Trưng bày nhiều tư liệu về Tổng Bí thư Lê Duẩn với cách mạng Việt Nam

08:29 04/04/2017
Ngày 3-4, nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (7-4-1907 – 7-4-2017), Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức trưng bày triển lãm tư liệu về Tổng Bí thư Lê Duẩn. Nhiều tài liệu tại triển lãm khẳng định công lao to lớn của Tổng Bí thư Lê Duẩn với cách mạng Việt Nam nói chung và cách mạng miền Nam nói riêng.


Triển lãm trưng bày theo 4 chuyên đề gồm: Quảng Trị anh hùng – quê hương của Tổng Bí thư Lê Duẩn; Tổng Bí thư Lê Duẩn – Một trí tuệ lớn, một nhân cách lớn; Tổng Bí thư Lê Duẩn – các tác phẩm tiêu biểu; Tổng Bí thư Lê Duẩn – Nhà lý luận xuất sắc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam.

Một trong những nội dung nổi bật được trưng bày tại triển lãm, đó là các tư liệu nói về những đóng góp quan trọng của Tổng Bí thư Lê Duẩn cho cách mạng Việt Nam nói chung và cách mạng miền Nam nói riêng. Đó là bản “Đề cương Cách mạng miền Nam” mà sau này đã trở thành cơ sở cho Nghị quyết 15 (khóa II) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, và Nghị quyết 15 là cơ sở cho việc hoạch định đường lối cách mạng của Đảng được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ III.

Triển lãm thu hút sự quan tâm của đông đảo người xem.

Trong tác phẩm được trưng bày tại triển lãm với nhan đề “Đề cương Cách mạng miền Nam – Tư duy sáng tạo & tư tưởng tiến công” của tác giả Huỳnh Nghĩ, đăng trên Tạp chí Xưa và Nay số 266 tháng 8 năm 2006 có đoạn: “Sống giữa phong trào đấu tranh của nhân dân, hiểu rõ nguyện vọng của quần chúng, đồng chí (Tổng Bí thư Lê Duẩn – PV) đã quan sát, phân tích và phát hiện đánh giá đúng tình hình thực tiễn và với tư duy sáng tạo, đồng chí đã nhận ra rằng phải có một sự thay đổi về đường lối và phương pháp đấu tranh cho cách mạng miền Nam, không thể chỉ đấu tranh chính trị đơn thuần. 

Sau khi ký kết Hiệp định Giơnevơ, đồng chí đã bàn về việc đưa người của ta cài cắm vào các tổ chức Bình Xuyên và các lực lượng thân Pháp. Với tầm nhìn chiến lược, đồng chí đã khởi thảo bản “Đề cương Cách mạng miền Nam”. Tinh thần xuyên suốt của bản đề cương này là kết hợp nhuần nhuyễn giữa đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, phối hợp chặt chẽ giữa ba vùng chiến lược: rừng núi, đồng bằng với đô thị, phát huy sức mạnh của cả dân tộc kết hợp hậu phương lớn gắn với tiền tuyến lớn, ra sức xây dựng hậu phương tại chỗ”.

Một trong những đóng góp quan trọng khác của Tổng Bí thư Lê Duẩn cho cách mạng Việt Nam, đó là góp phần đưa ngoại giao Việt Nam lên tầm cao mới trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cho đến năm 1954, mặc dù đã đạt được những thành công ở Hội nghị Giơnevơ nhưng ngoại giao Việt Nam vẫn còn non trẻ và chưa theo kịp với tình hình nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. 

Lúc này, Việt Nam mới chỉ được một số nước trong phe xã hội chủ nghĩa công nhận và đặt quan hệ ngoại giao chính thức. Vì vậy, việc xác lập chính sách đối ngoại với những nguyên tắc mới là điệu kiện tiên quyết để Việt Nam từng bước phá vỡ thế cô lập, mở rộng quan hệ ngoại giao trong khu vực và quốc tế, nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của các nước và tăng uy tín nước ta trên trường quốc tế. 

Xác định được tầm quan trọng của vấn đề này, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã thành công trong việc xây dựng và hoàn thiện đường lối, chiến lược, sách lược đối ngoại linh hoạt, sáng tạo.

Trong tác phẩm được trưng bày tại triển lãm với nhan đề: “Đồng chí Lê Duẩn với việc lãnh đạo xây dựng đường lối đối ngoại của Đảng thời kỳ chống Mỹ, cứu nước” của tác giả - TS Trần Minh Trường đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 10-2006 có đoạn: “Trên cương vị Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã có những đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, hoạch định đường lối đối ngoại của Đảng và hoạt động ngoại giao thời kỳ chống Mỹ, cứu nước để hình thành nên thế trận gồm các hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân đầy sức mạnh. Đồng chí Lê Duẩn vừa là một kiến trúc sư tham gia hoạch định, vừa là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, đưa ngoại giao Việt Nam lên tầm cao mới, trở thành nhân tố phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh quốc tế, làm nên thắng lợi oanh liệt của dân tộc ta ở thế kỷ XX”.

Đồng chí Lê Duẩn sinh ngày 7-4-1907 ở làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đồng chí Lê Duẩn tham gia phong trào yêu nước từ năm 1926, tham gia và hoạt động trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ năm 1928 và đến năm 1930 trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1957, Trung ương cử đồng chí lãnh đạo công việc chung của Đảng bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 9-1960, tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, đảm nhận trọng trách Bí thư thứ nhất BCHTƯ Đảng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (năm 1976) và lần thứ V (1982) của Đảng, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại vào BCHTƯ, Bộ Chính trị, giữ chức Tổng Bí thư BCHTƯ Đảng.
Cảnh Vũ

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文