồng và 142 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 692 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 46 vụ, 73 đối tượng. 

Thanh tra Chính phủ đã tập trung thanh tra, ban hành kết luận thanh tra các dự án, vụ việc theo Kế hoạch của Ban chỉ đạo. Tiếp tục quan tâm, chỉ đạo xây dựng, ban hành nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng Đảng, quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống nham nhũng.

Nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phòng, chống tham nhũng đã được xây dựng, ban hành, nhất là các quy định về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân; về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, về thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tố cáo... 

Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh; phát huy tốt vai trò của Mặt trận, các tổ chức thành viên, báo chí và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Đẩy mạnh, kiên trì phòng, chống tham nhũng

Ban Chỉ đạo thống nhất những tháng cuối năm 2019, cần tiếp tục đẩy mạnh, kiên trì, thường xuyên, liên tục với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, đạt được nhiều kết quả hơn nữa trong phòng, chống tham nhũng, góp phần chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng; tập trung chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng "tham nhũng vặt;" tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng ở các bộ, ngành, địa phương, cơ sở; kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng, Nhà nước nói chung, các cơ quan phòng, chống tham nhũng nói riêng những cán bộ hư hỏng, tham nhũng.

Ông Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng theo chương trình của Ban Chỉ đạo; chỉ đạo khẩn trương hoàn thành kết luận thanh tra Dự án mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc; thanh tra chuyên đề về quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế; kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Bình Phước và Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình. 

Tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra 28 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 23 vụ án, xét xử sơ thẩm 25 vụ án, xét xử phúc thẩm 4 vụ án, kết thúc xác minh, giải quyết 28 vụ việc thuộc diện ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, nhất là hoàn thành xét xử sơ thẩm 8 vụ án trọng điểm trong năm 2018 theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo; triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2019 của Ban Chỉ đạo; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; hoàn thành các Đề án theo Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo; báo cáo nghiên cứu, đề xuất một số chủ trương, định hướng lớn về công tác phòng, chống tham nhũng để phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Cũng tại Phiên họp, Ban Chỉ đạo đã thống nhất kết thúc theo dõi, chỉ đạo đối với 6 vụ án, 10 vụ việc đã kết thúc việc giải quyết theo quy định của pháp luật; bổ sung vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí"xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SARGI) vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; báo cáo kết quả kiểm tra chuyên đề công tác thu hồi tài sản thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; cho ý kiến vào Đề án sửa đổi, bổ sung Quy định số 163-QĐ/TW ngày 1/2/2013 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo để hoàn thiện, trình Bộ Chính trị.

Chúng ta không chùng lại, thậm chí là quyết liệt hơn

Phát biểu kết luận Phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo nêu rõ sau khi nghe báo cáo của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, có 12 đồng chí phát biểu ý kiến. 

Các ý kiến đều đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan thường trực, cụ thể là Ban Nội chính Trung ương giúp việc cho Ban Chỉ đạo, chuẩn bị công phu, chu đáo, có báo cáo đầy đủ, toàn diện, có báo cáo chuyên đề từng lĩnh vực, có tờ trình, dự kiến sắp tới sửa Quy định số 163-QĐ/TW, ngày 1/2/2013 của Bộ Chính trị quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng... 

Các ý kiến đều tán thành với những đánh giá cơ bản trong báo cáo, kiến nghị đề xuất sắp tới làm những gì, từ nhiều góc độ khác nhau, nhiều cách tiếp cận khác nhau. 

Các ý kiến phát biểu rất sâu, không chỉ có đường hướng chung, mà cả đi vào một số vụ việc cụ thể, có tính chất nghiệp vụ, gợi ý để làm tiếp.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh tâm tư, mong mỏi của dư luận xã hội, cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là các lão thành cách mạng rất quan tâm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Một mặt là hết sức vui mừng phấn khởi, đánh giá cao những việc làm của Đảng, Nhà nước nhằm chống tham nhũng thời gian qua, trong đó có vai trò trực tiếp của Ban Chỉ đạo. Đây là một trong những yếu tố tạo ra không khí phấn khởi trong toàn xã hội; cùng với kinh tế, xã hội, đối ngoại thì lĩnh vực xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng được nhân dân, cán bộ, đảng viên rất hoan nghênh, đồng tình đánh giá cao, cho đây là nhân tố tạo ra, củng cố và tăng thêm niềm tin của nhân dân với Đảng và chế độ. Một không khí phấn khởi lan tỏa trong toàn xã hội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chia sẻ mỗi lần Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp, Tòa án tuyên bố cái gì là dư luận, nhân dân rất quan tâm. Bên ngoài, người ta cũng đánh giá cao công tác chống tiêu cực của chúng ta, nhiều nước chưa làm được. 

