Tổng bí thư chủ trì họp Thường trực BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng
- Kiến nghị chuyển toàn bộ hồ sơ Mobifone mua AVG cho cơ quan điều tra
- Chấm dứt hợp đồng Mobifone - AVG: Thông tin chính thức từ Bộ TT&TT
- Ban Bí thư chỉ đạo xử lý vụ Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần AVG
Ngày 27-4, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhằm, cho ý kiến về tiến độ, định hướng xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi từ sau phiên họp 13 đến nay.
Kết luận cuộc họp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo cho rằng, việc kết luận, công khai kết luận thanh tra dự án Tổng công ty viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty CP nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) đã khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
"Việc này đã củng cố niềm tin và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, đảng viên, được nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao; tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội", Tổng bí thư nói và cho biết, Thường trực Ban chỉ đạo thống nhất bổ sung việc xử lý kết luận thanh tra việc MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty Toàn Cầu AVG vào diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: VGP. |
Mở rộng vụ án tổ chức đánh bạc qua Internet
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo, thời gian qua các cơ quan chức năng đã tích cực điều tra, mở rộng vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương.
Thời gian tới, Tổng bí thư yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung điều tra, đưa vụ án "Tổ chức đánh bạc, đánh bạc" xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương ra xét xử đúng thời hạn luật định. Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương cũng yêu cầu các cơ quan tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để xử lý triệt để ở giai đoạn II.
Xử lý nghiêm sai phạm tại công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng
Theo Tổng bí thư, Ban chỉ đạo đánh giá cao cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đã khẩn trương khởi tố, điều tra hành vi sai phạm của các đối tượng trong vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Thái Sơn trực thuộc Bộ.
Để đưa vụ án này ra xét xử đúng thời hạn luật định, Tổng bí thư yêu cầu các lực lượng khẩn trương, tăng cường phối hợp để điều tra, đồng thời mở rộng điều tra, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm của các đối tượng có liên quan trong giai đoạn II của vụ án.
Trước đó chiều 29/3, tại cuộc họp báo quý I/2018, đại tá Nguyễn Văn Đức, Cục phó Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) cho biết, Bộ Quốc phòng đang trong quá trình điều tra vụ án liên quan đến ông Đinh Ngọc Hệ (còn gọi là Út Trọc), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn (thuộc Bộ Quốc phòng).
"Đây là vụ án kinh tế. Bộ Quốc phòng khẳng định sẽ là cơ quan đi đầu trong việc xử lý tiêu cực nội bộ một cách kiên quyết nhất, không có sự du di. Khi có kết luận điều tra, chúng tôi sẽ thông tin cho báo chí", ông Đức nói.
Nhanh chóng kết luận điều tra hàng loạt vụ án
Về nhiệm vụ thời gian tới, Trưởng ban chỉ đạo Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cơ quan chức năng nhanh chóng kết luận điều tra bổ sung và mở rộng điều tra để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (DAB); sớm kết thúc điều tra, xử lý giai đoạn II các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo gồm: vụ án "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Viện Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Vinashin (giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm); vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần hoá dầu và xơ sợi dầu khí (PVTEX) và các đơn vị liên quan...
Trước đó, Thường trực Ban Chỉ đạo đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan, nhất là Công an, Quân đội, Viện kiểm sát, Tòa án, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ và các thành viên Ban chỉ đạo từ sau phiên họp 13 đã nghiêm túc thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã kết thúc điều tra 5/5 vụ án; ban hành cáo trạng truy tố 3/3 vụ án; đã hoàn thành xét xử sơ thẩm 7 vụ/60 bị cáo, tuyên phạt hai bị cáo với 3 mức án tù chung thân; 55 bị cáo tù từ 12 tháng đến 18 năm, trong đó phạt tù cho hưởng án treo 8 bị cáo; cải tạo không giam giữ 2 bị cáo.