Tổng kết thực tiễn trước khi luật hóa các quy định về lực lượng kiểm ngư

08:30 15/08/2017
Trong phiên làm việc 14-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi); và dự án Luật Thủy sản (sửa đổi). Một trong những nội dung được bàn thảo sôi nổi nhất là quy định liên quan đến lực lượng kiểm ngư.


Thảo luận tại kỳ họp thứ ba diễn ra vào tháng 5 vừa qua, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất quan điểm có kiểm ngư Trung ương, nhưng còn ý kiến khác nhau liên quan đến kiểm ngư cấp tỉnh. Theo phương án tại dự thảo luật do Chính phủ trình, sẽ thành lập kiểm ngư tại tất cả 28 tỉnh, thành phố ven biển. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lại cho rằng chỉ nên thành lập kiểm ngư ở một số tỉnh, thành phố ven biển có tính đặc thù. 

Góp ý về dự án này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ tỏ ý băn khoăn vì hoạt động thực tiễn của lực lượng này chưa được tổng kết, đánh giá và cho rằng những quy định về lực lượng kiểm ngư tới đây cần được tập hợp, nâng lên thành pháp lệnh hoặc luật riêng. Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khẳng định kiểm ngư là lực lượng rất quan trọng nhưng cần đánh giá hoạt động từ khi thành lập đến nay như thế nào.

Bà Nga cũng cho rằng: Dự thảo luật nói về nội dung thì có vẻ rất chi tiết, nhưng lại chưa quy định hệ thống cơ quan kiểm ngư và chức năng nhiệm vụ của từng cấp. Với trách nhiệm, quyền hạn được quy định rất rộng, hoạt động kiểm ngư bao gồm cả điều tra, xử lý vi phạm theo pháp luật hình sự, được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, truy đuổi, bắt giữ, áp dụng các biện pháp cưỡng chế... có liên quan đến Hiến pháp và nhiều luật khác, nên bà Nga cho rằng: Về lâu dài phải được điều chỉnh bằng riêng một luật thay vì quy định trong Luật Thủy sản (sửa đổi). Một số ý kiến khác cũng cho rằng trước khi luật hoá quy định về lực lượng kiểm ngư cần có sự tổng kết thực tiễn.

Trả lời những góp ý này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh tầm quan trọng của lực lượng kiểm ngư trong bối cảnh Biển Đông như hiện nay. Tuy nhiên, ông Cường cũng cho biết thời gian hoạt động của lực lượng này quá ngắn, mới có hơn một năm; thêm vào đó lại thiếu kinh phí, nên để tổng kết hoạt động là rất khó khăn. 

Không đồng tình với lập luận của Bộ trưởng, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, năm 2014, lực lượng kiểm ngư đã đi vào hoạt động thì đến nay là ba năm chứ không phải một năm, nên có thể tổng kết được. Bà Hải cũng nhấn mạnh: “Tiếp xúc anh em kiểm ngư, họ còn rất nhiều băn khoăn, nên cần có tổng kết nghị định quy định về kiểm ngư trong thời gian qua còn bất cập gì để luật hoá”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đồng ý với nhận định: Lực lượng kiểm ngư đặc biệt cần thiết, nên tổ chức ở cấp trung ương và cấp tỉnh, nhưng nhấn mạnh “Để làm chuyện này, nhất thiết phải có sơ kết, tổng kết. Nếu không, cơ sở đâu để anh đề xuất như thế? Không tổng kết mà đưa vào luật là thiếu trách nhiệm”.

Liên quan đến đề nghị bổ sung “nhóm hộ gia đình”, “người Việt Nam định cư ở nước ngoài” là chủ rừng tại dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết: Trong hệ thống pháp luật hiện hành thì trách nhiệm pháp lý của nhóm hộ gia đình còn chưa được quy định rõ ràng; pháp luật về dân sự, hình sự cũng không quy định điều chỉnh đối tượng này, pháp luật về đất đai cũng không quy định giao, cho thuê đất đối với nhóm hộ gia đình. Do vậy, xin không bổ sung đối tượng “nhóm hộ gia đình” này là chủ rừng để bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật. 

Cũng theo ông Dũng, đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, mặc dù Luật Bảo vệ và Phát triển rừng hiện hành quy định là một loại chủ rừng, Luật Đất đai quy định đối tượng này được Nhà nước giao, cho thuê đất, nhưng do quỹ rừng của nước ta còn rất ít (khoảng 2,7 triệu ha) trong khi nhu cầu được giao đất, cho thuê đất của người dân địa phương là lớn, nên cần ưu tiên giao cho người dân tại chỗ để phát triển sản xuất, bảo đảm việc làm, ổn định đời sống người dân nơi có rừng. Do đó, Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường và Ban soạn thảo không bổ sung quy định đối tượng này là chủ rừng trong Dự thảo Luật.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, quy định của Hiến pháp và Luật Đất đai cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được làm chủ rừng, nên cần phải cân nhắc thêm về quy định này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình với quan điểm trên.

Vũ Hân

Theo báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quý I/2024 của UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, hầu hết các cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chủ động hơn trong kiểm tra, thanh tra phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát nội bộ chưa thường xuyên…

Bằng chiêu trò ủy quyền qua nhiều đầu mối trung gian, các đối tượng đã tạo lòng tin cho nhà đầu tư mua những mảnh đất giá rẻ, sau đó âm thầm khởi kiện hoặc đưa ra kịch bản đang tranh chấp để lấy lại đất từ chính người được ủy quyền mà không hề thông báo cho người mua cuối cùng được biết.

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Bước vào nghề với những hoàn cảnh khác nhau, nhưng những người phụ nữ ngành Điện đã vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, kể cả những công việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới.

Giả danh cơ quan Công an gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải thủ đoạn mới nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, sập bẫy. Mới đây, Công an quận Hà Đông, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 15 tỷ đồng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文