Mặt thứ hai, tâm lý xã hội luôn mong mỏi tiếp tục cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thậm chí lo lắng liệu có duy trì được không, có tiếp tục làm mạnh không hay là chùng xuống. 

Tâm lý xã hội rất lo lắng là liệu sắp tới chúng ta có làm tiếp, làm quyết liệt hay không, hay là dở chừng thôi. Đây là tâm lý có thật và chính đáng, đấy cũng là điều ủng hộ chúng ta làm mạnh mẽ hơn nữa. 

Vì sao lại như vậy, vì cũng có một thực tế là có những việc chúng ta làm được triệt để, có việc làm dở dang, có việc còn kéo dài, hay là có vụ việc người ta cho là xử hơi nhẹ, nhưng cái đó có thể là do cách nhìn thôi. 

Trên thực tế, qua báo cáo này cũng như qua theo dõi thực tế thì rõ ràng trong 6 tháng qua, chúng ta không hề dừng lại, không hề ngơi nghỉ mà làm ngày càng quyết liệt, đi vào chiều sâu, có hiệu quả cao hơn và cho chúng ta thêm nhiều bài học kinh nghiệm quý. 

Các vụ án có giảm đi đâu, các vụ việc đang làm có bỏ dở đâu, mức án có nhẹ đâu, có vùng cấm không, ngoại lệ không, chùng xuống không? Rõ ràng không có căn cứ để nói rằng chúng ta dừng lại hay chùng xuống, thậm chí trong báo cáo nói là làm quyết liệt, mạnh mẽ, bài bản và ngày càng cho ta thêm kinh nghiệm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: "Làm sao phải làm cho nhân dân hiểu rõ, mà muốn thế không gì khác là không chỉ nói mà phải làm quyết liệt hơn nữa, duy trì và làm ngày càng nhuần nhuyễn, bài bản hơn. Rất rõ, công khai rồi là Mobifone, AVG, đã đền bù 8.500 tỷ đồng thì có thể là yếu tố xem nhẹ, nhưng đây không chỉ mua bán, làm thất thoát tài sản, quá trình làm, khai là có hối lộ và nhận hối lộ, mà tiền hàng mấy triệu đôla, thế có xử không, phải làm tiếp và đang làm. 

Vụ đánh bạc, vụ Vũ Nhôm, vụ Út Trọc, làm vụ này nó ra vụ khác. Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Quân đội cũng mấy Ủy viên Trung ương rồi, tới còn làm tiếp. Cho nên là về tư tưởng chỉ đạo cũng như không khí chung thì chúng ta đang làm tiếp, không có vùng cấm, không ngừng lại, không có ngưng nghỉ. Chúng ta không trùng lại, thậm chí là quyết liệt hơn."

Trên "nóng," dưới "ấm lên"

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ một số lĩnh vực nêu trước đây, giờ đã bước đầu khắc phục được, đó là tình trạng "trên nóng, dưới lạnh." Bây giờ, dưới chưa được bằng trên, nhưng đã "ấm lên" rồi, mặc dù vẫn còn phải làm nhiều. 

Trong báo cáo có thống kê Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các bộ, cơ sở... cho thấy có những chuyển biến. Hay là tình trạng tham nhũng "vặt," như là ghẻ ruồi rất khó chịu, đó là nhũng nhiễu, cái này tác hại rất lớn, chủ yếu là các cơ quan công quyền, cơ quan hành chính, các cấp bên dưới vòi vĩnh, đi đâu cũng phải có tiền, bây giờ đã khá hơn chưa.

