Tung tin thất thiệt lên facebook, mạng xã hội sẽ bị xử lý như thế nào?

09:21 15/08/2014
Tung tin thất thiệt lên facebook, mạng xã hội sẽ bị xử lý như thế nào?Chỉ vì nghe hóng hớt rồi tự suy diễn, tung lên facebook “dịch Ebola ở Hà Nội”, tác hại đối với xã hội không hề nhỏ. Chơi facebook hay bất kỳ dịch vụ mạng xã hội nào khác giờ là trào lưu của bộ phận khá lớn cộng đồng và điều đặt ra là mỗi cá nhân cần phải thay đổi suy nghĩ “thích thì chơi” bằng việc tự trang bị kiến thức cơ bản nhất trước khi chơi.

Nhiều người khi chơi facebook vẫn quan niệm chỉ tránh “đụng” các thông tin về có nội dung đồi trụy, thông tin mật của Nhà nước, thông tin ảnh hưởng đến an ninh quốc gia... Còn lại, bất luận đúng sai, cứ lên mạng là “chém gió” ào ào, chê một ai đó, một tổ chức nào đó hay bình luận về một vụ việc, vấn đề đang diễn ra, cứ nói “thả phanh”, đúng sai có... mạng chịu! Đã quá nhiều tổ chức, cá nhân trở thành nạn nhân của trò tán gẫu trên facebook kiểu này khi các thông tin đưa ra nhằm vào họ sai lệch hoàn toàn hoặc một phần; uy tín, danh dự bị ảnh hưởng nhưng không nhiều người truy đến cùng kẻ tung tin gây hại bởi sự phức tạp của thông tin mạng cũng như những khó khăn khi đấu tranh về mặt pháp lý để đòi lại danh dự, quyền lợi cho mình. Tuy nhiên, đã đến lúc cần định hình lại về “thế giới phẳng” trên Internet, cần thay đổi suy nghĩ facebook hay các diễn đàn, mạng xã hội khác do mình lập ra là có quyền “thích thì chơi”, nói gì cũng được. Trái lại, yêu cầu tối thiểu khi tham gia diễn đàn, mạng xã hội là phải có nhận thức cơ bản nhất để biết mình được hành động trong khuôn khổ nào.

Trở lại với vụ tung thông tin “dịch Ebola xuất hiện tại Hà Nội”, tác hại của nó sau khi tung lên facebook rất lớn khi lan truyền tốc độ chóng mặt, gây hoang mang, lo lắng trong dư luận. Tài khoản facebook “Mẹ Gateau” đăng bài viết có nội dung: “Theo thông tin đã xác nhận từ ng nhà em làm trong BV là Hà Nội đã có người nhiễm Ebola. Nên các mẹ tuyệt đối cẩn thận và đề phòng nhé…”. Với kiểu viết dẫn dắt “thông tin đã được xác nhận” và nguồn lại được nói “từ người nhà em làm trong bệnh viện” khiến người đọc dễ tin là tin có thật, trong khi một facebook khác lại răn kiểu úp mở: “tin nội bộ chưa tiết lộ vì sợ ảnh hưởng”... Thực tế như các đối tượng đã khai tại CQĐT thì người nhà được nói trên facebook chính là mẹ của cô ta và chính bà mẹ đó đã nói: “Mẹ hỏi sếp bảo không có trường hợp nào”...

Thông tin về dịch bệnh nguy hiểm như Ebola hiện rất nhạy cảm, dư luận đặc biệt quan tâm và chỉ có cơ quan y tế mới xác định có hay không dịch bệnh này tại Việt Nam. Kiểu thông tin như trên theo lối “nghe hơi nồi chõ” rất nguy hiểm, tự suy diễn, “bơm vá” trên diễn đàn, không hề có cơ sở nào cả nhưng lại nói y như thật, như chính xác 100% rồi. Trong khi đó, cư dân mạng cũng không rõ đầu đuôi, thêm bớt và lan truyền, bình phẩm như một “thông cáo” có thật, gây hoang mang dư luận.

Động cơ tung tin của các đối tượng là gì?

