Tổng Thư ký Quốc hội: Đề nghị Bộ Công an xác minh tin nhắn tống tiền lãnh đạo Đoàn ĐBQH

18:09 18/10/2018

“Sáng nay nhận được 2 báo cáo của hai Văn phòng, nhưng từ hôm qua tôi đã có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị xác minh thông tin này đúng hay sai. Khi có kết quả xác minh ra sao chúng tôi sẽ trả lời”– Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.


Chiều nay, 18-10, tại Hà Nội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì Họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV.

Việc lấy phiếu không ưu tiên ai cả

Tại buổi họp báo, phóng viên báo chí đã đặt câu hỏi liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm, theo chương trình dự kiến lần đầu thì việc lấy phiếu sẽ được thực hiện vào giữa kỳ họp, nhưng nay đẩy lên đầu kỳ. Xin Tổng thư ký Quốc hội cho biết lý do vì sao? Phải chăng để tránh tình trạng lobby (vận động hành lang-PV) trước khi lấy phiếu tín nhiệm?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm đã được đẩy lên sớm, ngày 22-10 khai mạc thì ngày 24-10 lấy phiếu tín nhiệm luôn. Lý do là việc chất vấn tại kỳ họp chỉ tiến hành đối với một số thành viên Chính phủ có liên quan đến nội dung trong Nghị quyết chuyên đề giám sát của Quốc hội, còn các thành viên khác thì không.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo

“Chất vấn thì có những nội dung tốt nhưng cũng có nội dung chưa tốt. Vì vậy việc lấy phiếu tín nhiệm trước khi chất vấn là để tạo công bằng trong việc đánh giá. Hơn nữa, việc đánh giá để lấy phiếu tín nhiệm không phải chỉ dựa vào phiên chất vấn mà là đánh giá từ đầu nhiệm kỳ đến giữa nhiệm kỳ, gần 3 năm” – Tổng Thư ký Quốc hội nói.

Ngoài ra theo ông, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) còn căn cứ vào các kỳ tiếp xúc cử tri, theo dõi qua từng hoạt động của những người được lấy phiếu và thành viên nào làm tốt hay không đại biểu đều hiểu hết rồi. “Chúng tôi cũng đã gửi sớm toàn bộ hồ sơ, báo cáo của các đối tượng lấy phiếu tín nhiệm đến từng đại biểu trước 30 ngày để ĐBQH có thời gian nghiên cứu, đánh giá”, ông khẳng định.

Các phóng viên tiếp tục băn khoăn, trong số các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm có 18 đồng chí là thành viên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, liệu việc lấy phiếu có lợi thế hơn các khối khác hay không?

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc giải đáp: “Bản thân tôi cũng là đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm, có ưu tiên gì không tôi không biết nhưng danh sách lập như nhau”. Ông cho rằng, ĐBQH căn cứ ở mức độ hoàn thành nhiệm vụ chứ không ưu tiên ai cả và cũng không có cơ sở gì để ưu tiên.

Cũng tại cuộc họp báo, phóng viên có đặt vấn đề về việc gần đây một số cán bộ lãnh đạo thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH một số tỉnh như Quảng trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam… nhận được tin nhắn đe doạ, yêu cầu đưa 100 triệu đồng. Văn phòng Quốc hội đã nhận được thông tin này chưa và có đề nghị Bộ Công an vào cuộc hay không?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin từ báo chí, ông đã yêu cầu Vụ tổ chức cán bộ trao đổi với các văn phòng và đã nhận được báo cáo thể hiện tình hình đúng như báo chí phản ánh.

“Sáng nay nhận được 2 báo cáo của hai Văn phòng, nhưng từ hôm qua tôi đã có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị xác minh thông tin này đúng hay sai. Khi có kết quả xác minh ra sao chúng tôi sẽ trả lời”– Tổng Thư ký Quốc hội nói.

Đồng thời ông cũng cho biết thêm, một số đồng chí khác cũng nhận được tin nhắn tương tự từ lâu rồi chứ không phải bây giờ mới có, trong đó có đồng chí đã nghỉ hưu, thậm chí có đồng chí nghỉ hưu được 2 năm…

Thông qua 9 Luật, 1 dự thảo Nghị quyết, cho ý kiến 6 Luật

Trước đó, thông báo dự kiến chương trình và nội dung kỳ họp, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào sáng ngày 22-10 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 24 ngày (không kể ngày nghỉ); Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 21-11.

Trong đó, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước; xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn; phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28-11-2014, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (trừ Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông mới được Quốc hội bầu).

Hoạt động này sẽ được tiến hành trước phiên họp chất vấn để bảo đảm sự bình đẳng giữa những người được lấy phiếu tín nhiệm (vì Quốc hội chỉ xem xét chất vấn một số Bộ trưởng có nội dung trong Nghị quyết chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến kỳ họp thứ 4).

Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 9,5 ngày để xem xét, thông qua 9 dự án luật; 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác.

Các dự án luật, Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương 

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo sau: Kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 (trong đó có xem xét kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2019 - 2022).

Xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; Đánh giá kết quả giữa kỳ việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020; báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Về công tác giám sát, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo: Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiếm sát nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Quốc hội sẽ nghe Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước và những người bị chất vấn khác về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu kỳ họp đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Ngoài ra, Quốc hội tiến hành xem xét báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2018; nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV; xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV…

Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là Hiệp định quan trọng, có tác động đến hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, ngoại giao của nước ta, nhất là ngành nông nghiệp và quyền của công nhân lao động.


Quỳnh Vinh

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文