Sắp tới còn phải tiếp tục làm, hiện tại mặc dù đã có chuyển biến. Thu hồi tài sản ngày càng khá hơn, các khâu yếu trước kia án xử nhẹ, có án treo, nhưng mấy năm nay các đồng chí thấy có án treo đâu, hầu như không có, nếu có rất ít, xử đúng người, đúng tội nhưng rất nhân văn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói: "Một cái nữa tôi cho quý hơn nhiều, phương thức cách làm ngày càng nhuần nhuyễn, bài bản, nền nếp, có thêm kinh nghiệm. Đó là rõ đến đâu làm đến đấy, làm có căn cứ, làm có bằng chứng, làm thận trọng, làm đi làm lại, không quy oan cho ai cả. Riêng về văn bản quy định của pháp luật hay các nghị định của Chính phủ ban hành rất nhiều, để răn đe chứ không phải chờ xảy ra mới xử lý. Cái này là chuyển biến mới lắm, các quy định nêu gương, quy định khai sai tuổi, một loạt quy định trong Đảng có tác dụng tốt, chứ không chỉ nhăm nhăm đi xử đâu. 

Các cơ quan phối hợp với nhau ngày càng tốt, cho chúng ta kinh nghiệm. Chúng ta có Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo họp định kỳ, có cơ chế hội ý giữa các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo các cơ quan phòng chống tham nhũng, rất hiệu quả. Ban Chỉ đạo cho chủ trương đường lối định hướng, còn làm phải là những con người cụ thể. Giữa các cơ quan tố tụng với nhau bây giờ phối hợp nhịp nhàng hơn, bàn rồi thống nhất rất cao. Nếu như chưa thống nhất cao, ta theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số, không chỉ căn cứ vào luật pháp thuần túy, căn cứ vào ý thức Đảng, nguyên tắc tổ chức của Đảng, cách làm phải theo tập thể, không cá nhân nào được lèo lái chỗ này cả, sắp tới cứ duy trì cái này."

"Bây giờ anh nào không làm cũng không được, anh lảng tránh cũng không được, kể cả cơ quan có đủ quyền lực muốn lảng tránh cũng không lảng tránh được, cơ chế buộc anh phải thế này. Tôi cho cái này mới là kinh nghiệm quý, chúng ta duy trì được," Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ. 

Có dính dáng gì, thôi đừng cấu tạo vào cấp ủy nữa

"Hôm nay, các đồng chí họp, ra văn bản, sắp tới các cơ quan điều tra cứ thế mà làm, điều tra theo luật pháp, ý kiến khác nhau đưa ra bàn, nếu còn nhiều ý kiến khác nhau ta theo nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Đấy là chưa nói cá nhân anh có vướng víu gì, hoàn toàn lành mạnh thôi, ý kiến khác nhau là bình thường, mỗi anh ở một góc tiếp cận một lượng thông tin khác nhau thì ý kiến khác nhau, bàn cho kỹ đi nhưng phải đi đến kết luận. Mỗi ông gác một mảng, biết mảng mình thôi, cứ bảo vệ ý kiến của mình, nhưng phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết, trừ phi cá nhân anh có động cơ gì thì xử cả anh. Phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan phòng chống tham nhũng cơ mà, anh vướng vào quan hệ thân quen, tìm mọi cách che, xóa nhẹ nó đi - không được! Gia đình vợ con vướng vào, anh tìm mọi cách - không được! Phải nói thẳng nói thật như thế, đây là kinh nghiệm. Tất cả các cơ quan tố tụng ngồi đây hết, cả cơ quan quần chúng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, tư pháp có hết ở đây, chúng ta lại chịu à. 

Cho nên vì sao vừa qua ta làm được, sắp tới muốn làm tiếp tục, trả lời câu hỏi làm thế nào, cứ đưa ra bàn tập thể, nếu cần tôi dùng nguyên tắc Đảng, thiểu số phục tùng đa số. Đương nhiên không gò ép áp đặt máy móc, gò bó hay là có dụng ý gì xấu với nhau, đây là vì lợi ích của nhân dân, của Đảng, của chế độ. Loại trừ những động cơ cá nhân ở đây đi, vì cái chung anh phải theo nguyên tắc tập thể.

Tôi muốn nói sâu ý này, thành bài học, thành nếp, không làm không được, lò cháy lên rồi không ai có thể đứng ngoài cuộc được. Ngược cái, anh lộ ra ngay, trong Ban Chỉ đạo anh nào ngược cái anh ấy lộ ra ngay, là thế nào ngay, có biểu hiện gì tôi kiểm tra ngay anh, có được không, có dấu hiệu không, Ủy ban Kiểm tra kiểm tra dấu hiệu vi phạm. Bây giờ, hằng tháng Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp, cứ sau khi họp công bố là dư luận quan tâm, chưa công bố là ngong ngóng chờ đợi. Công bố xong, người ta chờ Trung ương xử lý thế nào. Vừa qua, rất mừng Ủy ban kiểm tra Trung ương làm việc ngày càng tốt, biểu quyết rất cao và rất dân chủ.