Dạo trước, một thanh niên tung tin “Thanh niên đi xe Camry rút súng bắn hạ tài xế xe tải sau va quệt”, kèm cả ảnh có xe Camry và xe tải, chú thích ảnh tại hiện trường. Kiểu học đòi nghề báo “tin có ảnh” đánh vào tâm lý người đọc, dễ tin là thật khiến dư luận lo lắng. Công an Quảng Bình vào cuộc điều tra, xác định đối tượng tung tin là Ngô Đình Sơn (SN 1993), trú tại phường Hải Đình, TP. Đồng Hới. Sự thật là Sơn đã tự lấy xe Camry của mình, bày dựng bên đường rồi chụp ảnh chú thích như trên. Đáng nói, động cơ của cậu ta muốn dựng tin gây sốc để tạo độ “hot” cho facebook của mình. Đây quả thực là một trò ngông khi gây sự chú ý bằng hành vi phạm pháp mà bản thân người thực hiện lại không ý thức được việc đó khi trả lời rất ngô nghê trước CQĐT.

Còn như vụ đưa tin dịch Ebola, cả Vũ Hương Thảo và Nghiêm Thùy Trang, tin giả nhưng lại nói như thật, viết như thật để “cảnh báo mọi người”. Tất nhiên, lời khai của cả Thảo và Trang dù có vẻ mang màu sắc tích cực là “cảnh báo” thì nội dung tin đã vi phạm pháp luật: đưa tin giả lên mạng, gây lo lắng, hoang mang trong dư luận. Trong trường hợp nếu CQĐT xác định động cơ tung tin là có dụng ý xấu, việc xử lý cũng sẽ nghiêm khắc hơn.

Thực tế, chúng ta đã có các luật, nghị định điều chỉnh lĩnh vực này. Nếu thông tin thất thiệt có nội dung vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì hành vi tung hoang tin, bịa đặt bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định 97/2008/NĐ-CP. Theo khoản 2, Điều 9, Nghị định 28/2009/NĐ-CP và điểm b, khoản 5, Điều 6, Nghị định 63/2007/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Như trường hợp của Ngô Đình Sơn, Công an tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định xử phạt hành chính 25 triệu đồng đối với 2 hành vi là lập trang mạng điện tử không có giấy phép và bịa đặt, đưa thông tin không đúng sự thật.

Điều 37, Bộ luật Dân sự quy định rõ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Người nào tung tin đồn thất thiệt xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một tổ chức, cá nhân cụ thể thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại theo quy định.

Việc tung tin thất thiệt lên mạng, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự. Nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt có tính chất vu khống thì xử lý theo quy định tại Điều 122, Bộ luật Hình sự. Người phạm tội vu khống có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm. Trường hợp không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người đưa  tin lên mạng thì áp dụng theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự, tội “Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật” (nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của bộ luật này). Hành vi xâm phạm đó gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.

Người có hành vi tung tin đồn thất thiệt cũng có thể bị xử lý riêng theo quy định của pháp luật trong từng lĩnh vực cụ thể như việc vừa qua một số đối tượng tung tin ăn bưởi bị ung thư, tung tin sắp có tiền mệnh giá 1 triệu đồng... Đây là dạng hành vi bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường, có thể bị xử phạt theo Điều 18, Nghị định 84/2011/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá...

Như vậy, chế tài hành chính và hình sự đã có, cái quan trọng là mỗi người cần phải nắm được để biết mình cần tránh làm những gì pháp luật không cho phép, tránh những kiểu chơi ngông vì thiếu hiểu biết mà phạm pháp. Chơi facebook và tham gia các diễn đàn giờ đang là trào lưu, và khi để chế độ mở thì những bài viết, ý kiến của mình đưa lên mạng, chính mình phải phải tự kiểm soát lấy. 

Điểm d, Điều 5, Nghị định 72 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nghiêm cấm lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích: “đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”. Còn tại khoản 5, Điều 21 quy định: “Tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về các thông tin mà mình lưu trữ, truyền đưa, cung cấp hoặc phát tán trên mạng”.

Đ.T.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Một cây cầu nối hai tiểu bang ở phía Bắc và Đông Bắc Brazil đã bị sập ngày 22/12 (giờ địa phương) khi các phương tiện đang băng qua, khiến ít nhất một người tử vong và làm đổ axit sunfuric vào sông Tocantins.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文