Các cơ quan điều tra bây giờ tốt hơn, kiểm tra tốt hơn, trong công an, trong quân đội bây giờ cũng tốt rồi, vừa rồi xử lý mấy đồng chí liên quan đến Trung ương, liên quan đến đất đai, và còn phải làm tiếp. Tuy nhiên cái hạn chế, như các đồng chí nói, khâu giám định vẫn còn yếu, một số địa phương đã có chuyển biến nhưng không đều. Tôi đề nghị sắp tới Ban Chỉ đạo phải quan tâm hơn chỉ đạo các cấp bên dưới làm, không phải chỉ Ban Chỉ đạo làm, đấy cũng là nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo. Qua đây để đánh giá cán bộ các cấp sắp tới thế nào. Sắp tới Đại hội, địa phương nào làm tốt, cán bộ ở đấy thế nào? Có dính dáng gì vào đấy? nếu thế thôi đừng cấu tạo vào cấp ủy nữa."

Phải liêm, phải sạch thì mới kiểm tra được người ta

"Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, chương trình đã có, vạch ra từ đầu năm, hôm nay cụ thể hóa, dứt khoát là không có chuyện dừng lại hoặc ngập ngừng. Tư tưởng này phải quán triệt thật sâu sắc, nói mạnh vào, toàn Đảng, toàn dân phải quyết tâm, mà không thể ngừng lại được, không thể không làm được, vì đây là yêu cầu của cách mạng, là nhu cầu tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, là mong muốn của Đảng ta, của dân ta. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận phiên họp. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Chuẩn bị Đại hội đến nơi rồi, rất nhiều việc phải làm cho nên phải lựa chọn việc làm cho tốt, những cái đã có trong chương trình này rồi thì phải làm tiếp, không có ngừng, không có nghỉ, không có dao động tí nào cả. 

Trong chúng ta nếu có ai dao động, ngập ngừng thì tự giác báo cáo là tôi thấy dao động, ngập ngừng đây này, xin tự thôi đi, phải có quyết tâm như thế chứ; và truyền tinh thần ấy xuống bên dưới như thế. Đi kiểm tra cũng phải nói bên dưới như thế, nói thật vừa qua một số đoàn kiểm tra cũng còn hình thức, nghe người ta báo cáo xong về, có kết quả chuyển biến gì cụ thể không, kiểm tra nội dung gì phải tính đi, xuống kiểm tra phải có sản phẩm, có chuyển biến thì hãy đi kiểm tra, nếu đoàn kiểm tra nào đi kiểm tra không có chuyển biển, thì kỷ luật anh trưởng đoàn kiểm tra mặc dù là thành viên của Ban Chỉ đạo. Tinh thần là phải quyết liệt như thế.

Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tôi nhớ khóa trước khi bảo là kiểm tra vụ này vụ kia đi, các đồng chí trả lời cái này lại thuộc thẩm quyền bên dưới. Sao khóa này lại làm được? lại phải chỉ đạo là ta được làm xuống cấp dưới, xuống đến cấp huyện, tại sao cứ đổ tại cái nọ cái kia. Kiểm tra không cần đi nhiều, một vài đoàn thôi, kiểm tra cho ra vấn đề, tôi tin là nhiều nơi khác sẽ sửa ngay, không phải đi kiểm tra nhiều đâu. Đoàn kiểm tra phải mẫu mực, chứ xuống mà lại lằng nhằng nọ kia, rồi nó lại mời các bác đánh chén một bữa, mời các bác có cái phong bì rồi các bác qua qua đi cho em, kể cả thanh tra, kiểm toán. 

Tôi đã nói nhiều lần rồi, kiểm tra, kiểm toán phải liêm, phải sạch, thì mới kiểm tra được người ta. Phải như ông Bao Công ấy chứ, thì chúng ta không ngại gì cả, do chúng ta thôi. Phương hướng sắp tới, tinh thần là phải tiếp tục làm, làm quyết liệt, làm tập trung, dứt điểm những việc đang dở dang, những khâu còn yếu, những địa bàn trọng điểm, những việc đang làm dở. Có chương trình rồi, giờ hệ thống hóa ra, vụ nào đang làm có rồi, tháng nào xong, không xong ai chịu trách nhiệm, vì Ban Chỉ đạo quyết rồi, anh không làm thế mai kia trả lời thế nào, báo cáo thế nào với Trung ương. Anh bảo là vì khó à, khó thôi anh từ chức đi, phải với tinh thần rất là quyết liệt như vậy."

Đại hội là một dịp để sàng lọc cán bộ

Nhân dịp chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, chúng ta phải kiểm tra để tạo điều kiện cho cấp ủy ở đó làm tốt hơn, xây dựng báo cáo chính trị, đặc biệt là công tác nhân sự. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Nhất quyết không được để lọt những người có biểu hiện tham ô tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức vào cấp ủy sắp tới, nơi nào để xảy ra cái này, mai kia kỷ luật chỗ ấy. Chủ trương có rồi, quy trình quy định có rồi, sắp tới Tiểu ban Nhân sự sẽ họp, rà soát đi rà soát lại. Có dấu hiệu vi phạm thì phải kiểm tra, kiểm tra có vấn đề thì không đưa vào cấp ủy. Đang có tâm lý chờ đợi xem, sắp tới ông ấy có làm quyết liệt không, hay là thế nọ thế kia đi, tình hình nó thay đổi thế này, thế khác - không có đâu! Ai làm cũng phải thế thôi."

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: "Đưa một số vụ vào diện Ban Chỉ đạo chỉ đạo thì đồng ý thôi, cái đó cũng do ta thôi, nhưng mà cũng lượng sức, đưa vào nhiều mà làm không tốt cũng không hay bằng đưa đâu làm chắc đấy, làm không để hở vụ nào cả thì mới được. Mấy vụ đang dở dang phải làm đi. Về các kiến nghị, tất cả các ý kiến phát biểu đều đồng ý, kể cả sửa Quy định 163, nhưng với tính thần nếu sửa cái này vừa đề cao quyền hạn, nhưng cũng đề cao trách nhiệm của Ban Chỉ đạo trước Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương. Chúng ta không thể thất hứa với dân, làm nhân dân thất vọng được. Dân đang mong chờ, Ủy ban Kiểm tra phải thế, Thanh tra phải thế, Kiểm toán phải thế, Công an phải thế, Tòa án phải thế. Có một thuân lợi là nhân dân, xã hội đang rất ủng hộ chúng ta.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước giao Ban Nội chính tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh các báo cáo, tờ trình, một mặt là bên Quốc hội, Chính phủ tăng cường thêm các quy định, quy chế làm việc, đây là luật pháp mà, phải làm đồng bộ, chú ý xây là cơ bản, chống là quan trọng, chứ không phải chỉ nhăm nhăm đi chống.

Nói thế là để răn đe, xử vụ kia là để răn đe, ngăn ngừa, đánh động một vài chỗ là để động nơi khác. Nên chăng sau đây ta ban hành Kết luận của Ban Chỉ đạo về cuộc họp hôm nay; báo cáo Bộ Chính trị sửa Quy định 163 cũng tinh thần này. Tất cả chúng ta ngồi đây trước hết phải mẫu mực trong phòng chống tham nhũng, chống tham nhũng ngay trong các đồng chí đi chống tham nhũng, các cơ quan phòng chống tham nhũng. Tôi tin như thế sẽ được, miễn là mình thật trung thực với Đảng, với nhân dân, có thật làm không, làm vì nước vì dân thì không sợ.

Tôi nó thế có đạo lý không, có nói suông không, hay thực tế cuộc sống nó thế, dân người ta biết hết ấy mà. Cứ họp bàn với nhau cho kỹ, đi tìm tiếng nói chung, nếu chưa đồng nhất, đồng thuận, lại tìm hiểu nghiên cứu tiếp, bàn tiếp không có vội, đến lúc nào đồng ý cả thì ta làm, nhưng không vì thế mà dây dưa thì lại vi phạm luật pháp.

Các lĩnh vực như đất đai, rửa tiền qua nước ngoài, đầu tư, công tác cán bộ, cổ phần hóa, đấy là những khâu trọng tâm sắp tới, nhưng trung tâm vẫn là chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp sắp tới. Đại hội là một dịp để ta sàng lọc cán bộ, không chỉ bàn phương hướng công tác. Ai xứng đáng thì làm, không xứng đáng thì thôi, không sợ thiếu cán bộ. Tôi tin có người làm, không thiếu gì những người tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, mạnh mẽ làm, làm để giữ uy tín chứ không sợ mất uy tín, càng che giấu càng mất uy tín.

Theo Vietnamplus

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文